Sản xuất vụ đông ở Cẩm Xuyên: Chú trọng xây dựng mô hình thu nhập cao

Là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn do thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão và người dân còn xem nhẹ hiệu quả của vụ sản xuất này nên để vụ đông dần trở thành vụ chính, năm nay, ngoài việc gieo trồng các loại cây truyền thống như: rau, ngô, khoai lang, lạc, huyện Cẩm Xuyên sẽ chú trọng đầu tư cho việc xây dựng các mô hình thu nhập cao mang tính chiến lược để nhân ra diện rộng.

Vụ đông năm 2010, do ảnh hưởng của hai trận lụt lịch sử nên những loại cây mà nhân dân đã gieo trồng như khoai lang, rau màu bị hư hại hoàn toàn.

Sản xuất vụ đông luôn đối mặt với bất lợi về thời tiết
Sản xuất vụ đông luôn đối mặt với bất lợi về thời tiết

Khi lụt lội đi qua thì cũng là lúc những cây trồng này đã hết lịch thời vụ nên xã Cẩm Bình và xã Cẩm Thành đã phát động nhân dân trồng 5 ha rau bắp cải đá xuất khẩu. Nguồn giống rau do hợp tác xã Thành Sen cung cấp và bao tiêu hoàn toàn sản phẩm. Sau khi được trồng thời tiết liên tục mưa rét nhưng do khả năng thích ứng cao với sự khắc nghiệt của khí hậu nên cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 3 tháng, mỗi bắp cải có trọng lượng từ 1,5 đến 2kg, bình quân 1 ha cho năng suất 40 tấn. Và với giá thu mua của Hợp tác xã Thành Sen lúc đó là 1.400 đồng/kg thì 1 ha cho thu nhập gần 60 triệu đồng. Đó là con số không nhỏ trong 3 tháng vụ đông.

Từ thành công bước đầu đó, trong vụ đông năm nay, nhiều xã, thị trấn của huyện đã rất quan tâm đến loại cây trồng này. Hiện tại người dân đã đăng ký trồng bắp cái đá trên diện tích hơn 30 ha. Có thể khẳng định, cây bắp cải đã mở ra hướng đi mới trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng cho vụ đông ở huyện Cẩm Xuyên. Loại cây trồng này vừa có khả năng chống chịu rất tốt với khí hậu mưa rét trong mùa đông lại không kén đất. Đặc biệt, việc phát triển cây bắp cải đá cũng cho thấy mối quan hệ về liên kết "4 nhà" đã được người dân hưởng ứng, tin tưởng.

Hợp tác xã Thành Sen đã cam đoan sẽ bao tiêu hoàn toàn sản phẩm cho nông dân. Và như vậy người dân có điều kiện chăm chút cho cây trồng của mình mà không phải nghĩ đến việc tiêu thụ sản phẩm, còn doanh nghiệp thì phát triển được vùng nguyên liệu ổn định, cung cấp cho thị trường. Khác với vụ trước, năm nay do đã có những kiến thức cơ bản về cây trồng mới này nên huyện Cẩm Xuyên chỉ đạo bà con nhân dân tăng cường đầu tư, chăm sóc, thực hiện đúng quy trình kỷ thuật đã được hướng dẫn để tạo ra sản phẩm hàng hóa.

Ông Nguyễn Thiên Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: “Năm nay chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng bắp cải đá từ 2,5ha lên lên 4ha. Diện tích tăng không nhiều nhưng điều mà chính quyền sẽ tập trung chỉ đạo là khuyến khích, vận động nhân dân trồng theo hướng tập trung đầu tư để không chỉ tăng năng suất cây trồng mà còn phải tạo ra sản phẩm sạch, an toàn để làm hàng hóa. Mục tiêu của xã là không chỉ số lượng mà phải đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm khi đem nhập hoặc bày bán. Từ đó dần dần xây dựng thương hiệu về cây bắp cái đá trên đất Cẩm Bình”.

Theo kế hoạch vụ đông năm 2011, toàn huyện Cẩm Xuyên gieo trồng 150 ha ngô, 1 ngàn ha rau, 800 ha khoai lang và 50 ha lạc. Cùng với việc chú trọng nhân rộng và xây dựng thương hiệu về cây bắp cải đá thì vụ đông năm nay, Cẩm Xuyên sẽ tạo bước đột phá trong xây dựng mô hình rau chất lượng cao theo hình thức kết hợp giữa Hà Tĩnh và Đài Loan – Trung Quốc. Mô hình này dự kiến khoảng 15 ha được thực hiện tại Cẩm Bình và Cẩm Trung với các loại rau chủ yếu là rau cải, xúp lơ, xu hào, bắp cải. Mô hình rau chất lượng cao này sử dụng hoàn toàn giống, phân bón, công nghệ của Đài Loan.

Để xây dựng mô hình rau này, lãnh đạo huyện đã có đợt đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Đài Loan và thấy rằng Cẩm Xuyên có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để xây dựng mô hình. Mục đích của huyện là đón trước thị trường tiêu thụ cho thành phố Hà Tĩnh, trường Đại học và khu kinh tế Vũng Áng.

Điều quan trọng nhất là việc xây dựng mô hình rau chất lượng cao sẽ là tiền đề căn bản cho việc hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho nhân dân. Dự kiến mô hình này sẽ được đầu tư khoảng 500 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ của tỉnh theo quyết định số 24 ngày 9/8/2011 và của huyện. Đây sẽ là niềm tin cho nhà đầu tư và người nông dân trong quá trình triển khai xây dựng mô hình.

Cùng với việc xây dựng những mô hình mang tính chiến lược để nhân ra diện rộng thì vụ đông năm nay, Cẩm Xuyên sẽ chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng của những loại cây trồng vốn đã quen thuộc với người nông dân như: ngô, khoai lang, lạc theo hướng mở rộng sản xuất các giống mới kết hợp với đầu tư phân bón. Đối với khoai lang, chủ yếu sử dụng giống mới năng suất cao như: KCL 66, KB-1, KL-5.

Mặc dù người dân đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất khoai lang nhưng là giống mới nên huyện Cẩm Xuyên đã in ấn, cấp pháp hơn 1 ngàn tờ rơi hướng dẫn cụ thể quy trình kỹ thuật, lưu ý về lượng phân bón, về các biện pháp bấm ngọn và nhấc dây nhằm kích thích phân nhánh sớm, nhiều, hạn chế ra rễ phụ ở các mắt trên thân; khuyến khích người dân tăng cường áp dụng một số biện pháp kỹ thuật mới như: trồng khoai lang luống đơn hoặc luống đôi, dùng bẫy sinh học để phòng trừ bọ sùng.

Đối với nhóm rau, huyện Cẩm Xuyên xác định trong điều kiện hiện tại việc sản xuất theo hướng an toàn sinh học là điều hết sức cần thiết vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng vừa tạo được uy tín, xây dựng thương hiệu rau sạch ở Cẩm Xuyên. Trên cơ sở đó Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với Tung tâm ứng dụng KHKT, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn cụ thể cho người dân về các biện pháp kỷ thuật chăm sóc rau đối với sản xuất rau an toàn.

Là huyện thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão nên lộ trình sản xuất vụ Đông bao giờ cũng nhiều khó khăn và gian nan. Nhưng với định hướng đúng đắn mang tính chiến lược cộng với sự đồng thuận, hăng hái và bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người dân chắc chắn sản xuất vụ Đông ở Cẩm Xuyên sẽ có những bước tiến vượt bậc nâng cao đời sống cho người dân và khai thác tối đa tiềm năng của địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast