Sản xuất vụ đông xuân 2011 - 2012: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ngành nông nghiệp đã có kế hoạch và giải pháp cụ thể để chuẩn bị cho triển khai sản xuất vụ đông xuân năm 2011- 2012 nhằm đạt được mục tiêu 29,6 vạn tấn. Song, để đạt được con số này cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Bước vào sản xuất vụ đông xuân năm 2011 – 2012 sẽ gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Trước hết, sự phấn khởi được mùa trong năm 2011 sẽ là động lực thúc đẩy bà con nông dân đầu tư thâm canh cho sản xuất vụ đông xuân 2011 - 2012. Quy hoạch vùng sản xuất và huy động nguồn lực đầu tư vào sản xuất gặp thuận lợi khi tỉnh đang triển khai quyết liệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, một số chính sách nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa mới ban hành sẽ là “cú hích” để bà con nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.

Việc xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu giống giống cây trồng phù hợp là hết sức cần thiết trong vụ đông xuân tới
Việc xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu giống giống cây trồng phù hợp là hết sức cần thiết trong vụ đông xuân tới

Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thâm canh đang gặp nhiều khó khăn do kết quả chuyển đổi, tích tụ ruộng đất ở một số địa phương còn manh mún, sản xuất vẫn mang tư duy truyền thống. Mặt khác, tình trạng gieo thẳng tùy tiện ở một số địa phương đã gây khó khăn trong công tác phòng chống rét và phòng trừ sâu bệnh cho lúa.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân năm 2011 – 2012 tập trung vào 2 tháng đầu năm 2012. Vì vậy, việc xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu giống giống cây trồng phù hợp là hết sức cần thiết, trong đó, trà xuân sớm gieo mạ và cấy bắt đầu từ cuối tháng 11 cho đến giữa tháng 1 năm 2012; trà xuân trung từ giữa tháng 12 cho đến đầu tháng 2 năm 2012; riêng trà xuân muộn còn tuy thuộc vào các loại giống nhưng kết thúc gieo cấy vào cuối tháng 2 – 2012.

Về cơ cấu giống vẫn chủ yếu sử dụng các loại giống cũ như trà xuân sớm gieo cấy giống IR1820, P290, trong đó giống chủ lực IR 1820 bố trí chân đất vàn – vàn thấp có độ màu mỡ khá , chủ động nước, tuyết đối không bố trí nên vùng đất chua phèn ( PH<5,5); trà xuân trung cơ cấu khoảng 40% tổng diện tích lúa đông xuân, các giống chủ lực Xi23, NX30, P6, IR 35366… ; trà xuân muộn cơ cấu 40% tổng diện tích, bao gồm nhóm lúa giống thuần Khang dân 18, nhi ưu 838, Bio 404, Syn 6 được bố trí tại các vùng có điều kiện sản xuất thâm canh.

Để chủ động khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận sẽ gieo cấy bổ sung bằng các loại giống ngắn ngày QR1, TH3-3, PC6, VT – NA1. Còn các loại cây trồng khác như lạc, ngô vẫn sử dụng các giống cũ cho năng suất, chất lượng cao, đồng thời du nhập các giống mới và xây dựng mô hình để cơ cấu trong những vụ tiếp theo.

Tuy nhiên, trên cơ sở cơ cấu bộ giống của tỉnh thì các địa phương cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để lựa chọn giống phù hợp mang lại năng suất sản lượng cao vào sản xuất vụ đông xuân năm 2011 – 2012. Trong thực tế ở Cẩm Xuyên cơ cấu giống IR 1820 đang chiếm tỉ lệ quá cao, phương thức canh tác còn gieo thẳng tùy tiện với mật độ dày. Huyện Can Lộc có diện tích gieo cấy giống lúa IR 1820 lớn dẫn đến nhiều đối tượng dịch hại phát sinh gây hại như rầy nâu, bệnh đỏ đuôi lươn… Vì vậy, các địa phương cần chú trọng đến cơ cấy giống, đồng thời chỉ đạo hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi thu hoạch xong lúa hè thu và lúa mùa bà con nông dân cần phải củng cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước và cải tạo đất và đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đối với những vùng thấp trũng cần bắc mạ dược và làm mạ dày xúc để tiện chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, đối với trà xuân muộn tuyệt đối không được gieo thẳng, phải bắc mạ để cấy và phủ nilon bằng các biện pháp gieo mạ tại ruộng hoặc trên nền đất cứng. Để giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nên áp dụng kỷ thuật SRI, “3 giảm, 3 tăng” trong thâm canh lúa. Ngoài ra, làm tốt công tác dự tính dự báo kịp thời chính xác các đối tượng dịch hại và các biện pháp phòng trừ có hiệu quả đến tận người sản xuất.

Bên cạnh những giải pháp trên thì các đơn vị làm dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, phân bón phải đáp ứng nhu cầu cho sản xuất trên địa bàn. Các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, thực hiện chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất; giống nguyên chủng và siêu nguyên chủng; khảo nghiệm và sản xuất thử giống mới... cho bà con nông dân tham gia.

Với những giải pháp chủ yếu trên cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện, tin rằng vụ đông xuân năm 2011 – 2012 sẽ mang về một mùa vàng bội thu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast