Sông Lam, sông La… những lòng sông “chảy máu”

Cùng với sự gia tăng của các công, của cả những dòng sông.

Tuyến kè Đức Quang (Đức Thọ) được đầu tư 11 tỷ đồng, nay đã xuống cấp nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát bừa bãi trên Ngã ba sông Ngàn Sâu- Sông Cả- Sông La).

Tuyến kè Đức Quang (Đức Thọ) được đầu tư 11 tỷ đồng, nay đã xuống cấp nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát bừa bãi trên Ngã ba sông Ngàn Sâu- Sông Cả- Sông La).

Theo Phòng Cảnh sát đường thuỷ (Công an Hà Tĩnh), toàn tỉnh có gần 80 phương tiện tàu, thuyền, xà lan đang khai thác cát lậu trên lưu vực các sông: Lam, La, Ngàn Sâu, Ngàn Phố… Trung bình mỗi ngày các chủ đầu nậu này hút khoảng 5.000m3 cát từ lòng sông. Hậu quả, hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp đang từng giờ bị cuốn trôi theo dòng nước, nhiều công trình đê điều, kè… ven sông bị xâm hại nghiêm trọng.

Xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) nằm ở hữu ngạn sông Lam, không chỉ được biết đến là nơi hội tụ của địa danh Lam Hồng hùng vĩ, mà còn được biết đến với sản vật dưa hấu ngon, nổi tiếng khắp vùng. Nhờ phù sa sông Lam bồi đắp, các bãi cát vốn cằn cỗi trước đây ở Xuân Hồng đã trở thành những cánh đồng trồng dưa trù phú, màu mỡ. Dưa hấu mang lại cho người nông dân những đổi thay trong cả cách nghĩ và cách làm, nhờ đó đời sống của bà con ở đây đỡ vất vả hơn so với thời kỳ độc canh cây lúa. Tuy nhiên niềm vui của những người trồng dưa Xuân Hồng ngắn chẳng tày gang khi những cánh đồng của họ đang từng ngày trôi theo dòng nước. Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hồng Hà Thanh Tăng bức xúc: “Thời gian gần đây, nạn khai thác cát bừa bãi trên sông Lam đoạn qua địa phận xã Xuân Hồng diễn biến rất phức tạp. Mỗi ngày có từ 10 đến 15 xà lan đến hút cát. Khai thác cát quá mức làm lòng sông khu vực này bị khoét rỗng. Ông Tăng lo lắng: “Cả mấy km bờ sông bị tụt xuống rất sâu, các hàm ếch cứ thế hình thành dọc khúc sông, chỉ cần một cơn mưa là hàng ha đất canh tác của bà con sẽ bị cuốn trôi”.

Nỗi ám ảnh mất đất do mưa lũ gây ra đối với của người nông dân ở đây chưa được nguôi ngoai, thì họ lại phải đối mặt với nỗi lo mất đất canh tác do cát tặc hoành hoành suốt ngày đêm.

Quá bức bách vì nạn cát tặc hoành hành, nông dân ở Xóm 1, xã Xuân Hồng đã nhiều lần tập hợp nhau dông thuyền ba ván ra sông, giằng co, truy đuổi cát tặc, và đã không dưới 5 lần “hỗn chiến” đã xảy ra.

Anh Phạm Xuân Cừ, Xóm 1, xã Xuân Hồng, mệt mỏi: “Không đuổi được chúng đi, đất sản xuất mất dần mất mòn, chúng tôi có nước phải vào nam làm thuê!”.

Khai thác cát trên sông Ngàn Phố

Men theo dòng sông Lam đoạn chạy qua địa phận huyện Nghi Xuân, hàng loạt ụ cát, bãi trung chuyển san sát mọc lên. Những chiếc xe IFA chở đầy cát mặc nhiên ra vào cho thấy chúng nằm ngoài vòng pháp luật, không chịu bất cứ sự kiểm soát nào của các cơ quan chức năng.

Hiện cả tỉnh Hà Tĩnh chỉ cấp phép khai thác cát duy nhất cho doanh nghiệp Phong Tiến ở Đức Hoà (Đức Thọ). Vậy vấn đề đặt ra là các trạm trung chuyển, khai thác cát đang tồn tại không chỉ trên địa bàn huyện Nghi Xuân chịu sự quản lý của cơ quan nào?

Ngã 3 sông Đức Quang (Đức Thọ) nơi hội tụ của ba con sông lớn: sông Cả, sông La và sông Lam được coi là điểm khai thác cát lý tưởng của bọn cát tặc. Cát ở đây mịn, sạch và chất lượng hơn so với điểm khác, “tiếng lành đồn xa”, chủ đầu nậu ở khắp Nghệ An, Hà Tĩnh nườm nượp kéo nhau về đây khai thác, các cuộc tranh giành, ẩu đả thường xuyên xảy ra. Vào giờ cao điểm (nửa đêm về sáng) tại ngã ba sông này luôn có từ 15 đến 20 thuyền và xà lan buông vòi “bạch tuộc” đen ngòm, đường kính 10-12 cm hút “máu” dòng sông. Trên mỗi chiếc tàu hay xà lan đều trang bị từ 2-3 máy 15-18 CV để hút cát. Chỉ nhoằng một vài tiếng đồng hồ là đầy một xà lan cát 50 -60 m3… Làm một phép tính đơn giản, mỗi xà lan trọng tải 50-60m3, mỗi đêm khai thác khoảng hai chuyến, thì ngần ấy con xà lan một đêm đủ biết người ta đã rút ruột bao nhiêu nghìn m3 cát từ đáy sông.

Trong vai người đi mua cát, chúng tôi được chúng kiến tường tận khung cảnh khai thác cát tấp nập ở ngã ba sông nước này.

Máy nổ xé toang khung cảnh tĩnh lặng cả một vùng. Từng đám khói đen kìn kịt bốc lên trời. Trên sông, 7 - 8 cỗ máy hút cát đang thò vòi xuống đáy sông như muốn thách thức với Hà Bá. Nước sông đen nghịt, dưới mỗi xà lan có chừng 10 người, đầu đội nón lá, cởi trần, phô ra những nét xăm trổ quái dị, khuôn mặt dữ tợn luôn sẵn sàng chống trả quyết liệt mỗi khi gặp lực lượng tuần tra hay bà con ra ngăn chặn.

Trong sầm sập tiếng máy nổ, tôi kịp bắt chuyện với Long, người Quỳnh Lưu (Nghệ An). Long vốn là một đối tượng có tiền án, tiền sự, sau khi ra tù không có việc làm, Long dạt vào đây làm thuê cho bà Liên-một cát tặc có tiếng ở Hưng Lợi, Hưng Nguyên (Nghệ An). Với khuôn mặt gầy gò, hùng hổ khiến một ai từng đối mặt đều tỏ vẻ e ngại, Long “khoe” với tôi vết sẹo trên vai, sản phẩm hùng hồn đầy thuyết phục của một vụ tranh chấp vị trí khai thác cát giữa các đầu nậu với nhau. Long bảo: “Biết là nguy hiểm, nhưng cũng vì miếng cơm manh áo cả! Nếu có một nghề khác để kiếm sống em sẵn sàng từ bỏ cái nghề này vì cát tặc là đội quân thu dung nhiều phần tử bất hảo”.

Khai thác cát trên sông Ngàn Sâu ( Hương Khê - Hà Tĩnh)

Cách điểm khai thác không xa, ở phía trong tuyến kè chắn sóng Đức Quang đang quằn quại như một con vật bị trọng thương, sự xuống cấp của tuyến kè cho thấy rõ tỷ lệ thuận với số lượng cát bị hút đi. Do tần số khai thác cát quá mức, tuyến kè bảo vệ đê La Giang mới sử dụng được ba năm đã vẹo vọ, nguếch ngoác bởi các vết nứt đã ăn sâu vào chân và mái kè, nhiều đoạn thân kè đã bị dòng nước cuốn trôi. Thật phũ phàng một hiện thực là tuyến kè 11 tỷ đồng đang từng ngày chết mòn theo dòng nước…

Hơn ai hết, mối nguy hại của việc khai thác cát trên sông được người dân xã Đức Quang nhận thức rất rõ. Chính sự xuống cấp của tuyến kè đã tạo sự tự phản kháng trong nhân dân. Chính quyền xã Đức Quang cũng thành lập đội tuần tra, bảo vệ dọc các bờ sông, nhằm giảm bớt gánh nặng đổ lên con kè chắn sóng đang xuống cấp từng ngày. Đội bảo vệ gồm 8 thành viên được trang bị thuyền gỗ 15 mã lực, một năm xã cấp cho đội 2 tấn thóc, gọi là “kinh phí hoạt động”.

Sự ra đời của đội tuần tra, bảo vệ của xã Đức Quang đã phần nào làm hạn chế nạn cát tặc hoành hành ở đây, tuy nhiên trên thực tế, do thiếu thốn phương tiện, công cụ đảm bảo, lại vấp phải sự chống trả quyết liệt của số đông cát tặc hoạt động không theo quy luật, lực lượng bảo vệ ở đây cũng chỉ hoạt đông ở mức độ cầm chừng.

Đem chuyện cát sỏi và đầu gấu hỏi Cảnh sát đường thuỷ mới hay sự vất vả nguy hiểm của nghề an ninh sông nước và cả những mắc kẹt bởi những khó khăn từ nhiều phía. Trưởng phòng Cảnh sát đường thuỷ, Thượng tá Nguyễn Phúc Tiến cho biết: “Trước thực trạng khai thác cát quá mức trên địa bàn, đơn vị đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền phối hợp các địa phương nhằm chấn chỉnh và lập lại tình hình khai thác cát trên các tuyến sông”.

Thượng tá Tiến cho hay, “rất nhiều khó khăn, nhưng khó nhất là kinh phí hoạt động”.

Mỗi tháng, ba trạm kiểm soát của đơn vị được cấp kinh phí xăng dầu chạy khoảng 3,5 tiếng đồng hồ trên sông để tuần tra. Thêm vào đó việc không có âu thuyền nên việc thu giữ các phương tiện không được thường xuyên... Con số “ba trạm” và 3,5 tiếng đồng hồ”, đúng là một sự thách đố đến hài hước.

Thiết nghĩ để chấm dứt tình trạng khai thác cát bừa bài trên địa bàn, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến tác hại của việc khai thác cát bừa bãi trong mọi tầng lớp nhân dân.

Cùng với sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của 2 tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh, tiến hành xử phạt nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm, mặt khác, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động đôi dư ở các địa phương - giải pháp lâu dài để đảm bảo sự bình yên cho các dòng sông.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast