Sự trỗi dậy của Trung Quốc: Đến Ronaldo cũng mua được

Bầu không khí lạnh lẽo của mùa đông sớm tan biến với sự nhộn nhịp của các vụ chuyển nhượng. Thật ngạc nhiên khi chính Trung Quốc mới trở thành quốc gia khuấy đảo làng túc cầu.

Nhờ tài chính hùng mạnh, những "ông lớn" của bóng đá Trung Quốc như Guangzhou Evergrande, Hebei Fortune hay Shanghai Shenhua dễ dàng có được nhiều bản hợp đồng đình đám. Thời gian qua, người ta lần lượt được chứng kiến Jackson Martinez, Gervinho, Fredy Guarin, Aleix Teixeira, Ramires,... đổ bộ tới giải đấu còn rất mới với người trong cuộc.

Ramires sang Trung Quốc với giá chuyển nhượng rất cao.

Ramires sang Trung Quốc với giá chuyển nhượng rất cao.

Để tìm hiểu rõ hơn công thức làm bóng đá Trung Quốc, phóng viên Alain Wang người Italy của tờ Titan Sport (Trung Quốc) đã chia sẻ nhiều bí mật thú vị. Được biết, bài phỏng vấn Alain Wang do báo Calciomercato (Italy) thực hiện ở thời điểm tháng 1/2016, tức trước khi Jackson Martinez rời Atletico Madrid để sang Shanghai Shenhua.

- Jiangsu Suning đã tạo nên cú sốc trong kỳ chuyển nhượng khi mua Ramires từ Chelsea. Tuy nhiên, thực tế thì người ta không hề biết đội bóng này xuất thân thế nào. Ông có thể kể chúng tôi nghe thêm về Jiangsu Suning?

- Jiangsu Suning có trụ sở đặt tại Nam Kinh, tuy nhiên, họ không phải đội bóng có bề dày truyền thống. Jiangsu từng giành vị trí Á quân vào năm 2012 và vô địch cúp Quốc gia Trung Quốc năm ngoái. Dù vậy, họ cũng thường xuyên phải chiến đấu để tránh rớt hạng. Tháng 12 vừa qua, đội bóng được một doanh nghiệp bán lẻ điện tử mua lại.

Công ty này từng bán 19,9% cổ phần cho tập đoàn hùng mạnh Alibaba vào năm 2014. Từ đó, tập đoàn Alibaba quyết định thay đổi chiến lược của Suning để khuếch đại thương hiệu. Bóng đá thực chất chỉ là một trong những công cụ hiệu quả để quảng cáo, vì vậy, họ mới thực hiện nhiều vụ chuyển nhượng đình đám nhằm tạo ra sự chú ý.

- Có khi nào các CLB Trung Quốc cảm thấy lo lắng rằng, các tên tuổi của châu Âu có thể ngán ngẩm giải Vô địch Quốc gia Trung Quốc, theo đó, rời CLB trước khi hợp đồng kết thúc hay không? Giống như trường hợp của Alberto Gilardino và Alessandro Diamanti năm ngoái...

- Điều đó có thể xảy ra. Didier Drogba rời Shanghai Shenhua vì CLB không thanh toán tiền lương cho anh ấy, còn Seydou Keita thì thất vọng với màn trình diễn của đội nhà. Trường hợp của Gilardino và Diamanti thì khác một chút. Họ muốn ra đi, cùng lúc Guangzhou Evergrande cũng muốn thay thế họ bằng những tân binh Brazil vì các cầu thủ Nam Mỹ có thể tạo ra tác động vô cùng lớn tới bóng đá Trung Quốc.

Freddy Guarin sẽ có dịp trải nghiệm cảm giác chơi bóng ở châu Á.

Freddy Guarin sẽ có dịp trải nghiệm cảm giác chơi bóng ở châu Á.

- Có ý kiến cho rằng, giải VĐQG Trung Quốc sẽ vươn tới tầm của sân chơi MLS (Mỹ) trong vài năm tới, ông có đồng ý với quan điểm này?

- Nếu chúng ta nhìn lại cách đây 5 hay 6 năm trước, các CLB Trung Quốc chỉ có thể ký hợp đồng với những cầu thủ ở cấp độ trung bình của Brazil, hoặc các tên tuổi sắp giải nghệ. Nhưng sau đó, họ hiểu rằng những cầu thủ như vậy không thể nâng tầm giải đấu, do đó, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Mục tiêu được các CLB Trung Quốc hướng tới phải là người đang chơi bóng ở đẳng cấp đỉnh cao của châu Âu.

Ngoài ra, trong quá khứ thì bóng Trung Quốc chỉ chiêu mộ các cầu thủ theo dạng chuyển nhượng tự do, nhưng lúc này, tiềm lực tài chính hùng mạnh giúp các CLB đủ khả năng mua những ngôi sao với giá cao. Đó là bước tiến lớn rất quan trọng. Lúc này, không có mục tiêu nào quá tầm với bóng đá Trung Quốc.

Jackson Martinez sang Trung Quốc một cách đầy bất ngờ.

Jackson Martinez sang Trung Quốc một cách đầy bất ngờ.

- Trung Quốc từng chứng minh trong các kỳ Olympic rằng, nếu muốn đầu tư cho một môn thể thao, họ thường giành được những kết quả quan trọng chỉ trong thời gian rất ngắn. Tại sao điều này không thể áp dụng trong bóng đá?

- Đó là vì chúng tôi phạm sai lầm trong những vụ đầu tư. Các CLB thường xây nhà từ nóc, và không có bất kỳ nền tảng nào. Hãy lấy ví dụ về các học viện bóng đá và những đội trẻ Trung Quốc sẽ rõ. Về khía cạnh này, chúng tôi không phát triển. Thực tế cho thấy bóng đá trẻ tại đây rất nghèo nàn. Không có nhiều người chơi bóng đá hiện tại, và họ cũng không được tạo điều kiện tốt nhất để tham gia tập luyện.

Nếu CLB tiếp tục đầu tư vào bóng đá trẻ, chúng tôi có lẽ còn phát triển vượt bậc hơn, bằng không, mọi thứ chỉ giống như sự hào nhoáng của giới showbiz.

- Chính phủ Trung Quốc có tham gia vào bóng đá không?

- Tôi không nghĩ vậy. Họ thật sự quan tâm đến việc phát triển thể thao nước nhà. Điều đó nhằm hướng tới những mục tiêu trong tương lai. Tuy nhiên, tôi không tin chính phủ trợ cấp tài chính cho các CLB để mua tên tuổi lớn với giá khủng.

- Ít nhất thì, chính phủ có khuyến khích các công ty lớn mua cổ phần các CLB Trung Quốc?

- Không. Tôi lại nghĩ điều ngược lại. Hãy giả định rằng, nếu một công ty đầu tư số tiền lớn để mua đội bóng, điều rất tốt cho địa phương đó. Lý do vì những công ăn việc làm sẽ được tạo ra và thu hút người dân. Ngoài ra, các công ty cũng có thể tích cực đầu tư vào bóng đá như một cách để tìm kiếm sự ưu đãi từ chính quyền địa phương.

Tạm hiểu thế này: "Tôi đầu tư tiền bạc vào một dự án nào đó, nhưng anh sẽ phải cho tôi một thứ gì khác để đổi lại. Cách này giúp song phương có lợi.

Có thể Radamel Falcao sẽ trở thành cái tên cập bến Trung Quốc tiếp theo.

Có thể Radamel Falcao sẽ trở thành cái tên cập bến Trung Quốc tiếp theo.

- Liệu có một nhà môi giới nước nào nào xuất hiện trong thị trường mới?

- Điều đó còn tùy. Trung Quốc là quốc gia rộng lớn, vì vậy, không ai có thể điều khiển mọi thứ. Ban lãnh đạo một đội bóng có thể thay đổi rất nhanh, vì vậy, rất khó để mọi thứ đều được vận hành dưới sự điều khiển. Tiện đây, Jorge Mendes cũng vừa "đặt chân" tới Trung Quốc, theo đó, ký thỏa thuận với một tập đoàn có tên Fussun.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không biết kế hoạch của Ngài Mendes là như thế nào. Có lẽ ông ấy sẽ mang nhiều khách hàng của mình tới Trung Quốc, hoặc cũng có thể lên kế hoạch phát triển hình ảnh của Cristiano Ronaldo hay James Rodriguez tại đây.

- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast