Tập trung quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu tiêm phòng vụ đông!

Mỗi năm hai đợt (vụ xuân và vụ đông), đàn gia súc, gia cầm ở Hà Tĩnh nghiễm nhiên được tiêm vắc xin để phòng ngừa dịch bệnh. Nhưng, năm nào cũng vậy, xuân qua, đông tới, kết quả thu về chẳng bao giờ làm giới chuyên môn hài lòng. Đợt tiêm phòng vụ đông năm nay lại thêm một lần khẳng định: tiêm vắc xin phòng dịch vẫn chỉ là "biết rồi, khổ lắm nói mãi!"

Tổng hợp mới nhất từ Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho thấy, đến thời điểm này, mặc dù thời hạn tiêm phòng đối với đàn gia súc đã hết cách đây hơn một tháng nhưng số lượng đạt được đối với mũi vắc xin LMLM trâu bò chỉ là 154.257 con (đạt 79%), vắc xin tụ huyết trùng trâu bò 13.956 con (đạt 67%), vắc xin dịch tả lợn 110.771 con (đạt 47,5%), vắc xin tụ huyết trùng lợn 94.789 con (đạt 40,6%).

Sau 2 trận lũ trong tháng 10 vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên xuất hiện dịch cúm gia cầm lẫn dịch LMLM gia súc
Sau 2 trận lũ trong tháng 10 vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên xuất hiện dịch cúm gia cầm lẫn dịch LMLM gia súc

Điều buồn hơn nữa là cho đến thời điểm này, ở nhiều địa phương vẫn còn không ít xã/phường/thị trấn chưa tiến hành tiêm một số loại vắc xin bắt buộc. Cụ thể: vắc xin LMLM trâu bò còn 22 xã chưa tiêm (Lộc Hà: 2 xã, Cẩm Xuyên: 4 xã, Can Lộc: 18 xã), vắc xin dịch tả lợn còn 15 xã chưa tiêm (Lộc Hà: 2 xã, Đức Thọ: 2 xã, Thạch Hà: 11 xã), vắc xin tụ huyết trùng lợn còn 12 xã chưa tiêm (Lộc Hà: 2 xã, Can Lộc: 6 xã và Thạch Hà: 4 xã).

Đối với đàn gia cầm, năm nay, do trục trặc từ nguồn cung vắc xin nên Cục Thú y trung ương (Bộ NN&PTNT) đã quyết định lùi thời hạn tiêm một tháng (từ tháng 10 sang tháng 11). Quyết định tưởng như có lợi cho Hà Tĩnh do tháng 10 vừa qua liên lục phải gánh chịu các trận lũ lịch sử, thế nhưng, kết quả đến nay vẫn chưa làm ngành nông nghiệp hài lòng: vắc xin cúm gia cầm cho gà tiêm được 1,038 triệu con (đạt 58%) và cho vịt tiêm được 582.026 con (đạt 62,2%).

Mặc dù một số huyện có tỷ lệ tiêm cho đàn gia cầm đạt khá nhưng vẫn có những xã trong đó lại chưa tiến hành tiêm một mũi nào; chẳng hạn như Vũ Quang, tỷ lệ tiêm cho đàn gà đã đạt 126,19% nhưng địa phương này vẫn còn 3 xã chưa ra quân. Theo ngành chủ quản, cũng như đàn gia súc, đến nay, vẫn còn 54 xã ở 8 huyện chưa ra quân tiêm tiêm cho đàn gia cầm, trong đó, nhiều nhất là Hương Khê (13 xã), Can Lộc (12 xã), Đức Thọ (9 xã), Thạch Hà (6 xã)…

Nguyên nhân? Vẫn như nhiều năm, yếu tố chi phối đầu tiên dẫn đến tỷ lệ tiêm các mũi vắc xin đạt thấp là thời tiết diễn biến phức tạp, thời gian triển khai tiêm phòng thường trùng với mùa mưa bão. Thứ đến là do thời điểm ra quân tiêm phòng trùng với thu hoạch lúa hè thu – mùa và chuẩn bị triển khai sản xuất vụ đông. Nhưng nguyên nhân quyết định hơn cả vẫn là nhận thức của cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương, đặc biệt là các chủ hộ chăn nuôi còn hạn chế dẫn đến chủ quan, khinh suất vai trò của tiêm phòng đối với công tác phòng ngừa dịch bệnh từ xa.

Đã nhiều năm nay, hầu như năm nào trên địa bàn Hà Tĩnh cũng có sự hiện diện của các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm gia cầm ở vịt, “tai xanh” ở lợn, LMLM ở trâu bò, tụ huyết trùng trâu bò…, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi nói chung và thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi nói riêng. Và, sau mỗi đợt dịch lớn, chính quyền lẫn ngành chuyên môn cơ sở và các hộ nuôi đều rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quý giá đó là phải tiêm phòng các mũi vắc xin bắt buộc. Nhưng thực tế công tác triển khai tiêm phòng lại cho thấy, nói là một chuyện còn làm lại là chuyện khác.

Trở lại với tình hình dịch bệnh đầu vụ đông đến nay ở Hà Tĩnh. Sau mỗi trận lũ lịch sử trong tháng 10 vừa qua, dịch bệnh đều tức thì xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm ở các huyện Cẩm Xuyên (cúm gia cầm và LMLM), Thạch Hà (LMLM), Can Lộc (LMLM), Kỳ Anh (LMLM). Đi sâu phân tích mới thấy, bênh cạnh yếu tố khách quan do môi trường sau lũ bị ô nhiễm thì yếu tố quyết định vẫn là do gia súc, gia cầm chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Muộn còn hơn không! Vào lúc này, các địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin cho đàn gia súc còn đạt tỷ lệ thấp (Hương Khê, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh) cần tiến hành rà soát lại để tiếp tục tiêm cho các đối tượng còn lại nhằm đảm bảo năng lực chống chọi với dịch bệnh trong mùa đông tới. Đối với đàn gia cầm, chỉ còn hơn một tuần nữa là hết thời hạn tiêm phòng (trong tháng 11) nên các huyện, thành, thị cần tập trung quyết liệt để hoàn thành tiêm 100% mũi vắc xin H5N1 cho cả đàn gà lẫn đàn vịt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast