Tăng 3,32%, CPI tháng 4 cao nhất 3 năm gần đây

Từ mức tăng 2,09% trong tháng 2 - được cho là “chỉ ở mức trung bình”, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt con số “bất ngờ” tháng 3 khi tăng 2,17%, và tháng 4 này gây “ngỡ ngàng” với mức tăng 3,32%, theo như số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố.

Chốt ở mức tăng cao mới, CPI tháng 4/2011 lập kỷ lục trong khoảng 3 năm trở lại đây, mức cao nhất kể từ sau tháng 5/2008. So với tháng 4 các năm kể từ 1995, CPI tháng này là quán quân, cao hơn tới 1,12 điểm phần trăm so với tháng về nhì (tháng 4/2008).

Ở tất cả các mức so sánh khác, chỉ số giá tiêu dùng tháng này đều đã vượt lên trên các mốc dự báo trước đó: so với tháng 12/2010 đã tăng 9,64%, vượt xa mục tiêu 7% đặt ra hồi đầu năm nay và đã ở rất gần mức hai con số; so với cùng kỳ đã tăng 17,51%, trôi khỏi mốc dự báo đỉnh lạm phát 16% trong năm nay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được công bố mới đây. CPI bình quân 4 tháng đầu năm cũng đã tăng 13,95% so với cùng kỳ.

Phải chăng mức tăng 3,32% đã vượt ngoài tưởng tượng của giới chuyên môn, hay năng lực dự báo trong chỉ tiêu kiềm chế cả năm đặt ra là có vấn đề?
Phải chăng mức tăng 3,32% đã vượt ngoài tưởng tượng của giới chuyên môn, hay năng lực dự báo trong chỉ tiêu kiềm chế cả năm đặt ra là có vấn đề?

Một con số đáng chú ý khác, so với kỳ gốc năm 2009, CPI tháng này đã tăng 27,61%. Hiểu một cách đơn giản, cuối năm 2009 thu nhập 4 triệu đồng đã được gọi là “người có thu nhập cao” thì ở thời điểm này, giá trị tương đương phải là trên 5,1 triệu đồng, nếu tính thêm yếu tố lạm phát như nói ở trên.

Nhìn từ thực tế thị trường mấy tháng nay, giá cả tăng liên tục tạo khác biệt hoàn toàn với quy luật giảm sau Tết nguyên đán của những năm trước đây, kể cả những năm kinh tế đột biến mạnh 2008-2010. Nhưng đáng lưu ý hơn là mức tăng càng về sau lại lớn hơn trước đó, dù là trên đỉnh giá đã cao của giai đoạn trước.

Tâm lý thị trường cũng đang điều chỉnh theo dòng kích đẩy của chỉ số giá tiêu dùng kể từ đầu năm đến nay, kéo căng từ mức tăng 1,74% của tháng đầu năm, qua các chỉ số cao dần cho đến tháng này. Quanh các diễn đàn mạng, câu hỏi quan tâm hàng đầu của những “túi tiền” đang vơi dần: đâu là điểm đổi chiều CPI?

Một vài nhận định gần đây cho rằng chắc chắn tháng 4/2011 đã là đỉnh lạm phát của năm nay. Cũng có phản biện lại, phải chăng mức tăng 3,32% đã vượt ngoài tưởng tượng của giới chuyên môn, hơn là ước tính chắc chắn về độ trễ chính sách tiền tệ?

Sau hai tháng Nghị quyết 11 của Chính phủ được các bộ, ngành, địa phương triển khai xuống dưới, mức tác động kiềm chế lạm phát dường như chưa rõ ràng. Rất có lý khi nêu lại độ trễ chính sách trong lúc này. Nhưng vì sao không phản ứng sớm hơn, khi CPI đã tăng vượt 1% kéo dài suốt từ tháng 9/2010?

Trở lại với chỉ số giá tiêu dùng tháng này, trong khi các van tiền tệ và tài khóa đang thực hiện định hướng vít chặt, thông tin tới thị trường là tín dụng đến cuối tháng 3/2011 vẫn tăng trên 5% so với cuối năm 2010, chưa cho thấy tác động của van hãm. Trong khi đó, các công bố mới nhất về cắt giảm đầu tư công mới chỉ dừng ở con số 3.400 tỷ đồng, ước tính tương đương trên 1% tổng đầu tư của khu vực Nhà nước mỗi năm.

Vào giai đoạn lượng tiền đổ vào kênh tiêu dùng chưa bị ảnh hưởng nhiều, lạm phát còn có nguyên nhân chi phí đẩy. Và việc “đánh sập” tổng cầu như hiện nay rất có thể chưa đủ phát huy tác dụng như mong muốn chủ quan.

Tăng giá thế giới đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm vừa đem lại lợi ích cho người sản xuất nhưng cũng tạo sức ép đối với tăng giá tại thị trường trong nước; đồng thời giá các mặt hàng tiêu dùng, nguyên, nhiên liệu sản xuất có nguồn gốc nhập khẩu cũng trong xu hướng tăng đã cộng hưởng thêm tác động.

Điện, xăng dầu… được áp dụng cơ chế điều chỉnh giá bán theo thị trường cũng là nguyên nhân đẩy giá thành sản xuất tăng lên, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán sản phẩm cuối cùng, thậm chí có khuynh hướng thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng và tăng giá bán.

Thể hiện trên các chỉ số chính, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này có CPI tăng khá cao tới 4,5% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 2,47%; thực phẩm tăng 5,61%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,31%. Riêng nhóm này đã có đóng góp vào mức tăng chung CPI tháng này tới 1,8%, đặc biệt là thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn.

CPI nhóm giao thông tháng 4/2011 tăng 6,04% so với tháng trước, đóng góp 0,54% vào mức tăng chung mà nguyên nhân chủ yếu là do chịu tác động từ 2 lần tăng giá xăng dầu rất cao thời gian gần đây. CPI nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,38% trong tháng 4, đóng góp khoảng 0,44% vào chỉ số giá tháng này.

Không có nhóm nào chỉ số giá giảm, trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng còn lại, chỉ có bưu chính viễn thông và giáo dục tăng nhẹ, 6 nhóm khác có mức tăng trên 1%, bao gồm: may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,63%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,38%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,31%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,03%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,01%...

Chỉ số giá vàng tháng 4/2011 đã giảm 1,2% so với tháng trước; tương tự chỉ số giá USD cũng giảm 1,61%.

Theo VnEconomy.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast