Tăng lực cho tuyến đê La Giang

Sau nhiều thập kỷ chờ đợi, Dự án nâng cấp tuyến đê La Giang với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng được khởi công. Dự án hoàn thành không chỉ bảo vệ an toàn tính mạng cho hàng chục vạn hộ dân, hàng chục ngàn héc ta đất canh tác mà còn góp phần thúc đẩy phát triển KH - XH ở các địa phương ở Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, Thạch Hà…

Với chiều dài 19,2 km đi qua địa bàn huyện Đức Thọ (15,6 km) và thị xã Hồng Lĩnh (3,6 km), từ lâu, đê La Giang là công trình phòng lũ trọng điểm của tỉnh. Ngoài bảo vệ trực tiếp cho gần 30 vạn dân, 35 ngàn ha đất canh tác thuộc các địa phương ở Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc và một phần của Thạch Hà, đê La Giang còn gián tiếp bảo vệ nhiều công trình cơ sở hạ tầng trọng yếu trong khu vực như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 8A, tuyến đường sắt Bắc – Nam, tuyến cáp quang xuyên Việt, tuyến đường điện 500 KV…

Ra đời từ những năm 30 của thế kỷ trước, đến nay, sau gần 8 thập kỷ miệt mài phòng lũ, đê La Giang đã tiêu hao nhiều sức lực nên không còn đáp ứng yêu cầu trước sự xuất hiện dày đặc của thiên tai, bão lũ những năm gần đây.

Quá trình quản lý, bảo vệ, nhất là trên cơ sở các tài liệu khảo sát cho thấy, đê La Giang đã bộc lộ nhiều bất cập. Đó là, toàn tuyến có hai loại đê đặc trưng gồm: các đoạn nền cát có hệ số thấm lớn và nền đất mềm yếu (chủ yếu là nền đất sét nhão có chiều dày từ 5 – 12 m).

Mặt cắt ngang thân đê nhiều đoạn còn quá nhỏ (chiều rộng mặt đỉnh đê chủ yếu đạt từ 2 – 3 m trong khi yêu cầu hiện nay là 6m, còn chiều rộng mặt cơ chỉ đạt từ 4 – 5m trong khi yêu cầu hiện nay là 10 m); mái đê phía sông và đồng quá dốc.

Phần thân đê do thi công qua nhiều thế hệ với hình thức thủ công dẫn đến thân đê không đồng chất, xuất hiện nhiều ẩn hoạ và mối làm tổ trong thân đê.

Đối với hệ thống cống dưới đê, ngoài cống Trung Lương được xây dựng từ năm 2000 thì các cống còn lại (cống Cầu Ngục, cống Cầu Khống, cống Đức Xá, cống Đức Diên, cống Quý Vượng và cống Lam Hồng) không còn đáp ứng yêu cầu do quá ngắn so với mặt cắt ngang đê, phần kết cấu bê tông móng, tường bên, tường quây không đảm bảo việc tiêu thoát lũ.

Hệ thống kè, mỏ hàn ở các khu vực như: Tùng Ảnh, Bến Giá, Bùi Xá, Đức Nhân cũng xuống cấp nghiêm trọng do hiện tượng sạt lở bờ dù hàng năm đều đã được duy tu, sửa chữa…

Từ những thực trạng nêu trên, nhất là xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ quan trọng trong công tác PCLB của tuyến đê này, năm 2007, Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh đã tham mưu để UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT chủ trương đầu tư nâng cấp đê La Giang. Thấu hiểu nỗi lo của tỉnh, Bộ NN&PTNT đã đồng ý để tỉnh lập dự án đầu tư theo hướng đảm bảo đúng các quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn ngành, đồng thời đề xuất giải pháp kỹ thuật hợp lý để vừa đảm bảo độ an toàn cho phép, vừa tiết kiệm về chi phí đầu tư.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và các ý kiến góp ý bằng văn bản của các cơ quan chuyên môn, cơ quan đầu mối thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt “Dự án đầu tư nâng cấp đê La Giang” với tổng mức đầu tư là 967,4 tỷ đồng.

Theo đó, dự án này thuộc công trình cấp II. Cao trình đỉnh đê thiết kế tương ứng với mực nước lũ có tần suất P=1%. Mặt đỉnh đê rộng từ 5 – 6m, gia cố bằng bê tông M250, dày 20 cm. Mái đê phía sông (m=2) sẽ trồng cỏ bảo vệ, những đoạn sát sông và những đoạn có mặt thoáng ngoài rộng thì gia cố tấm lát bằng cấu kiện bê tông có đục lỗ để trồng cỏ. Mái đê phía đồng (m=3) sẽ trồng cỏ, những đoạn qua khu vực dân cư, đoạn qua Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú và thị trấn Đức Thọ… làm tường chắn đất bằng bê tông cốt thép M250 nhằm hạn chế tối đa công tác đền bù – GPMB, đồng thời có đường gom dân sinh phục vụ giao thông đi lại cũng là để tạo hành lang an toàn bảo vệ đê. Cơ đê phía đồng được gia cố bằng kết cấu bê tông M350 với chiều rộng mặt 7m, dày 0,23m đổ tại chỗ, thiết kế tiêu chuẩn áo đường giao thông cho hai làn xe nhằm phục vụ công tác cứu hộ đê khi cần thiết và phục vụ giao thông đi lại. Cơ đê phía sông ở cao trình +5m có chiều rộng 5m dọc suốt toàn tuyến.

Ngoài ra, dự án còn củng cố, nâng cấp các hệ thống kè, mỏ hàn tại Tùng Ảnh, Bùi Xá, Đức Nhân, làm mới kè lát mái Yên Hồ (đoạn phía trên và dưới cầu Đồng Dâu); Sửa chữa, nâng cấp cống Lam Hồng, củng cố và nâng cấp tất cả các cống dưới đê để phù hợp với mặt cắt ngang đê sau khi mở rộng; Làm mới các dốc qua đê, dốc lên xuống phía trong và ngoài đê phục vụ chống lũ và giao thông, nhất là tại các điểm xung yếu như: phai qua đường sắt Bắc – Nam, cầu đường bộ Chợ Thượng, cầu Đồng Dâu, QL 8A cũ, QL 1A; Xây mới các điếm canh đê kết hợp cụm chỉ huy PCLB; Củng cố, nâng cấp 7 tuyến đường thi công, kết hợp ứng cứu hộ đê, sơ tán dân và phục vụ giao thông với tải trọng trục xe 10 tấn, chiều rộng mặt đường 7m, kết cấu bằng bê tông M350, dày 0,23m đổ tại chỗ; Xây dựng hệ thống kênh tiêu úng vùng sủi Yên Hồ nối ra cống tiêu Quý Vượng; San lấp tất cả ao hồ, thùng đấu phía trong và ngoài sát chân đê… Dự kiến khối lượng đất đào đắp các loại của dự án này khoảng 1,75 triệu m3, đá các loại 32,5 ngàn m3, đê tông các loại 75 ngàn m3, thép các loại 2 ngàn tấn.

Theo ông Đặng Phi Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đê điều và PCLB tỉnh kiêm Trưởng Ban quản lý dự án, sau lễ khởi công, trước mắt dự án tập trung thi công đoạn từ K14+00 - K19+213 trên cơ sở nguồn vốn được bố trí trong năm 2009. Để phục vụ cho phần việc này, thời gian qua các hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh đã tiến hành thống kê, áp giá và đang chi trả tiền đền bù cho các hộ dân.

Tuy nhiên, không phải dự án đã tránh được những khó khăn do công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB còn vướng mắc ở một số hộ dân; các chế độ định mức đơn giá trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB thay đổi thường xuyên đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ áp giá và trình duyệt phương án.

Tập đoàn Xuân Thành huy động tối đa thiết bị - xe máy đẩy nhanh tiến độ thi công đắp cơ phản áp phía sông và phía đồng
Tập đoàn Xuân Thành huy động tối đa thiết bị - xe máy đẩy nhanh tiến độ thi công đắp cơ phản áp phía sông và phía đồng

Công trình đầu tư nâng cấp tuyến đê La Giang là dự ản trọng điểm của tỉnh. Để đảm bảo tiến độ đề ra, BQL dự án đề nghị tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cùng với nhà đầu tư, chủ đầu tư tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của trung ương nhằm tạo nguồn vốn tiếp theo cho dự án. Về phía các địa phương, cần tập trung cao hơn nữa cho công tác GPMB, vận động tuyên truyền nhân dân thực hiện đúng theo chủ trương của Nhà nước. Ngoài ra, BQL dự án cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo tốt việc khai thác ở các bãi vật liệu, đặc biệt là quá trình vận chuyển máy móc, vật liệu trên các tuyến đường thi công.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast