Sản xuất vụ Đông 2011: Muôn bề khó!

Vốn là một vụ sản xuất khó, vụ đông 2011 càng trở nên bức bách khi khung thời vụ bị rút ngắn do thời tiết bất lợi kéo dài và vụ hè thu thu hoạch muộn. Đảm bảo diện tích và sản lượng vụ đông đang là bài toán cho ngành nông nghiệp và bà con nông dân toàn tỉnh.

Sản xuất vụ Đông ở Hương Sơn
Sản xuất vụ Đông ở Hương Sơn

Do phản ứng dây chuyền từ vụ đông xuân 2010- 2011, vụ đông năm nay chậm hơn so với mọi năm khoảng 20 ngày. Cực chẳng đã, thời tiết vào cuối vụ hè thu, đầu vụ đông lại không hề ủng hộ sản xuất, mưa kéo dài nhiều ngày liền khiến cho bà con nông dân không thể ra đồng làm đất, chuẩn bị gieo trỉa những loại cây trồng vụ đông sớm theo đúng như kế hoạch. Hiện tại, thời vụ đã đi qua gần một nửa thời gian nhưng diện tích toàn tỉnh đạt thấp, toàn tỉnh đã gieo trồng được 1.650 ha ngô vụ đông, đạt 34,85% kế hoạch; rau đạt 31,02% KH; khoai lang 14,04% KH và 17 ha lạc. Trong đó, các loại cây trồng sớm như đậu tương, bí, và một số loại rau màu khác gần như không thể tuân thủ theo đúng thời vụ. Trong số 19.663 ha cây trồng vụ đông, cây ngô chiếm vị trí chủ lực với 6.085 ha. Theo kế hoạch ban đầu, đây sẽ là cây trồng này được coi là chiến lược đầu tư của nhiều địa phương như: Hương Sơn, Đức Thọ. Thế nhưng, hết ảnh hưởng của bão số 4, 5 lại gặp hoàn lưu bão số 6, gần cả chục ngày toàn bộ các địa phương đều không có lấy một ngày nắng trọn vẹn. Đất canh tác cày lên chưa kịp gieo trỉa thì đã bị mưa ngâm nhão nhoét; nhiều diện tích ngô đông sớm vừa gieo trỉa cũng bị hư hại, khó sinh trưởng. Ông Phan Xuân Yên, Trưởng phòng nông nghiệp Hương Sơn cho biết: “Theo lịch thời vụ, Hương Sơn đã gieo trỉa được 700 ha ngô đông sớm nhưng do mưa kéo dài trong nhiều ngày đã làm hư hại và mất trắng 250 ha. Hiện nay, huyện đang quyết liệt đốc thúc bà con ra đồng sản xuất vụ đông nhưng để đảm bảo năng suất và chất lượng thì còn nhiều khó khăn lắm”. Trong đợt mưa kéo dài dai dẳng vừa qua, Vũ Quang là địa phương thiệt hại lớn, mưa lớn đã làm cho nhiều vùng bị chia cắt. Do đó, dù mấy hôm nay trời đã hửng nắng nhưng tình hình sản xuất không mấy khả quan vì đất bị ngâm nhão, khó xới xáo. Hiện tại, toàn huyện chỉ mới gieo trỉa được 50/410 ha ngô đông và 35/97 ha rau.

Bà con xã Sơn Mỹ (Hương Sơn) ra đồng sản xuất vụ đông
Bà con xã Sơn Mỹ (Hương Sơn) ra đồng sản xuất vụ đông

Trên thực tế, sản phẩm của vụ đông đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ nhằm đảm bảo lương thực cho bà con nông dân và có giá trị hàng hoá cao, đây còn là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc vụ đông. Bài học đắt giá đã từng xảy ra vào đợt rét năm 2008, hàng nghìn trâu, bò đã chết đói do nguồn thức ăn khan hiếm. Và ở một số địa phương, người nông dân đành phải ngậm ngùi bỏ ra không ít tiền để mua thức ăn cho trâu, bò bám trụ qua vụ đông. Năm nay, mưa nhiều vào cuối vụ hè thu và đầu vụ đông đã làm cả nguồn thức ăn khô từ rơm rạ và tươi đều khan hiếm. Đó là những dự cảm không lành đối với việc chăm sóc đàn vật nuôi vào vụ đông này. Ông Nguyễn Văn Việt, Phó giám đốc sở NN&PTNT cho biết: “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong việc khuyến cáo bà con nông dân hạn chế sản xuất vụ đông trong điều kiện thời tiết xấu nên diện tích thiệt hại không đáng kể. Mặc dù vậy, các địa phương cần chuẩn bị các phương án để chủ động phòng tránh đói rét cho đàn vật nuôi trong vụ đông. Thời gian không còn nhiều, bà con nên sử dụng các loại giống ngắn ngày và rau ăn lá để không ảnh hưởng đến thời vụ cây trồng, nhất là đối với các địa phương làm lạc xuân”. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, thời gian còn lại bà con nên sử dụng các giống ngô dưới 100 ngày như: MX4, MX2, VN2, VN6; đồng thời tăng diện tích trồng rau, nhằm đảm bảo sản xuất. Tranh thủ ngày nắng ráo, nông dân khắp nơi từ miền xuôi lên miền ngược sôi nổi xuống đồng gieo trỉa vụ đông. Bà Phan Thị Huệ, xóm 3, Sơn Mỹ (Hương Sơn) chia sẻ: “Bằng tầm này mọi năm ngô đã lên xanh rồi nhưng năm nay do thời tiết không ủng hộ nên gia đình tôi chỉ mới trỉa được 2,5 sào trong số 4 sào ngô. Cứ nắng ráo là cả gia đình tôi lại tranh thủ ra đồng, được đến đâu hay đến đấy, ngô không cho bắp thì lấy cây cho trâu, bò ăn cũng quý rồi”. Cũng vì thế mà nhiều địa phương cách đây mấy ngày còn ngỡ là đành bỏ không thì nay đã được phá váng, cày xới để chuẩn bị cho cây trồng lên xanh. Riêng tại Đức Thọ, trong số 350 ha ngô đông, một số diện tích đã phát triển 5- 7 lá, có nơi 9 lá; ngô thu đông đã trổ cờ, phun râu; mô hình phủ nilon 10 ha giống lạc L26 do Trung tâm giống cây trồng hỗ trợ tại xã Đức An đã bắt đầu giai đoạn bắn tia, phát triển củ, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao. Hiện tại, bà con đang tiếp tục chăm sóc, bón thúc cho cây phát triển sau đợt bị rửa trôi do thời tiết xấu. Tuy nhiên một số huyện vẫn khá “ì ạch” bổ cứu sản xuất mặc dù thời gian đã bước vào giai đoạn nước rút, như: Can Lộc, Hương Khê, Cẩm Xuyên...

Vụ đông khó nhưng không phải không thể làm. Với quyết tâm không để tấc đất nào để hoang, các địa phương đã hoạch định chiến lược riêng cho mình để giành lấy thắng lợi trọn vẹn vụ sản xuất này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast