Tăng cường giám sát, đối phó với dịch tai xanh

Từ trung tuần tháng tư, khi dịch bệnh đã bùng phát, lan ra diện rộng trên địa bàn 2 tỉnh giáp ranh là Nghệ An và Quảng Trị thì ở Hà Tĩnh, người chăn nuôi vẫn lơ là công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi; tình trạng buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép vẫn diễn ra hàng ngày; đặc biệt ở hầu hết các địa phương, tỷ lệ vật nuôi được tiêm vắc xin phòng dịch tai xanh cực thấp.

Khi cơ thể không tạo được sự miễn dịch sự bùng phát của dịch bệnh chỉ là vấn đề thời gian. Ngày 25/4, tại TP Hà Tĩnh, dịch bệnh được phát hiện ở phường Đại Nài. Đến ngày 28/4, có 69 con lợn của 31 hộ tại các khối phố 1,2,3 thuộc phường Đại Nài mắc bệnh, buộc phải tiêu huỷ.

Nguyên nhân xuất hiện của dịch bệnh được xác định, Đại Nài là địa phương có dịch tai xanh năm 2008, mặt khác các khối phố 1,2,3 của phường tiếp giáp với xã Thạch Tân (Thạch Hà) - địa bàn tập trung gần 60 hộ giết mổ lợn, thường xuyên gom lợn từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh về giết mổ để cung cấp lợn thịt cho thành phố nhưng công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm cho đàn lợn đạt kết quả thấp, nhiều hộ chăn nuôi không chấp hành việc tiêm vắc-xin phòng bệnh theo quy định.

Việc thành lập các chốt kiểm dịch, tiêu độc khử trùng sẽ hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh
Việc thành lập các chốt kiểm dịch, tiêu độc khử trùng sẽ hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh

Tại huyện Cẩm Xuyên, ngày 27/4, Trạm Thú y huyện phát hiện ở thôn 7, xã Cẩm Vịnh có 1 con lợn nái, 4 lợn choai và 25 lợn con của 6 hộ gia đình ở đây có hiện tượng ốm, chết. Sau khi UBND tỉnh công bố dịch tai xanh ở lợn tại phường Đại Nài, các địa phương trong vùng dịch, vùng bị uy hiếp đã triển khai ngay các biện pháp cần thiết nhằm khống chế, khoanh vùng khống chế dịch bệnh lan ra ngoài.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay trong quá trình phòng, chống dịch ở các địa phương nói trên đã xuất hiện nhiều bất hợp lý. Theo phản ánh của các hộ chăn nuôi ở phường Đại Nài, hiện tượng lợn ốm, bỏ ăn đã xuất hiện từ ngày 18/4. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, các hộ gia đình ở đây đã thông báo với thú ý phường, song thay vì báo cáo lên cấp trên thì cán bộ thú y phường ở đây lại im lặng để điều trị. Chỉ đến khi dịch bệnh nằm ngoài sự kiểm soát thì thông tin trên mới đến được các cơ quan chức năng.

Theo phản ánh của cán bộ thú y xã Thạch Tân, khi tổ chức tiêu huỷ đàn gia súc nhiễm bệnh, phường Đại Nài đã không tuân thủ theo quy trình, quy định, đó là việc chôn lợn bị bệnh gần khu dân cư, đường giao thông, ở đầu hướng gió, đặc biệt hố chôn được đào, lấp cạn lại không được phủ bạt theo quy định.

Tại xã Cẩm Vịnh, ngay sau khi đàn gia súc có biểu hiện lạ, bằng nhiều cách khác nhau người dân ở đây đã tẩu tán gần hết vật nuôi ra nhiều hướng để tiêu thụ.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh Nguyễn Văn Chiến cho biết, địa phương chuyên cung cấp lơn giống cho các nơi khác. Toàn xã có 1.490 con lợn, trong đó lợn nái có 494 con. Sau khi xuất hiện dịch, địa phương đã huy động lực lượng tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng, tiêu huỷ gia súc mắc bệnh, lập chốt kiểm dịch, đồng thời đình chỉ việc mua bán, vận chuyển giết mổ gia súc và sản phẩm từ lợn trên địa bàn, tiến hành tiêm vắc xin tai xanh cho đàn lợn.

Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch xã Cẩm Vịnh, từ khi đàn lợn ở các hộ gia đình có biểu hiện lạ cho đến khi công bố dịch tai xanh và tiến hành các biện pháp phòng bệnh thì xã không nắm được khoảng thời gian đó có bao nhiêu con lợn nái của địa phương được chuyển đi nơi khác.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Hà Tĩnh, đến thời điểm này, dịch tai xanh cơ bản nằm trong vùng kiểm soát khi chưa xuất hiện ổ dịch mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch tai xanh, chính quyền địa phương và người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, coi việc phòng chống dịch bệnh trở thành nhiệm vụ thường trực trong cuộc sống hang ngày.

Ông Phạm Thanh Bình – Chi cục trưởng Cục Thú y Hà Tĩnh cho rằng, diễn biến thời tiết như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh tai xanh bùng phát. Để khống chế, khoanh vùng dịch, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ban, ngành thì bà con nông dân phải nêu cao ý thức cảnh giác và hợp tác với chính quyền, cán bộ thú y, đồng thời tuân thủ quy trình phòng bệnh do cán bộ chuyên môn hướng dẫn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast