Tập trung triển khai dự án nâng cấp đê La Giang đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng kỹ thuật

Đê La Giang là trọng điểm số một trong chiến lược phòng chống lũ, lụt của Hà Tĩnh, bảo vệ cho trên 20 vạn dân, 35.000 ha đất canh tác và nhiều cơ sở kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng quốc gia và quốc tế. Sự hiện diện của nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội của một vùng dân cư rộng lớn. Một dự án nâng cấp tuyến đê này lên tới hơn 967 tỷ đồng sẽ được khởi công xây dựng vào ngày 17-12-2009.

Khoan thăm dò địa chất đê La Giang - Ảnh: Tất Thắng.
Khoan thăm dò địa chất đê La Giang - Ảnh: Tất Thắng.

Đê La Giang được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế nghèo nàn và khoa học công nghệ thấp kém. Mặt khác, vào thời điểm đó, ở thượng nguồn Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Ngàn Cả còn là những cánh rừng đại ngàn trùng điệp. Thiên tai, lũ lụt chưa xẩy ra ác liệt như hiện nay. Càng về sau, rừng càng bị suy thoái, thời tiết diễn biến phức tạp theo xu thế xấu hơn, lũ lụt ngày càng gia tăng nên đê La Giang hàng năm phải tôn cao, mở rộng để đủ sức chống đỡ với thiên tai, lũ lụt ngày càng khắc nghiệt hơn.

Dưới cách nhìn của KHKT thủy lợi, chúng ta thấy rằng, men theo bờ hữu sông La với chiều dài hơn 19 km, tuyến đê đi qua nhiều vùng địa chất bất lợi mà chủ yếu nền cát thô có độ thấm cao, tạo nên những bãi sủi như ở Tùng Ảnh, thị trấn Đức Thọ, Yên Hồ... và vùng nền đất sét mềm yếu gây nên nứt gãy, lút sụt, điển hình là sự cố cung trượt sâu vào tháng 5-1997 tại đoạn đê Bấn - Hồng Lĩnh.

Mặc dù năm nào cũng được đầu tư tu bổ nhưng hiện nay, mặt cắt đê vẫn chưa bảo đảm, các cống dưới đê đa số còn ngắn và nhỏ tạo nên thu hẹp mặt cắt ngang thân đê, địa chất thân đê không đồng đều cộng với sự biến đổi dòng chảy trên sông có nhiều đoạn chủ lưu áp suất vào bờ gây nên xói lở chân đê, hệ thống giao thông ứng cứu hộ đê chưa hoàn chỉnh, công trình quản lý còn sơ sài... Tất cả những khuyết tật đó ẩn chứa nhiều nguy cơ đe dọa sự an toàn của tuyến đê.

Với những cảnh báo và kịch bản khoa học tin cậy, việc nâng cấp đê La Giang để bảo đảm độ an toàn phòng chống lũ lụt là một việc làm hết sức cần thiết. Mặt khác, tuyến đê La Giang còn có mối tương quan với tuyến đê Tả Lam Nghệ An, vì đây là 2 tuyến đê có vị trí chiến lược như nhau, cùng chịu tác động của lưu vực sông Cả trong mùa mưa lũ nên việc nâng cấp đê La Giang hiện nay là một đòi hỏi khách quan để bảo đảm sự an toàn.

Chính vì các nội dung trên mà Bộ NN -PTNT đã có quyết định về việc xác định đầu tư nâng cao mở rộng đê La Giang với mức nước thiết kế ứng với mức nước lũ tần suất P =1%. Đây là một chỉ tiêu kỹ thuật quyết định quy mô của tuyến đê La Giang, từ đó các nhà tư vấn đã tính toán cao trình khống chế, mặt cắt thân đê. Đặc biệt là cơ đê phía cánh đồng có đủ chiều rộng cho 2 làn xe, được gia cố mặt cơ bằng bê tông M350 có độ dày 0,23m, cùng với nâng cấp 7 tuyến đường thi công tạo nên một mạng lưới giao thông ứng cứu hộ đê và phục vụ dân sinh hoàn chỉnh.

Dự án còn đề cập đến nâng cấp các hệ thống kè, mỏ hàn, sửa chữa và làm lại một số cống dưới đê, các đường gối đầu thân đê phục vụ cho nhân dân đi lại lên xuống thuận tiện. Đồng thời xây dựng khu vực nhà quản lý, các điếm canh đê kèm theo các trang thiết bị phục vụ cho công tác chỉ huy điều hành và quản lý đê điều với tổng khối lượng đất đào đắp lên tới gần 1.800.000m3, bê tông các loại hơn 72.000m3 cùng với các vật tư, vật liệu kỹ thuật, đưa tổng mức đầu tư lên tới 967.437 triệu đồng, công trình được khởi công xây dựng vào ngày 17-12-2009.

Đây là một công trình có quy mô và mức đầu tư lớn, giải đáp một cách triệt để các nội dung kinh tế kỹ thuật nhằm đảm bảo sự an toàn, bền vững cho công trình trọng điểm số 1 trong lĩnh vực phòng chống lũ, lụt tỉnh nhà. Mặt khác, một khi công trình hoàn thành sẽ tạo nên một cảnh quan tươi đẹp, hài hòa, là một nét đẹp văn hóa của miền quê địa linh nhân kiệt và dòng sông La thơ mộng đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa dân gian.

Dự án nâng cấp tuyến đê La Giang là nguyện vọng thiết tha, không chỉ của cộng đông dân cư vùng hưởng lợi mà còn của cả Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Trước mắt, chúng ta cần tập trung giải quyết một số nội dung chủ yếu sau đây: Cần có sự tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị để thực hiện nội dung GPMB, đền bù, TĐC để tạo điều kiện cho các nhà thầu triển khai xây dựng. Chăm lo giáo dục cộng đồng, giữ gìn an ninh, TTXH, đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện chức năng giám sát cộng đồng với ý thức trách nhiệm cao, giữ gìn mối quan hệ tốt giữa các đơn vị thi công và nhân dân vùng xây dựng dự án.

Với tư cách là chủ đầu tư cần thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy phạm về kinh tế kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu tư vấn và xây dựng triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng kỹ thuật và hồ sơ thiết kế được phê duyệt, từng bước đưa công trình vào khai thác sử dụng có hiệu quả, đáp ứng sự nghiệp phòng, chống lụt, bão của tỉnh nhà.

(Chi cục QLĐĐ và PCLB Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast