Tân Lộc: Xót xa vụ hè thu mất trắng

Đến xã Tân Lộc (Lộc Hà - Hà Tĩnh) trong những ngày thu hoạch lúa hè thu, đối lập với không khí và âm thanh rộn rã của ngày mùa nơi nơi, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng ảm đạm khó tả bao trùm thôn quê, nơi từng được coi là một trong những vùng đất lúa của huyện mới Lộc Hà. Tuyệt nhiên không có tiếng máy tuốt; không mùi hương rơm rạ, đường làng, ngõ xóm trống vắng quạnh hiu… gần 400 ha lúa, mới ngày nào là niềm hy vọng cho một mùa vàng bội thu, nay đồng loạt trơ xương trong niềm tiếc nuối và lo âu vô tận của người nông dân một nắng hai sương bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Kiểu thu hoạch như thế này là phổ biến ở xã Tân Lộc trong những ngày qua.
Kiểu thu hoạch như thế này là phổ biến ở xã Tân Lộc trong những ngày qua.

Tân Lộc là địa phương thuần nông nằm ở vùng trũng nhất của các xã phía tây nam huyện Lộc Hà. Con sông Hồng Tân chảy qua địa bàn, hàng năm cung cấp nguồn nước tưới quan trọng cho ngành trồng trọt của xã. Tuy nhiên, do thượng nguồn thấp trũng, hạ nguồn bị bồi lắng nên khi có lượng mưa lớn thường bị ngập úng kéo dài.

Triển khai xuống giống vụ hè thu 2010 trong điều kiện hết sức khó khăn bởi thời tiết khắc nghiệt, song Tân Lộc vẫn quyết tâm nỗ lực duy trì diện tích lúa đảm bảo kế hoạch đề ra với 410 ha, trong đó có 77 ha lúa lai Nhị ưu 838, còn lại là giống mới CP6, nếp 98 và một số giống lúa thuần đã từng đem lại năng suất cao trên đồng đất địa phương.

Cơn mưa đầu tháng sáu, những giọt “máu rồng” quý giá đối với nhiều địa phương lại chính là nỗi ám ảnh thực sự đối với đồng đất của Tân Lộc. Trong lúc cây mạ đang chờ cấy, nguồn nước tưới hiếm hoi chắt chiu bấy lâu cũng đã sẵn sàng để xuống giống, trận mưa lớn đã làm mực nước sông Hồng Tân dâng cao, gây ngập úng trên 90% diện tích đất lúa trong suốt gần chục ngày liền.

Sau thử thách đầu tiên này, người nông dân làm lúa Tân Lộc lại liên tục gánh chịu và phải gồng mình vượt qua những gian nan mới: hạn hán, sâu bệnh, và đỉnh điểm là trận bão số 3 cùng với trận mưa cục bộ sau đó với cường độ lớn đã nuốt chững gần như toàn bộ diện tích lúa hè thu đang ngậm sữa của xã sau những tháng ngày cật lực đấu tranh giành giật với thiên nhiên.

Sau đúng 12 ngày đêm bị dìm trong biển nước, diện tích lúa hè thu, trước đó được huyện về tham quan và dự kiến đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay chịu tổn thất nặng nề, trong đó có 357 ha mất trắng; 53 ha còn lại có thể gặt được cũng chỉ đạt bình quân 4-5 yến/sào. Trận lụt lịch sử cũng đã cuốn trôi của Tân Lộc 2 ngôi nhà, 12.000 con gia cầm, 6 con trâu bò, 8 ha ao cá; gió bão làm đổ gãy, hư hại trên 250 ha keo lá tràm… Tổng thiệt hại ước tính trên 10 tỷ đồng.

Có thể nhận thấy, không thể diễn tả hết được sự bàng hoàng của người dân Tân Lộc trong những ngày qua. Khó khăn lớn nhất họ phải đối mặt, đó là nạn đói đã hiện hữu cận kề. Sống ở một địa phương thuần nông, mọi khoản ăn uống, chi tiêu đều trông chờ vào sản phẩm nông nghiệp, nay sự hẫng hụt đang hiện diện rõ trên từng nét mặt của mọi người. Ngoài những đám ruộng mất trắng, một số thữa còn có thể vớt vát được chút ít cũng khó bề tính toán. Không gặt thì xót của, mà gặt thì kèm thêm nhiều công sức, chi phí vượt quá giá trị thu về. Rơm rạ, nguồn sản phẩm phụ cũng úng thối không thể sử dụng được. Một số người đã chọn giải pháp là lội ruộng ngắt từng bông lúa sống sót.

Chị Nguyễn Thị Tần ở xóm 3 đang hái từng bông lúa sạm đen trên ruộng lúa lai xót xa bày tỏ: “Nguy quá rồi các chú ạ. Mùa màng, đáng lẽ gặt hái vui vẻ như nguời ta, bây giờ phải thu hoạch kiểu như thế này, chẳng khác gì kiểu đi mót lúa ngày xưa. Mà hạt lúa có ngon lành gì đâu, phần lớn bị thối đen hết”.

Anh Nguyễn Duy Sơn ở xóm 7, làm 11 sào ruộng, trước khi bão vào mấy ngày, những thửa ruộng lúa của anh đẹp như những tấm thảm, hứa hẹn một kết quả cao nhất từ trước đến nay đã bị xóa sổ trong sự tiếc nuối của cả gia đình. Anh cho biết: “Mọi chi tiêu, học hành của con cái, nợ nần của gia đình đang nhìn tất cả vào hạt lúa vụ hè thu này. Bây giờ mất tất cả rồi, không biết bấu víu vào đâu để sống trong thời gian tới. Rất mong các cấp ngành quan tâm giúp đỡ để chúng tôi yên tâm ổn định cuộc sống”.

Mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trước mắt, nhưng người nông dân không hề đơn độc trong cuộc đấu tranh khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Những ngày qua, mọi hoạt động khác của cả hệ thống chính trị ở Tân Lộc dường như tạm dừng để nhường chỗ cho những cuộc họp bàn về vấn đề ổn định cuộc sống của nhân dân sau thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh và huyện cũng đã có những chính sách đặc biệt dành cho người dân ở đây.

Trước mắt, xã khởi động cuộc vận động quyên góp cứu trợ đối với những hộ gia đình có nguy cơ thiếu đói gần nhất; có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các hộ bị thiệt hại về nhà ở và tài sản. Đặc biệt, xã khẩn trương triển khai và chỉ đạo thực hiện đề án sản xuất vụ đông, trong đó tăng cao diện tích sản xuất, vận động nhân dân chia sẽ diện tích để ai cũng có đất sản xuất vụ đông cứu đói, ưu tiên cơ cấu các loại cây lương thực ngắn ngày như ngô lai, khoai lang…

Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện để vay vốn, giải quyết việc làm, vận động nhân dân đi lao động ở các tỉnh phía nam; hoãn thu 100% các loại phí đóng nộp của học sinh và vận động học sinh không bỏ học… Đồng chí Nguyễn Duy Rộng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lộc cho biết: “Mất mát ở vụ hè thu này, không chỉ dừng lại là mất một vụ sản xuất, mà nó thực sự ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân địa phương. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung trí tuệ của cả hệ thống chính trị và triển khai những bước đi cụ thể, kịp thời và cần thiết nhất để trước mắt là cứu đói cho bà con và từng bước ổn định cuộc sống, đồng thời ổn định tâm lý để khôi phục sản xuất, tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những vùng trọng điểm lúa của huyện”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast