Quy hoạch phát triển cao su giai đoạn 2010 – 2020: Cần chú trọng chuyển đổi đất lâm nghiệp gắn với quản lý, sử dụng tốt quỹ đất hiện có

Ngày 17 – 3 – 2010, UBND tỉnh đã có Quyết định 723/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 – 2020. Để thực hiện tốt quy hoạch, các tổ chức, cá nhân cần phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, vấn đề chuyển đổi đất lâm nghiệp và quản lý, sử dụng quỹ đất trong quy hoạch phải được tiến hành đúng trình tự pháp luật.

Theo ông Nguyễn Hữu Dực – Trưởng Đoàn điều tra Quy hoạch Nông – Lâm nghiệp Hà Tĩnh, đối tượng đất đưa vào trồng cao su ở tỉnh ta được xác định theo thứ tự ưu tiên trước hết là đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả rồi mới đến đất lâm nghiệp được quy hoạch rừng sản xuất (gồm đất chưa có rừng, đất có rừng trồng, đất rừng tự nhiên chưa có trữ lượng và đất có rừng gỗ tự nhiên có trữ lượng cây đứng bình quân dưới 50m3/ha) và cuối cùng là đất có độ dốc dưới 250 và độ cao dưới 400m.

Công nhân Công ty Cao su Hà Tĩnh ra quân mở cạo khai thác mủ cao su năm 2010
Công nhân Công ty Cao su Hà Tĩnh ra quân mở cạo khai thác mủ cao su năm 2010

Tuy nhiên, do không còn quỹ đất nông nghiệp nên quy hoạch chủ yếu nhắm vào đất lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng sản xuất. Qua khảo sát, điều tra đã lựa chọn được 8 huyện có thể mở rộng trồng cao su (Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh) với tổng diện tích 26.499 ha, trong đó: đất chưa có rừng 8.518 ha, đất có rừng trồng 13.768 ha và đất có rừng tự nhiên nghèo 4.213 ha.

Từ cơ sở đó, quy hoạch dự kiến diện tích trồng cao su đứng đến 2015 là 16 ngàn ha và đến năm 2020 là 20 ngàn ha. Như vậy, nếu trừ 7.183 ha đã trồng được đến thời điểm này thì số diện tích cần mở rộng thêm đến năm 2020 là 12.817 ha. Theo đó, quy mô định hình đến năm 2020 tại các địa phương sẽ là: Hương Khê 10.369 ha (trồng mới 5.918 ha), Hương Sơn 2.653 ha (trồng mới 2.653 ha), Vũ Quang 1.999 ha (trồng mới 1.834 ha), Kỳ Anh 1.906 ha (trồng mới 164 ha), Cẩm Xuyên 997 ha (trồng mới 997 ha), Đức Thọ 764 ha (trồng mới 629 ha), Can Lộc 657 ha (trồng mới 533 ha) và Thạch Hà 655 ha (trồng mới 519 ha).

Để thực hiện tốt quy hoạch, ngoài việc đảm bảo tốt nguồn vốn (dự kiến cần 1.700 tỷ đồng), khoa học công nghệ và khuyến nông – khuyến lâm, đào tạo và sử dụng lao động, thị trường tiêu thụ sản phẩm, còn phải thực hiện tốt chính sách về đất đai, trong đó, tập trung vào hai vấn đề lớn là: chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su và quản lý, sử dụng quỹ đất trong vùng quy hoạch.

Đối với việc chuyển đổi đất lâm nghiệp, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, các đơn vị, tổ chức có nhu cầu trồng cao su cần thuê tư vấn khảo sát về loại đất, loại rừng (trạng thái, trữ lượng, độ dốc, tầng dày đất, vùng an toàn hồ, đập) để lập dự án đầu tư và báo cáo tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su và khai thác tận thu lâm sản trên đất chuyển đổi phải thực hiện theo trình tự quy định tại Thông tư 58/2009/TT-BNN của Bộ NN&PTNT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đồng thời thực hiện việc quản lý lâm sản, thu chi tài chính khi thanh lý tài sản rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cùng các văn bản pháp luật khác.

Những diện tích đất chưa có rừng ở trạng thái Ib, Ic (theo Quy phạm thiết kế kinh doanh rừng QPN 6-84 ban hành kèm theo Quyết định 682B/QĐ-KT) nếu sau này điều tra chi tiết theo Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT xác định là rừng thì phải thực hiện theo quy trình chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang trồng cao su quy định tại Thông tư 58/2009/TT-BNN của Bộ NN&PTNT.

Về việc quản lý, sử dụng quỹ đất trong vùng quy hoạch. Những diện tích do doanh nghiệp quản lý (phải làm rõ trên bản đồ và ngoài thực địa để tránh tình trạng tranh chấp, lấn chiếm và thuận lợi cho việc quản lý) thì chính quyền địa phương cần tạo điều kiện tối đa để họ chủ động đưa quỹ đất vào sản xuất.

Diện tích do các BQL rừng phòng hộ và đặc dụng quản lý cần tiếp tục nghiên cứu hình thức tổ chức sản xuất hợp lý để các đơn vị tự tổ chức sản xuất hoặc hợp tác, liên kết nhằm đảm bảo quyền lợi của chủ rừng, đồng thời thực hiện tốt chính sách đất đai của tỉnh và các quy định pháp luật; nếu không đủ năng lực thì thu hồi cho doanh nghiệp thuê trồng cao su.

Với những diện tích chưa tiến hành giao mà đang được các xã quản lý thì các tổ chức có năng lực trồng cao su phối hợp với chính quyền địa phương xem xét, trình UBND tỉnh cho khảo sát, xin chuyển rừng sang trồng cao su, lập dự án đầu tư, làm các thủ tục thuê đất trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Những diện tích thuộc hộ gia đình quản lý, nếu đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài thì có thể tự tổ chức sản xuất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất và lao động với các doanh nghiệp trên phần diện tích được giao để trồng cao su theo thỏa thuận giữa các bên.

Năm nay là năm thứ 14 cây cao su có mặt trên địa bàn tỉnh ta và tiếp tục khẳng định những lợi ích lớn về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái khi không những góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động với nguồn thu nhập khá. Việc thực hiện tốt các chính sách về đất đai sẽ là những cơ sở quan trọng bước đầu, tạo đà vững chắc cho việc mở rộng diện tích cây cao su theo đúng tinh thần mà quy hoạch đã đề ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast