Phun thuốc trừ cỏ, lúa không làm đòng!

Sự việc dùng thần dược Ga3 phun cho lúa khiến cây lên như mía trong vụ hè thu 2010 ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chưa lắng xuống thì trong vụ sản xuất đông xuân 2010 - 2011, cũng ở địa phương này lại "nóng" lên chuyện người dân sử dụng thuốc trừ cỏ nên cây lúa không thể làm đòng, dần chết lụi...

Những ngày này, anh Hoàng Bá Quế ở tổ dân phố 5, thị trấn Cẩm Xuyên cùng một số anh em làng xóm luôn có mặt trên cánh đồng để theo dõi diễn biến của ruộng lúa. Gia đình anh Quế có 6 sào ruộng, trong đó có gần 4 sào khi gieo xong gần 1 tháng thấy cỏ lên nhiều nên anh đã đi mua thuốc Anco 600 DD (có chứa hoạt chất 2-4D – dimethyl-amin, do Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang sản xuất) để phun trừ.

Theo chủ cửa hàng giới thiệu, đây là loại thuốc có thể diệt trừ tất cả các loại cỏ nên sau khi phun xong, anh Quế giới thiệu thuốc này cho gia đình chị Đặng Thị Hóa là người cùng thôn.

Gia đình chị Hóa làm 8 sào ruộng, được phân thành 3 thửa. Ở 2 thửa ruộng có diện tích ít hơn do cỏ không đáng kể nên chị chọn cách nhổ bỏ. Ở thửa lớn nhất với hơn 3 sào, cỏ nhiều và được anh Quế giới thiệu, chị cũng đến mua thuốc Anco 600 DD. Sau khi phun được 3 ngày, chị Hóa ra thăm đồng thì thấy cỏ chết nhiều nhưng lúa có hiện tượng rả sang 4 phía, cây nghiêng.

Chị Hòa phun thuốc được 3 ngày thì lúa rả sang 4 phía, cây bị nghiêng
Chị Hòa phun thuốc được 3 ngày thì lúa rả sang 4 phía, cây bị nghiêng

Thấy vậy, ít ngày sau gia đình anh Quế và chị Hóa đã tập trung chăm sóc, đầu tư lân đạm. Điều đáng nói là khi trời nắng ấm trở lại thì cây lúa phát triển bất thường, biểu hiện rõ nhất là lá xoăn, biến dạng, lá và đọt bo lại, không cho đòng. Điều lạ là bao nhiêu phân, đạm của gia đình anh Quế, chị Hóa đổ vào động ruộng cây lúa chỉ phát triển ở lá thứ 2. Ở những chỗ vòi phun thuốc quét mạnh hơn thì cây lúa đang chết lụi dần, bộ rễ đã ra củ.

Anh Quế bày tỏ: “Khi đến mua thuốc cỏ, tôi hỏi xem có loại thuốc nào diệt trừ được nhiều loại cỏ không thì chủ cửa hàng giới thiệu thuốc Anco 600 DD. Là người cẩn thận nên tôi vẫn hỏi xem liệu có ảnh hưởng đến lúa không nhưng người bán cam đoan là không và dặn không nên phun ở nhiệt độ dưới 150C. Theo chỉ dẫn đó, khi nhiệt độ lên trên 180, tôi mới mang ra phun. Bây giờ cây lúa như thế này thì chỉ có bứt cho trâu, bò ăn thôi. Cấp trên phải có hướng dẫn cụ thể và nếu nói đây là loại thuốc không sử dụng được trong vụ đông xuân thì phải cấm bán. Người bán cứ bán thì chúng tôi mua. Khi xảy ra sự việc lại bảo người dân không có kiến thức, không biết sử dụng”.

Không chỉ có gia đình anh Quế, chị Hóa mà ở tổ dân phố 5 còn có 2 hộ gia đình khác lúa cũng gặp phải tình trạng như thế khi phun thuốc trừ cỏ Anco 600 DD. Cùng chung hoàn cảnh với những hộ dân ở tổ dân phố 5 còn có một số người dân ở các xã: Cẩm Quang, Cẩm Huy, Cẩm Yên.

Phun thuốc cỏ Anco 600 DD làm lá lúa xoăn lại, không có đòng
Phun thuốc cỏ Anco 600 DD làm lá lúa xoăn lại, không có đòng

Theo người dân, tất cả diện tích đó đều phun thuốc trừ cỏ Anco 600 DD của Công ty cổ phần BVTV An Giang và thuốc trừ cỏ Raco 600 DD của Công ty BVTV Việt Thắng với hoạt chất 2-4D vẫn có trong danh mục sử dụng được phép lưu hành.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Phòng NN&PTNT huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện và đại diện cán bộ thị trấn Cẩm Xuyên đã xuống kiểm tra đồng ruộng. Nguyên nhân ngành chuyên môn đưa ra là do ngộ độc thuốc cỏ, bởi đây là loại thuốc chỉ sử dụng trong vụ hè thu khi nhiệt độ thời tiết cao. Trong vụ đông xuân, trạm BVTV huyện đã khuyến cáo người dân không nên dùng và nhắc nhở các đại lý bán thuốc BVTV không nên bán.

Ông Bùi Quang Dung – Trạm trưởng trạm BVTV huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng này trên đồng ruộng Cẩm Xuyên (thực chất nhiều vụ đông xuân trước đã xảy ra những trường hợp như thế này). Theo xác minh của chúng tôi là do người dân đã sử dụng trừ thuốc cỏ Anco 600 DD có hoạt chất 2,4 D. Hiện tượng ngộ độc này rất nguy hiểm vì ở giai đoạn lúa sinh trưởng, phát triển thì biểu hiện không rõ ràng nên người dân vẫn cứ đầu tư chăm sóc. Đến khi nắng ấm, lúa ở giai đoạn làm đòng thì biểu hiện mới rõ ràng. Khi bị ngộ độc thuốc cỏ, lá lúa biến dạng, cây không có đòng. Sỡ dĩ xảy ra sự việc này là do nông dân và chủ một số cửa hàng bán thuốc kém hiểu biết về công dụng, đặc tính các loại thuốc...”.

Từ sự cố đáng tiếc trên, mỗi nông dân, chủ kinh doanh thuốc BVTV và ngành chức năng cần rút ra cho mình bài học kinh nghiệm, có phương án xử lý cụ thể để tránh thiệt hại về sau.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast