Tạo đà cho nghề khai thác thủy sản phát triển

Bước khởi động của năm 2010 trong giải pháp chiến lược phát triển khai thác thủy sản giai đoạn 2010 – 2015 đóng vai trò rất lớn nhằm đưa khai thác thủy sản phát triển bền vững, mang giá trị kinh tế cao. Con số hơn 23.000 tấn sản lượng, giá trị đạt 550 tỷ đồng trong năm qua không chỉ mang lại niềm vui cho ngư dân mà đây còn là tín hiệu đáng mừng đối vơi ngành thuỷ sản Hà Tĩnh.

Năm 2010, khai thác thủy sản ở Hà Tĩnh gặp không ít khó khăn do thời tiết bất ổn, giá cả lạm phát, xăng dầu tăng giá… Thế nhưng, sự năng động, chịu khó bám biển của ngư dân đã cho sản lượng khai thác như mong muốn. Điều đó được ngư dân thể hiện bằng việc mạnh dạn đầu tư cải hoán tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho khai thác thủy sản.

Đặc biệt, gần đây, nhờ chịu khó tham quan, học hỏi ngư dân đã du nhập về nhiều loại hình đánh bắt thủy sản mới mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, nghề chụp mực bốn tăng gông, nghề bóng mực xếp, câu khơi mang lại hiệu quả cho những tàu có công suất trên 30 CV. Ngoài ra, công nghệ khai thác cũng được cải tiến, bắt đầu từ lưới rê cá trích, đến nay đã cải tiến thành nhiều loại lưới rê khác nhau để khai thác theo mùa vụ với đối tượng như: rê mực, rê ghẹ, rê cá chim, rê cá thu…

Ngư dân Thạch Kim (Lộc Hà) được mùa cá cơm
Ngư dân Thạch Kim (Lộc Hà) được mùa cá cơm

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về việc đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên biển được nâng lên. Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị được quan tâm. Đến nay, 100% tàu cá ở Hà Tĩnh được trang bị radio, 40% trang bị phao cứu sinh…

Mặt khác, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh đã thường xuyên bám sát cơ sở, theo dõi diễn biến ngư trường để tham mưu cho các cấp chính quyền chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác; đồng thời tìm hiểu, nắm bắt một số nghề khai thác có hiệu quả kinh tế cao của các tỉnh bạn để liên kết triển khai các mô hình cho ngư dân. Trong năm 2010 vừa qua, đơn vị đã phối hợp với Bộ đội biên phòng, các xã ven biển xây dựng nhiều tổ đội sản xuất trên biển. Đây là cách làm hay để các tàu thuyền hỗ trợ lẫn nhau lúc gặp khó khăn, hoạn nạn trên biển cũng như phát triển sản xuất nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.

Vụ cá Bắc năm 2009 – 2010, ngư dân ra khơi bám biển khai thác đánh bắt hải sản dài ngày. Trong đó có khoảng 85% tàu cá được huy động sản xuất trên biển từ 20 - 21 ngày/tháng. Đầu năm, tại một số vùng biển ngang Xuân Hội (Nghi Xuân), Thạch Kim (Lộc Hà), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) xuất hiện nhiều đối tượng thuỷ sản với mật độ khá dày tại tuyến lộng và tuyến bờ như: cá hồng, cá hố, tôm sắt, mực, cá chim... Nhờ đó, hiệu quả khai thác cho nghề rê, câu, vây của ngư dân tăng lên đáng kể. Ngoài ra, sự xuất hiện sớm của sứa biển cũng đã mang lại thu nhập cao cho người dân vùng ven biển.

Vào cuối vụ cá Nam, ngư trường nguồn lợi tương đối ổn định, đặc biệt xuất hiện mực và một số loài thủy sản với mật độ khá dày tại vùng lộng và vùng khơi như: cá hồng, cá hố, cá chim… mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân. Tổng sản lượng khai thác thủy sản trong năm 2010 đạt 23.600 tấn, trị giá trên 550 tỷ đồng. Các tháng đầu năm 2011, sản lượng thủy sản cũng đạt xấp xỉ 4.000 tấn, mang nguồn thu nhập từ nghề khai thác cho ngư dân.

Kết quả của năm 2010 chính là động lực thúc đẩy nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững, đảm bảo an toàn và tàu cá hoạt động trên biển cho kế hoạch giai đoạn 2010 – 2015 và định năm 2020. Tuy nhiên, nghề khai thác thủy sản ở Hà Tĩnh còn nhiều bất cập, khai thác chưa đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Mặt khác, mật độ khai thác tại vùng ven bờ cao, tình trạng vi phạm về khai thác thủy sản vẫn còn.

Để duy trì, gìn giữ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần phải tổ chức khai thác hợp lý, cơ cấu lại đội tàu, có chính sách nâng cao năng lực đội ngũ lao động nghề cá; bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong cộng đồng ngư dân và mọi tầng lớp trong xã hội.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh Trần Xuân Hoàng, để mục tiêu đến năm 2015 đạt sản lượng 25 ngàn tấn thì cần tăng cường quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ tỉnh đến huyện, xã; giảm dần loại tàu có công suất dưới 20 CV, đồng thời phát triển tàu có công suất từ 30CV trở lên.

Ngoài ra, hơn 50% số lượng tàu khai thác xa bờ và khai thác vùng lộng cần tham gia vào các tổ, đội, HTX khai thác để hỗ trợ nhau trong sản xuất và đảm bảo an toàn trên biển, cũng như tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa các hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản làm ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi…

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên còn cần sự quan tâm của tỉnh về chính sách hỗ trợ vốn nâng cấp tàu thuyền; kinh phí đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ lao động trên tàu và hỗ trợ trong việc ứng dụng công nghệ mới vào khai thác thủy sản.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast