Ráo riết phòng dịch "tai xanh"!

Dịch "tai xanh" vẫn đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành khu vực phía Bắc và đã "gõ cửa" tỉnh Nghệ An. Vì hám lợi, nhiều lái buôn vẫn tìm mọi cách để buôn bán, vận chuyển gia súc mắc bệnh vào địa bàn Hà Tĩnh tiêu thụ. Trước nguy cơ phát sinh dịch bệnh, chính quyền và ngành liên quan ở các địa phương, nhất là các huyện giáp ranh với Nghệ An đang ráo riết phòng dịch dù gặp không ít khó khăn.

Hà Tĩnh có 3 địa phương giáp giới với Nghệ An là Nghi Xuân, Đức Thọ và Hương Sơn. Theo đó, có 3 tuyến đường chính mà các phương tiện có thể vận chuyển gia súc từ vùng dịch thuộc các tỉnh phía Bắc, trong đó có Nghệ An vào là QL 1A, đường cầu Thọ Tường - Yên Xuân và đường mòn Hồ Chí Minh. Trước diễn biến phức tạp của dịch "tai xanh", kể từ ngày 27 - 4, những hàng rào bảo vệ mới đều được thiết lập.

Nhân viên Trạm kiểm dịch động vật Gia Lách phun tiêu độc phương tiện qua địa bàn
Nhân viên Trạm kiểm dịch động vật Gia Lách phun tiêu độc phương tiện qua địa bàn

Bịt kín các cửa ngõ ra vào...

Tại Đức Thọ, chốt kiểm dịch động vật của huyện nằm phía Bắc cầu Thọ Tường, thuộc địa phận xã Liên Minh. Chưa đầy nửa ngày kể từ khi thiết lập, đã có 2 xe gắn máy chở 21 con lợn từ huyện Yên Thành (Nghệ An) bị lực lượng thú y huyện chặn lại. Dù thời điểm đó (ngày 28 - 4), Nghệ An chưa xuất hiện dịch "tai xanh" nhưng do nguồn gốc gia súc không rõ ràng nên toàn bộ số lợn đó đã bị chôn hủy.

Ngoài 2 trường hợp điển hình này, lực lượng liên ngành Đức Thọ (thú y, công an, quản lý thị trường, y tế, nông nghiệp) còn phát hiện thêm 3 phương tiện vận chuyển 30 con lợn trên tuyến QL 8A từ huyện Diễn Châu vào; toàn bộ số gia súc này được cán bộ thú y phun tiêu độc, khử trùng rồi áp tải ngược lại cầu Bến Thủy để trả về nơi xuất xứ.

Theo ông Đoàn Minh Lương - Trưởng Trạm thú y Đức Thọ, tuyến đường từ cầu Thọ Tường đi Yên Xuân (Hưng Nguyên) không phải là tuyến đường lớn nên phương tiện vận chuyển chỉ là xe máy. Mấy ngày gần đây, dù trực 24/24 giờ nhưng lực lượng chốt gác không phát hiện thêm trường hợp nào vận chuyển gia súc vào địa bàn. "Dù chưa có kinh phí hoạt động nhưng với tinh thần "phòng dịch là chính", không lúc nào chúng tôi tự cho phép mình lơ là, mất cảnh giác vì nếu để lọt người, lọt lợn dịch thì sẽ rất nguy hại" - ông Lương nhấn mạnh.

Chốt chặn trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Sơn Tiến (Hương Sơn)
Chốt chặn trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Sơn Tiến (Hương Sơn)

Thành lập sau Đức Thọ một ngày, chốt kiểm dịch Hương Sơn có 8 người thuộc thú y, CSGT, quản lý thị trường, công an viên và được đặt tại xã Sơn Tiến, xã giáp giới với xã Thanh Xuân (Thanh Chương).

Ông Nguyễn Dương Quốc - Trưởng trạm thú y huyện cho biết: "Trong 3 ngày đầu thành lập có vài trường hợp đi xe máy chở dăm bảy con lợn đi qua nhưng đều bị chúng tôi chặn lại, sau khi phun tiêu độc thì yêu cầu chủ xe quay lại nơi xuất xứ; từ đó đến nay không phát hiện thêm trường hợp nào khác. Ngoài chốt trên đường mòn, Trạm đang tham mưu để UBND huyện thành lập thêm 2 chốt nữa: một thuộc tuyến đường từ xã Thanh Lâm (Thanh Chương) sang và một từ Nam Đông (Nam Đàn) sang. Chỉ khi kiểm soát được hai tuyến đường tiểu ngạch này thì Hương Sơn mới an tâm trước tình trạng lây lan dịch từ Nghệ An và xa hơn là các tỉnh phía Bắc".

Khác với các chốt kiểm dịch nói trên, Trạm kiểm dịch động vật nội địa Gia Lách chủ yếu xử lý các trường hợp vận chuyển bằng ô tô.

Theo lãnh đạo Trạm, trước khi có quyết định cấm nhập gia súc từ vùng dịch và hạn chế nhập từ các địa phương chưa có dịch, mỗi ngày chốt này đón từ 20 - 30 chuyến xe chở gia súc, chủ lực là lợn đi vào Nam tiêu thụ. Kể từ hôm 65 con lợn không rõ nguồn gốc từ Bắc Giang vào bị buộc tiêu hủy và lệnh cấm được ban hành thì tình trạng vận chuyển lợn có chiều hướng giảm mạnh, trung bình mỗi ngày chỉ từ 8 - 10 chuyến xe từ Thanh Hóa vào Nam và đều có giấy tờ hợp lệ.

Tuy vậy, không tự mãn với các phương tiện tự giác trình báo mỗi khi qua trạm, hàng đêm, cán bộ, nhân viên ở đây còn chia nhau tuần tra trên các tuyến đường nhánh rẽ về Nghi Xuân để kịp thời xử lý các trường hợp vận chuyển bằng xe máy".

Áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng dịch

Cùng với ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển gia súc vào địa bàn, một trong những giải pháp trọng tâm hiện nay mà BCĐ phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh chỉ thị cho các địa phương cần nghiêm túc thực hiện là áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng dịch.

Theo tinh thần đó, hiện nay, các địa phương đều đã thành lập đoàn liên ngành để tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng buôn bán, giết mổ gia súc trên địa bàn, đồng thời phối hợp với chính quyền xã, thôn ký cam kết với các chủ hộ tuyệt đối không nhập gia súc từ ngoài tỉnh vào. Cơ quan thú y đã tiến hành cấp phát hóa chất để phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi, đồng thời tiếp tục tiêm phòng đối với các loại bệnh có tỷ lệ tiêm đạt thấp như: dịch tả lợn, LMLM lợn...

Theo ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh, phương châm "Phòng dịch như chống dịch" đang trở thành động lực chính để các địa phương triển khai thực hiện ở cơ sở. Qua theo dõi, giám sát ở các địa phương, bước đầu cho thấy, bên cạnh một số huyện đã vào cuộc thật sự thì cũng còn không ít địa phương đang xem dịch "tai xanh" như chuyện ngoài ngõ.

Bộc lộ rõ nhất là các địa phương đều đã thành lập đoàn liên ngành nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Hạn chế lớn nhất hiện nay vẫn là chính quyền cấp xã chưa chủ động phát giác và hợp tác với đoàn liên ngành của tỉnh trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Điển hình là vào ngày 3 - 5 vừa qua, hai ô tô vận chuyển 154 con lợn từ vùng dịch Hà Nam vào Huế (theo như giấy tờ khai báo) khi đến địa bàn xã Kỳ Tiến (Kỳ Anh) thì bị đoàn liên ngành phát giác nhưng chủ hộ vẫn cho xe tháo chạy, đến xã Kỳ Đồng thì đổ gia súc xuống rồi dùng các phương tiện cơ động khác để tẩu tán. Trước sự việc đó, đoàn liên ngành đề nghị chính quyền địa phương tham gia phối hợp nhằm ngăn chặn việc tẩu tán nhưng không nhận được sự hợp tác. Kết quả là chỉ bắt giữ được 8/154 con lợn từ vùng dịch. Rất may là các mẫu xét nghiệm số lợn đó đều cho kết quả âm tính với dịch "tai xanh".

Cách đây 2 năm, dịch "tai xanh" bùng phát ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh, Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, làm kiệt quệ gia sản của không ít hộ dân làm nghề nuôi lợn. Trước diễn biến phức tạp của dịch "tai xanh" tại 12 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Nghệ An là tỉnh giáp giới với Hà Tĩnh, nếu không tập trung cao độ để phòng dịch từ xa thì nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Đến lúc đó, sẽ khó bề kiểm soát tình hình và hậu quả cũng không dễ mà lường trước được.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast