Siết chặt quản lý nhập con giống vào địa bàn

Chăn nuôi ở Hà Tĩnh ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu nhập giống từ nơi khác về là rất lớn. Nguồn giống này nếu không được quản lý chặt chẽ, dễ xẩy ra dịch bệnh làm lây làn gây hậu quả khó lường. Để chăn nuôi phát triển bền vững thì việc siết chặt quản lý con giống nhập vào địa bàn hiện nay là hết sức cần thiết.

Nhu cầu chăn nuôi ở tỉnh ta ngày một tăng cao. Trong khi đó lượng giống sản xuất cung ứng trên địa bàn thì lại “khiêm tốn”. Vì vậy, số lượng con giống hàng năm nhập từ các nơi khác về rất lớn mới đáp ứng nhu cầu. Những năm gần đây công tác quản lý về chất lượng con giống đã được ngành chuyên môn và chính quyền địa phương chú trọng. Tuy nhiên, đầu năm 2011 vẫn xẩy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân lén lút nhập giống gia súc gây bệnh phát sinh làm lây lan ảnh hưởng lớn đến sản xuất chăn nuôi trên địa bàn.

Con giống tốt sẽ là điều kiện để chăn nuôi phát triển bền vững.

Điển hình vào cuối tháng 2-2011 trại chăn nuôi Liên Hiệp xã Đức Long (Đức Thọ) mua 20 con lợn giống từ huyện Đông Sơn – Thanh Hóa về nuôi. Thế nhưng ngay sau đó trại này phải “phi tang” toàn bộ số lợn trên ngay trong đêm vì bị viruts tai xanh. Hay khi người nghèo vùng lũ Hà Tĩnh khấp khởi mừng khi được nhận 1.510 con lợn giống từ một dự án do Trung tâm Phát triển cộng đồng Hà Tĩnh triển khai. Niềm vui đó chưa tày gang bởi hàng chục con lợn từ “dự án” này ở xã Xuân Lộc và Tùng Lộc (Can Lộc) lăn đùng ra chết. Nguyên nhân xảy ra dịch được xác định là do mua lợn giống trôi nổi không có nguồn gốc rõ ràng, lợn bị nhiễm virus tai xanh về cung ứng cho nông dân. Để dập dịch Chi cục Thú y đã phải cấp khẩn cấp 5.000 liều vaccin về tiêm cho toàn bộ đàn lợn của 2 xã Xuân Lộc, Tùng Lộc và vùng phụ cận. Những vụ việc trên cho thấy sự coi thường các quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh của tổ chức và cá nhân trên dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho nhà nước và người chăn nuôi.

Ngoài nhu cầu phát triển chăn nuôi thì hiện nay tỉnh đang tích cực triển khai “chiến lược” phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn từ nay cho đến năm 2015. Với mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh có khoảng 80.000 nái, trong đó có 20.000 nái ngoại, 36.000 nái lai. Để đạt được mục tiêu trên trước mắt phải nhập một lượng giống lớn về trên địa bàn, chiếm khoảng 40-50%. Vì vậy, để bảo đảm an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi, thì trước hết cần phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về chất lượng và kiểm dịch gia súc, gia cầm làm giống được quy định theo Pháp lệnh thú y.

Cần cường quản lý con giống nhập vào địa bàn; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh

Ông Trần Hùng – Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng: Để chăn nuôi phát triển bền vững thì công tác quản lý chặt chẽ con giống nhập về trên địa bàn là một trong những yếu tố hết sức quan trọng. Từ những bài học trên các tổ chức cá nhân cung cấp con giống từ tỉnh khác vào địa bàn cần phải báo cáo với cơ quan chuyên môn trước 7 ngày để được hưởng dẫn các thủ tục kiểm dịch. Đặc biệt, gia súc gia cầm nhập vào địa bàn phải có hồ sơ kiểm dịch đầy đủ theo đúng quy định. Trong đó, con giống nhập từ ngoại tỉnh về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm để chăn nuôi, làm giống do cơ quan chuyên môn nơi đó cấp. Con giống có nguồn gốc từ các huyện trong tỉnh, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển do trạm thú y huyện nơi có con giống xuất đi cấp. Đối với con giống có nguồn gốc từ các xã trong huyện phải có giấy chứng nhận tiêm phòng các bệnh theo quy định đang còn hiệu lực. Con giống được cung ứng vào địa bàn tỉnh phải khỏe mạnh, đạt chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, khi đưa con giống từ tỉnh khác thì các tổ chức, cá nhân phải nuôi cách ly ít nhất 7 ngày trước khi đưa về hộ chăn nuôi. Và những đơn vị, cá nhân nào để xẩy ra dịch bệnh làm lây lan phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về kinh tế , chi phí phòng, chống dịch và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương để tăng cường quản lý con giống nhập vào địa bàn; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tổ chức tiêm phòng bổ sung các dịch bệnh tùy theo tình hình dịch bệnh tại từng địa phương. Các ngành liên quan cùng với các tổ chức chính trị và chính quyền cơ sở tăng cường quản lý đồng thời phối hợp với cơ quan thú y để kiểm soát chặt chẽ việc nhập gia súc , gia cầm giống vào địa bàn đảm bảo an toàn dịch bệnh để phát triển chăn nuôi. Mặt khác, chủ vật nuôi có trách nhiệm khai báo ngay với chính quyền địa phương hoặc trạm thú y khi phát hiện con giống có hiện tượng ốm, bỏ ăn hoặc bị chết vì bất cứ lý do gì để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast