Quyết liệt khống chế dịch cúm gia cầm!

Dịch cúm gia cầm bùng phát tại hai huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà chỉ trong thời gian ngắn làm chết và buộc tiêu hủy hàng nghìn con gia cầm mắc bệnh. Mặc dù cơ quan chuyên môn cùng với chính quyền địa phương đang nổ lực vào cuộc dập dịch nhưng diễn biến dịch ngày càng phức tạp, nguy cơ tiếp tục lan rộng!

Sáng 31- 7 chúng tôi có mặt tại xã Thạch Tân ( Thạch Hà) khi chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn đang tập trung tại hộ chăn nuôi Trần Văn Tuấn ở thôn Thắng Hòa tiến hành làm thủ tục tiêu hủy đàn gia cầm vừa bị mắc bệnh. Anh Tuấn buồn rầu nói: Vài ngày trước đàn vịt của gia đình anh gần 500 con mới nuôi được 30 ngày tuổi đang khỏe mạnh tự nhiên một vài con bỏ ăn rồi chết rải rác nổi trên mặt hồ. Anh vội mua vắcxin về tiêm nhưng sau khi tiêm con nào, con nấy lăn đùng ra rồi chết hàng loạt. Số vịt còn lại giờ đem đi tiêu hủy hết. Cùng cảnh ngộ, hộ anh Lê Văn Tuấn ở xóm Nhân Hòa cũng có đàn gia cầm bị bệnh chết hơn 500 con và còn lại 250 con hiện cùng đang chờ cơ quan chức năng mang đi tiêu hủy.

Bắt gia cầm mắc bệnh đi tiêu hủy tại xã Thạch Tân
Bắt gia cầm mắc bệnh đi tiêu hủy tại xã Thạch Tân

Ông Nguyễn Văn Ninh – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Tân cho biết: Dịch cúm gia cầm trên địa bàn xã diễn biến ngày càng phức tạp. Hai hộ chăn nuôi có gia cầm bị mắc bệnh trên vừa mới được phát hiện và đang tập trung xử lý, hạn chế dịch bệnh lan ra diện rộng. Trước đó, vài ngày tại địa bàn xã còn có 2 hộ chăn nuôi khác cũng có gia cầm bị mắc bệnh, ốm chết và buộc tiêu hủy hơn 2000 con. Trong khi đó Thạch Tân là địa phương có tổng số gia cầm khá lớn hơn 30.000 con. Vì vậy, nếu để dịch bệnh lan rộng thì thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi sẽ rất lớn.

Ngay sau khi nhận được tin báo gia cầm chết hàng loạt, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo các hộ nuôi tuyệt đối không được đưa gia súc bị bệnh ra khỏi địa bàn. Cung ứng hóa chất kịp thời và hướng dẫn các hộ chăn nuôi trên địa bàn phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; lập chốt và rắc vôi bột tại các tuyến đường vào ra vùng có dịch. Công tác tuyên truyền được coi trọng, thông báo đến tận nhân dân về tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Theo ông Ninh thì nguyên nhân xẩy ra dịch cúm bùng phát tại đây trước hết là do người chăn nuôi nhập con giống về nuôi không rõ nguồn gốc, ý thức phòng chống dịch còn hạn chế, nhiều người chăn nuôi còn chủ quan và mặt phòng bệnh. Mặt khác, việc kiểm soát buôn bán vận chuyển gia súc gia cầm vào ra trên địa bàn chưa được chặt chẽ…

Hộ ông Nguyễn Quang Thanh xóm La Xá ( Thạch Lâm) vớt xác gia câm lên bờ, chuẩn bị đem đi tiêu hủy
Hộ ông Nguyễn Quang Thanh xóm La Xá ( Thạch Lâm) vớt xác gia câm lên bờ, chuẩn bị đem đi tiêu hủy

Ngay sau đó, nhận được tin báo phát hiện thêm hai ổ dịch tại xã Thạch Lâm (Thạch Hà), chúng tôi có mặt tại trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Quang Thanh - ở xóm La Xá. Tại đây, vịt chết hàng loạt đang được gia đình ông bỏ vào bao tải chất đống ngoài vườn. Dưới ao nuôi vẫn còn rất nhiều con vịt chết nổi lênh bềnh và hàng trăm con gà cũng bắt đầu phát bệnh nằm lờ đờ trong chuồng. Mặc dù trang trại nuôi gia cầm của gia đình ông nằm biệt lập ngoài đồng, cách xa các hộ chăn nuôi khác nhưng vẫn bị dịch bệnh tấn công. “Chăn nuôi hơn 10 năm nay chưa lần nào gia cầm của ông bị bệnh chết hàng loạt như vậy, có thể do ô nhiễm nguồn nước nên phát dịch”- ông Thanh xót xa nhận định. Cùng thôn La Xá còn có hộ chăn nuôi Phan Văn Nhân cũng vừa báo với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương về đàn gia cầm có biểu hiện mắc bệnh, dẫn đến chết hàng loạt.

Theo báo cáo của Chi cục thú y thì Cẩm Quan ( Cẩm Xuyên) là địa phương phát hiện dịch cúm gia cầm đầu tiên vào ngày 23 – 7 tại thôn 11 làm ốm chết và buộc tiêu hủy 379 con gia cầm. Nhờ phát hiện kịp thời và xử lý hiệu quả nên từ đó đến nay trên địa bàn xã Cẩm Quan không phát sinh thêm gia cầm bị ốm, chết. Vài ngày sau đó dịch cúm gia cầm lại xuất hiện tại thôn 2 xã Cẩm Thạch ( Cẩm Xuyên) làm chết và tiêu hủy hơn 1475 con. Cùng thời gian trên tại xã Thạch Tân huyện Thạch Hà 2 hộ chăn nuôi ở thôn Mỹ Triều và thôn Tân Hòa cũng xẩy ra hiện tượng gia cầm bị ốm, chết buộc tiêu hủy gần 2504 con.

Ông Trần Hùng – Phó chi cục trưởng Chi cục thú ý cho rằng dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện đang có chiều hướng phức tạp, nguy cơ lan ra diện rộng là rất cao. Từ các ổ dịch trên có thể nhận định được nguyên nhân gây ra là dịch bệnh là do thời tiết khắc nghiệt và là thời điểm người chăn nuôi bổ sung đàn gia cầm từ khắp nơi về, không được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó số gia cầm trên địa bàn hầu như chưa được tiêm phòng vắc xin H5N1 hoặc đã hết thời gian miễn dịch. Trước tình hình trên cơ quan chuyên môn cùng với chính quyền địa phương hai huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Trước hết khoanh vùng khống chế bằng cách tăng cường vệ sinh tiêu độc khửng trùng chuồng trại, phun hóa chất vùng có dịch. Mặt khác phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ô dịch mới.. Đặc biệt, các địa phương cần phải giám sát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm trong vùng dịch, không để dịch lây bệnh sang người….

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast