Sống “co” vì bão giá!

Dù ngành chức năng đã vào cuộc để bình ổn nhưng giá cả các mặt hàng vẫn cứ thản nhiên leo thang. Người dân, nhất là nông dân, người lao động thu nhập thấp đã và đang phải sống "co" lại vì "bão" giá!

Chợ thành phố Hà Tĩnh, trung tâm thương mại lớn nhất của Hà Tĩnh vốn dĩ ồn ào, tấp nập kẻ bán người mua. Thế nhưng, từ sau tết Nguyên đán đến nay, chợ bao trùm không khí thưa vắng. Trong đình, nhiều quầy hàng thay nhau đóng cửa thường xuyên.

Chị Nguyễn Thị Lan, chủ một quầy bán thịt lợn cho biết: “Chán lắm em à! Giá cả liên tục tăng. Riêng thịt lợn đã tăng đến mấy lần. Giờ thịt mông đã lên 85 - 95 ngàn/kg. Thịt đắt nhưng đi mua hàng lại rất hiếm. Mà khổ hơn nữa, mua được hàng về rồi nhiều lúc cũng ế ẩm. Giá thịt cao quá, người đi chợ có mặn mà gì đâu. Rất nhiều người, hỏi rồi lại đi… Cứ tình trạng này kéo dài nữa thì không biết xoay xở làm sao?!”…

Giá cao, thịt lợn ế ẩm...

Giá cao, thịt lợn ế ẩm...

Những người phụ nữ chân đất, đội nón với những mớ rau, mớ tép, rổ ốc ngồi hai vệ đường ven chợ ngày một nhiều hơn. Họ đến từ nhiều vùng, từ các xã, phường của thành phố, các xã lân cận cho đến những xã ở xa như Mai Phụ (Lộc Hà). Kẻ đứng, người ngồi, chỉ mong có người khách hỏi mua hàng để kiếm thêm chút ít.

Bà Nguyễn Thị Viễn, ở xóm 7, xã Thạch Tượng (Thạch Hà) đang ngồi bên mấy mớ ốc ngóng khách. Nghe tôi hỏi về cuộc sống trong điều kiện giá cả hiện nay, bà than thở: “Khổ lắm! Nhà có 4 miệng ăn, lại nuôi hai đứa con đi học. Nông dân thì ngoài làm ruộng, chỉ biết nuôi thêm con lợn, con gà, trồng mớ rau để lấy tiền chi tiêu. Vậy nhưng, gà, lợn thì thường xuyên dịch bệnh, rau thì rét không lên được. Tiền thì làm không ra mà giá thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng thì ở trên trời. Chúng tôi cũng đã cố gắng xoay xở. Hai đứa con đi học về lại cùng mẹ đi bắt ốc. Mỗi ngày kiếm độ 50 - 60 ngàn đồng. Nói thật, từ độ ra Tết đến nay, bữa cơm nhà tôi không có miếng thịt. May mà có cá trích được mùa nên rẻ, còn rau thì tự trồng lấy”.

Người phụ nữ trẻ ngồi cạnh bà Viễn cũng mỏi mòn trông khách, còn mấy bó rau bù, có một vài người khách lại hỏi rồi bỏ đi. Chị là Tô Thị Thìn, ở xóm Triều Sơn, xã Mai Phụ (Lộc Hà). Chị Thìn cho biết, gia đình chị có 4 khẩu nhưng chỉ được 2 sào ruộng. Mà ruộng ở quê chị chỉ làm được một mùa, được khoảng 3 tạ lúa/năm. Chồng chị thì ai thuê gì làm nấy, mưu sinh khắp chốn. Chỉ còn 3 mẹ con ở nhà. Ngày ngày, chị buôn rau từ dưới quê lên thành phố bán. Trước đây, dẫu có vất vả nhưng chị còn có thể cho các con miếng thịt, hộp sữa. Nhưng từ khi giá các mặt hàng thực phẩm tăng vọt đến nay đời sống mẹ con chị hết sức kham khổ. Rau đắt, thu mua khó, bán cũng không dễ.

Chị Thìn thổ lộ: “Cuộc sống mẹ con tui dừ chỉ tính qua ngày vậy thôi. Nỏ có chi cả, khổ lắm! Lâu lắm rồi hai đứa trẻ chưa được ăn thịt!”

... còn rau xanh, cũng ít người mua
... còn rau xanh, cũng ít người mua

Ven đường 26/3, tôi gặp một tốp phụ nữ đang xúc đá. Lân la hỏi thăm đời sống các chị và gia đình thì không ai bảo ai, mọi người đều dừng tay để chia sẻ. Các chị ở xóm Nam Phong, xã Hộ Độ (Lộc Hà). Nghề chính là làm muối. Tuy nhiên, mưa rét kéo dài, với lại, thời gian gần đây giá muối hạ thấp nên người dân không thể trông chờ vào nghề này.

Giờ đây, người trong làng các chị, đàn ông thì mưu sinh khắp chốn, còn phụ nữ, phải trông coi con cái và gia đình nên bám trụ ở nhà. Mỗi sáng, các chị lại cùng nhau đèo chiếc xe ba gác trên chiếc xe đạp ngược thành phố để kiếm việc làm. Các chị đứng ở các lề đường, trông có chiếc xe chở vật liệu là ùa nhau đến để bốc, xúc, kiếm mỗi người độ 5000, 10.000 đồng/xe. Mỗi ngày, các chị kiếm được từ 25 - 50 ngàn đồng/người. Cũng có những ngày không may mắn, phải đợi cả ngày rồi về không.

Chị Nguyễn Thị Xuân, một người trong nhóm vừa nói chuyện vừa lau nước mắt: “Trước đây, các chị đi làm về còn tích luỹ được để nuôi con ăn học. Giờ đây, việc làm càng ngày càng ít mà giá tiêu dùng thì tăng nên bọn trẻ nhiều đứa phải bỏ học. Thằng cu của nhà chị cũng thế, mới học đến lớp 7. Vì chưa có tiền nộp, nhà trường lại giục thường xuyên… Thế là nó bỏ học".

Không chỉ nông dân, diêm dân, người lao động thu nhập thấp mà còn rất nhiều tầng lớp người dân khác nữa, cán bộ công chức lương thấp, đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng (chỉ có trên dưới 1 triệu đồng/tháng), sinh viên…, tất cả đang phải sống “co” vì bão giá. Giá cả leo thang đã và đang ảnh hưởng nặng nề, chất lượng cuộc sống của người dân giảm sút.

Còn một thực tế khác đang khiến người dân hoang mang, đó là thông tin giá xăng sẽ tiếp tục tăng, giá điện cũng có thể còn tiếp tục điều chỉnh… Và, như thường lệ giá khi lương tăng thì giả cả cũng leo thang. Không biết chưa đầy tháng nữa, lương tối thiểu chung tăng lên 830 ngàn đồng/tháng, thì giá cả sẽ diễn biến thế nào? Đó là vấn đề khiến CBCNVC - LĐ và người có thu nhập thấp không khỏi phấp phỏng lo âu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast