Quản lí, bảo vệ rừng tại gốc: Đừng mãi là mục tiêu.

Quản lí, bảo vệ rừng (BVR) tại gốc là một trong những mục tiêu đã và đang được các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhằm đưa lại hiệu quả cao trong việc thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Mục tiêu là vậy. Nhưng trong thực tế, mục tiêu ấy ở Hà Tĩnh thời gian qua chưa thu được kết quả như mong muốn. Nhiều người có trách nhiệm đang băn khoăn lo ngại: Liệu BVR tại gốc có mãi là mục tiêu phấn đấu?.

Gỗ khai thác trái phép bị thu giữ tại Kiểm lâm Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: Trọng Tuệ

Gỗ khai thác trái phép bị thu giữ tại Kiểm lâm Hương Khê (Hà Tĩnh).

Ảnh: Trọng Tuệ

Theo báo cáo từ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2009 và 2 tháng đầu năm 2010, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã đã bắt giữ và xử lí trên 1000 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu gần 2000 m3 gỗ các loại và khoảng 900 kg động vật rừng; toàn tỉnh cũng đã để xẩy ra 24 vụ cháy rừng, trong đó có 3 vụ cháy vào những tháng đầu năm. Huyện có số vụ cháy nhiều nhất là Hương Sơn: 6 vụ. Huyện có diện tích rừng bị cháy nhiều nhất là: Vũ Quang (44,5 ha), và Hương Sơn ( 24,5 ha). Các con số trên sẽ không dừng lại ở đây nếu như các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên hơn trong công tác phối hợp, tuần tra, kiểm soát và các chủ rừng trung thực trong thực hiện báo cáo. Tạm bằng lòng với những con số trên cũng cho thấy, công tác quản lí và BVR đang có nhiều vấn đề.

Một cây lim có tuổi đời gần hai thập kỷ ở rừng Ngã Đôi - Hương Sơn. Ảnh: Hải Xuân

Đáng lo ngại hơn là tại những nơi đúng ra rừng phải được cấm nghiêm ngặt, những vùng được coi là trọng điểm, rừng được giao cho các chủ rừng lớn…lại bị xâm hại nhiều nhất, nghiêm trọng nhất, cứ như thách đố dư luận! Sau rừng ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ bị chặt phá hàng chục ha và hàng ngàn ha khác bị chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất (đã thu hồi), lại đến Vườn Quốc gia Vũ Quang bị "xẻ thịt, lột da", chở đi tiêu thủ giữa thanh thiên bạch nhật, trước nhiều trạm gác của nhiều lực lượng bảo vệ rừng. Vậy mà chỉ khi quần chúng nhân dân tố giác, báo đài Trung ương, địa phương thâm nhập, phản ánh thì sự thật mới được phơi bày và các ngành chức năng mới "kịp thời" vào cuộc!

Không chỉ có 2 đơn vị lớn trên, thực tế cho thấy, nhiều chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã không quản lí và bảo vệ được rừng với nhiều lí do khác nhau. Địa bàn huyện Hương Khê là một dẫn chứng điển hình. "Trong năm 2009, Hạt Kiểm lâm đã chủ động phối hợp với UBND các xã kiểm tra tình trạng khai thác, tập kết lâm sản trái phép trong rừng của các đơn vị chủ rừng: Tại Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A đã kiểm tra 4 lần phát hiện và thu hồi 33, 23 m3 gỗ các loại, tham mưu UBND huyện xử phạt Công ty 106 triệu đồng; tại Ban quản lí Rừng phòng hộ Sông Tiêm, kiểm tra 3 lần, phát hiện và thu hồi 18, 5 m3 gỗ các loại, phạt tiền Ban 53.400.000 đồng; Vườn Quốc gia Vũ Quang phối hợp Hạt kiểm tra rừng tại xã Hoà Hải 5 lần phát hiện trên 10m3…

Tại Công ty Cao su Hà Tĩnh đã kiểm tra phát hiện rừng bị khai thác, tập kết trái phép 6, 6m3 gỗ tròn, Hạt đã tịch thu và xử phạt Công ty 5.620.000 đồng; Tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Ngàn Sâu đã kiểm tra 4 lần, phát hiện thu giữ trên 6m3 gỗ tròn, xử phạt Ban 5.600.000 đồng.

Tại Công ty Cao su Hương Khê, đã kiểm tra tại tiểu khu 200…và tiểu khu 175 phát hiện lâm sản và 3, 6 m3 gỗ tròn, phạt Công ty 2.800.000 đồng" (trích báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện). Báo cáo trên và thực tế đều có chung một điểm: tất cả các chủ rừng lớn trên địa bàn huyện này đều để rừng bị khai thác trái phép, không chỉ một lần.

Không chỉ ở huyện này, theo ông Hoàng Quốc Huấn - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, trong số trên 1000 vụ vi phạm lâm luật bị các lực lượng chức năng bắt giữ nêu trên, lực lượng bảo vệ của các chủ rừng trong toàn tỉnh chỉ bắt giữ chưa đến 100 vụ; có nhiều chủ rừng cả năm chẳng phát hiện được vụ nào nhưng khi có đoàn kiểm tra đột xuất là gỗ khai thác trái phép ngay trên rừng mình quản lí lại được phát hiện!

Ngoài việc để rừng bị đốn hạ trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, hầu hết số vụ cháy, diện tích rừng bị cháy cũng thuộc về các đơn vị chủ rừng lớn. Cụ thể: trong năm 2009, trên địa bàn tỉnh để xẩy ra 21 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy là 81, 85 ha thì các đơn vị chủ rừng lớn chiếm 18 vụ và 50, 45 ha. Cá biệt như huyện Hương Sơn, cả 6 vụ cháy rừng trong năm qua đều nằm trong diện tích rừng của BQL RPH Ngàn Phố. Hay huyện Kỳ Anh, 5 vụ cháy rừng năm 2009 thì 4 vụ thuộc Công ty Nông -Lâm sản, còn 1 vụ thuộc BQL RPH Nam Hà Tĩnh.

Chăm sóc rừng phòng hộ ở Hương Khê. Ảnh: Chính Thu

Nguyên nhân khiến cho mục tiêu quản lí, BVR tại gốc trong thời gian qua đạt kết quả thấp không khó để nhận ra. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như: Lực lượng kiểm lâm mỏng, nhất là kiểm lâm địa bàn, thiếu trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện, diện tích quản lí, bảo vệ lớn…còn có những nguyên nhân chủ quan lớn khác.

Một Hạt trưởng Kiểm lâm huyện, thẳng thắn: "Hàng năm, các chủ rừng, UBND các cấp, các cụm… đều xây dựng phương án BVR -PCCCR, trong đó luôn chú trọng đến BVR tại gốc nhưng do thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc mà trực tiếp là kiểm lâm các Hạt, Trạm và kiểm lâm địa bàn nên việc triển khai thực hiện phương án còn được chăng hay chớ, qua quýt, có nơi còn nặng về hình thức".

Vai trò của kiểm lâm địa bàn là rất quan trọng, song do chưa bám sát cơ sở để tham mưu, hướng dẫn UBND cấp xã triển khai, thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đó là chưa kể có nơi có lúc kiểm lâm địa bàn bị vô hiệu hoá hoặc có biểu hiện "khác thường".

Chủ rừng có vai trò quyết định đến sự thành bại đến mục tiêu BVR tại gốc nhưng xem ra còn khó tin cậy. Trách nhiệm của một số chủ rừng trong thời gian qua thật sự chưa được phát huy. Trên diện tích của mình các chủ rừng đều bố trí nhiều Trạm BVR tại những nơi cần thiết như cửa rừng, các tuyến đường qua lại nhưng hiệu quả hoạt động của nhiều Trạm rất thấp, thậm chí có những bảo vệ rừng ở một số Trạm có biểu hiện thông đồng, bắt tay với "lâm tặc". Một số chủ rừng vì mục đích, lợi ích riêng đã có những động thái nóng vội, gây bức xúc cho người dân trên địa bàn trong công tác giao đất, chuyển đổi mục đích rừng.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng nhìn chung chưa đạt yêu cầu. Không ít lần lực lượng này cần có sự hỗ trợ, phối hợp thì lực lượng kia lại có những lí do để rồi… không đủ con số, thiếu kịp thời…dẫn tới hiệu quả phối hợp không cao. Đây là vấn đề "tế nhị, khó nói" nhưng đã không ít lần được nghe, nhất là ở cơ sở. Công tác xử lí, điều tra, truy tìm thủ phạm vi phạm lâm luật, cản trở, chống người thi hành công vụ chưa quyết liệt, nghiêm minh, thiếu kịp thời …trong thời gian qua đã ít nhiều đang làm nản lòng người thực thi pháp luật. Cùng với trách nhiệm quản lí Nhà nước về BVR ở cấp xã còn nhiều hạn chế, việc giao đất gắn với giao rừng, xử lí tài sản trên đất còn nhiều khó khăn, bất cập do công tác giao khoán ngày trước để lại cũng là nguyên nhân không nhỏ làm nẩy sinh tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư sống ở gần rừng, khiến cho việc BVR tại gốc trở nên phức tạp, khó ngừa.

Thực trạng đáng buồn cùng với những nguyên nhân chủ yếu trên không mới, các ngành chức năng ít nhiều đều biết nhưng để cải thiện được tình hình này, thiết nghĩ các cấp, các ngành, nhất là ngành kiểm lâm tỉnh cần có đánh giá đúng thực chất để sớm có những giải pháp cấp bách cả trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đừng để các biện pháp chỉ nằm lại trong các bản báo cáo hằng năm. Nghiêm túc, quyết liệt trong việc thực thực hiện các giải pháp, thì quản lí, BVR tại gốc mới không mãi là mục tiêu phấn đấu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast