Sóng cả vẫn vững tay chèo

Không ngừng vận động để vượt qua thách thức; cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn cùng nhìn về một hướng; trong khó khăn càng thể hiện vai trò quản lý cũng như sự năng động của mỗi ngân hàng… Đó là những nét đặc trưng của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh trong một năm hoạt động nhiều gian khó. Trên nền tảng vững chắc được mỗi cán bộ ngành ngân hàng dày công tạo dựng, hành trang của năm 2012 đang được chuẩn bị dày dặn hơn để sẵn sàng đón đầu những thử thách, chông gai đang chờ ở phía trước.

Hoạt động ngân hàng năm 2011:

Năm 2011 đối với ngân hàng, một ngành đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế là một năm căng mình trong vai trò đầu tàu thực hiện Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khởi đầu của những khó khăn, đó là vào tháng 2/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các TCTD điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%. Cùng với việc đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 25-30% xuống dưới 20%, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã nghiêm túc thực hiện các giải pháp quản lý tín dụng chặt chẽ để góp phần kiềm chế lạm phát.

Lãnh đạo tỉnh, ngành liên quan chúc mừng kết quả của Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh trong năm 2011
Lãnh đạo tỉnh, ngành liên quan chúc mừng kết quả của Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh trong năm 2011

Trong quãng thời gian thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: hoạt động kinh doanh hiệu quả và góp sức kiềm chế lạm phát, các TCTD đã phải đương đầu với những áp lực không nhỏ và những biểu hiện của sự xô bồ trong cạnh tranh lãi suất huy động vốn đã xuất hiện. Thế nhưng đến tháng 9-2011, khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 02 về thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã sớm chấm dứt cuộc đua, thị trường huy động vốn đã trở lại sự lành mạnh, ổn định vốn có.

Nếu như ở thời điểm đầu năm, các ngân hàng trên địa bàn đều có nhữnglo ngại rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn quốc bị điều chỉnh xuống thấp, nguồn vốn sẽ không đáp ứng đủ cho nhu cầu vận hành của nền kinh tế, thì thực tế đầu tư tín dụng năm qua lại đi ngược lại nỗi lo này. Lạm phát kéo dài và ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu đã làm chậm lại tốc độ phát triển của tất cả các loại hình kinh tế. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong SXKD, lãi suất ngân hàng cao đã khiến hoạt động đầu tư tín dụng nhích từng bước chậm chạp. Đến tận đầu tháng 9-2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ toàn tỉnh chỉ đạt gần 5%.

Để cải thiện thực trạng này, không chỉ riêng ngành Ngân hàng mà nhiều ban, ngành chức năng khác đã cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh. Nhiều cuộc họp được tổ chức để tháo gỡ khó khăn, giúp khách hàng và ngân hàng tìm tiếng nói chung. Đầu tháng 12, chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh được ban hành và được triển khai thực hiện nhằm tạo cú hích cho tăng trưởng tín dụng. Khoảng 20 tỷ đồng dư nợ thuộc diện hỗ trợ lãi suất (0,3%/tháng) đã được giải ngân cho các DN, HTX. Cùng với việc các ngân hàng tích cực thực hiện lộ trình giảm dần lãi suất cho vay xuống mức 17-19%/năm, tình hình đầu tư tín dụng được cải thiện rõ nét. 4 tháng cuối năm, dư nợ tăng thêm 4%, đưa tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2011 lên hơn 10%.

Dù lạm phát nhưng công tác huy động vốn của các ngân hành trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn đạt kết quả cao
Dù lạm phát nhưng công tác huy động vốn của các ngân hành trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn đạt kết quả cao

Sự vận động rõ nét nhất của các TCTD trên địa bàn Hà Tĩnh trong năm qua, đó chính là kết quả nổi bật trong công tác huy động vốn. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Huy Tiến chia sẻ: “Theo quy luật, lạm phát, đồng tiền mất giá khiến dòng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng rất dễ ra đi tìm kênh đầu tư khác. Điều đáng mừng là các NHTM trên địa bàn đã nắm chắc diễn biến, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp huy động vốn hiệu quả”.

Điều hành lãi suất linh động, mở các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, thu hút khách hàng bằng thái độ phục vụ tận tình…, các ngân hàng đã tạo sức hấp dẫn cho kênh vốn huy động tiết kiệm. Năm 2011, tổng nguồn vốn huy động và quản lý trên địa bàn tăng trưởng trên 25%, đạt trên 14.000 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ tiền nhàn rỗi dân cư chiếm trên 84%, đáp ứng được 95% dư nợ cho vay trên địa bàn.

Dẫu vậy, theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hoạt đông ngân hàng năm 2011 vẫn đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm: đầu tư tín dụng dù đã có cố gắng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế; nợ xấu và nợ dưới chuẩn đang có xu hướng tăng lên, đã xuất hiện một số món nợ ngân hàng liên quan đến các vụ tín dụng đen trên địa bàn; huy động tiết kiệm đang đứng trước khó khăn khi lãi suất đầu vào giảm xuống…

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Huy Tiến: "Mục tiêu ngành Ngân hàng đặt ra cho năm 2012 là tăng trưởng nguồn vốn huy động 25%, dư nợ 15-17%, nợ xấu trên tổng dư nợ dưới mức 3%... Đó thực sự đòi hỏi nỗ lực lớn của mỗi một TCTD".

Năm mới 2012 mở ra với ngành Ngân hàng là đề án tái cơ cấu nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống ngân hàng, là những tranh luận nhiều chiều về lộ trình giảm lãi suất… Gắn với những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, ngành Ngân hàng sẽ luôn trong tư thế “động” để xoay chuyển cùng diễn biến nền kinh tế đầy thách thức.

Trên địa bàn Hà Tĩnh, cùng với 2 đơn vị vừa đi vào hoạt động cuối năm 2011 (ACB và Maritimebank) dự kiến sẽ có thêm một số gương mặt mới xuất hiện trên thị trường tín dụng năm 2012. Hệ thống POS (thanh toán qua thẻ) của tất cả các ngân hàng đã được kết nối, cùng với các máy ATM tiếp tục được mở rộng đang đẩy nhanh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Cuộc tọa đàm giữa ngân hàng và HTX để bàn giải pháp đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho thành phần kinh tế này đã được tổ chức thành công và dự kiến đầu năm 2012, ngân hàng sẽ đối thoại với doanh nghiệp.

Với những bước khởi động tích cực đó, có thể đặt niềm tin vào một năm nhiều thành quả mới của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast