Quy hoạch cây cao su trên đất chưa có rừng và đất rừng sản xuất chuyển đổi có nguồn gốc từ rừng trồng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ tại hội nghị góp ý Quy hoạch phát triển cây cao su vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào chiều ngày 5 – 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ kết luận hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ kết luận hội nghị

Đến thời điểm này, diện tích cao su toàn tỉnh đạt 7.165 ha, nằm ở 29 xã của 6 huyện là Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà và Kỳ Anh; trong đó, đã có 1.494 ha được Công ty cao su Hà Tĩnh khai thác, chế biến (từ năm 2006) với sản lượng 1.283 tấn mủ khô.

Sau 12 năm phát triển, cây cao su ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế, đồng thời đảm bảo tốt môi trường sinh thái và đang góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải thiện thu nhập cho người dân.

Từ năm 1998 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt quy hoạch với diện tích 14.763 ha nhưng thực tế chỉ mới thực hiện được 48% diện tích và cũng chỉ có thể nâng lên khoảng 55% diện tích do các chủ quản lý đất không đồng ý giao đất, một phần nữa là do đất xấu, độ dốc lớn nên không đủ điều kiện trồng.

Trước yêu cầu đó, Sở NN&PTNT đã chủ trì lập quy hoạch theo hướng đến năm 2015 đạt diện tích từ 15 – 16 ngàn ha và đến năm 2020 đạt từ 20 – 21 ngàn ha. Đối tượng đất đưa vào trồng được xác định theo thứ tự ưu tiên là đất nông nghiệp, đất trồng cây công nghiệp kém hiêu quả và đất lâm nghiệp được quy hoạch rừng sản xuất.

Để đảm bảo diện tích dự kiến từ nay đến năm 2010 trồng thêm 13.729 ha, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về đất đai, khai thác tận thu lâm sản, tiến bộ khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, nhất là nguồn vốn và hệ thống chính sách…

Lãnh đạo các ngành liên quan, các huyện, các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp thống nhất cao với các mục tiêu và giải pháp mà dự thảo quy hoạch đưa ra, đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh và ngành chủ quản cần có lộ trình, bước đi cụ thể để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, nhất là ở những diện tích nằm ở vùng rừng phòng hộ đầu nguồn hay các diện tích có độ dốc lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, phải ưu tiên phát triển mạnh cao su tiểu điền chứ không nên đặt trọng tâm vào cao su đại điền. Riêng vùng Kỳ Anh đa phần khuyến nghị không nên tăng thêm diện tích. Ngoài ra cũng cần xem xét lại một số vùng thường có gió lớn ở một số địa phương thuộc Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Can Lộc…

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Minh Kỳ nhấn mạnh, quy hoạch chỉ mang tính định hướng nhưng có ý nghĩa lớn trong việc làm nền để xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng vùng song không được trùng lặp với các quy hoạch đã có.

Quy hoạch phải ưu tiên phát triển ở những diện tích chưa có rừng hoặc những diện tích rừng sản xuất chuyển đổi nhưng có nguồn gốc là rừng trồng. Gắn với việc xây dựng quy hoạch mới này, ngành NN&PTNT cần tổ chức tổng kết thực tiễn phát triển cây cao su trong 12 năm qua để làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch lẫn các chính sách đầu tư. Cho dù trồng trên loại đất nào thì việc trồng cây cao su phải tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, ở những nơi có độ dốc lớn càng phải thận trọng hơn.

Sau hội nghị này, ngành NN&PTNT chỉ đạo tư vấn tiếp tục hoàn thiện quy hoạch để ngày 16 – 1, UBND tỉnh chính thức trình Bộ NN&PTNT phê duyệt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast