Thạch Môn chuyên canh sản xuất rau màu

Thạch Môn là xã thuộc vùng phụ cận TP Hà Tĩnh có diện tích đất trồng màu khá lớn. Những năm qua, xã đã xác định thực hiện việc quy hoạch thành vùng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa phục vụ thị trường TP Hà Tĩnh.

Không chỉ có địa hình bằng phẳng, các yếu tố về vi lượng khoáng chất, độ ẩm đảm bảo, hơn 60 ha đất trồng rau màu được tập trung tại vùng trung tâm của cả 4 thôn. Đây là một sự ưu đãi không thể tốt hơn của thiên nhiên dành cho một xã phụ cần thành phố như Thạch Môn trong việc quy hoạch vùng sản xuất cây rau màu hàng hóa.

Bà con nông dân thôn Thanh Tiến (Thạch Môn) làm đất trồng rau màu vụ đông.
Bà con nông dân thôn Thanh Tiến (Thạch Môn) làm đất trồng rau màu vụ đông.

Là một xã thuần nông, khi được chọn làm điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố, trong đề án phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, bên cạnh tập trung phát triển cây lúa chất lượng cao, Thạch Môn đã cơ cấu vùng sản xuất rau màu thành một điểm nhấn quan trọng. Qua nhiều vụ sản xuất, đặc biệt là sản xuất vụ đông, xã đã lựa chọn và cơ cấu các loại rau có năng suất và chất lượng cao như: bắp cải, súp lơ, su hào, dưa hấu, hoa ly, hoa cúc phục vụ tết. Những năm qua, các loại cây trồng này đã cho thu nhập bình quân từ 70-80 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Môn thì, mặc dù có lợi thế về địa hình và các điều kiện canh tác, nhưng vùng trồng rau màu của Thạch Môn lâu nay vẫn đang trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa. Để góp phần đẩy nhanh việc thực hiện đề án sản xuất, Thạch Môn đã tiến hành tổ chức quy hoạch lại đồng màu với việc chuyển đổi, tích tụ diện tích đất, giảm số thửa để đảm bảo mỗi thửa đất trồng đạt từ 500m2 trở lên; mỗi hộ chỉ canh tác trên 1-2 thửa. Theo đó giảm dần số lao động trực tiếp sản xuất, từng bước thực hiện chuyên môn hóa việc sản xuất rau màu hàng hóa, nâng cao hiệu quả thu nhập cho nhân dân.

Sau hơn 1 tháng tiến hành quy hoạch, tuyên truyền, vận động nhân dân và tổ chức triển khai ra quân thực hiện trên thực địa, đến nay trên 40 ha đất trồng rau màu hàng hóa đã được quy hoạch và chuyển đổi đảm bảo yêu cầu. Cùng với thực hiện quy hoạch đất, xã đã phối hợp tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau màu hàng hóa cho bà con nông dân.

Với hàng ngàn ngày công được huy động trong nhân dân, 10 km đường nội đồng có chiều rộng 1,5m đã được nâng cấp lên 4-6m; 5 km kênh mương được nâng cấp và làm mới đang có kế hoạch cứng hóa; hàng chục cầu cống lớn nhỏ được xây lắp, với tổng kinh phí đạt gần 1 tỷ đồng. Hiện các hộ dân đã bốc thăm xong diện tích của mình và đang tích cực làm đất. Riêng xóm Thanh Tiến đã xuống giống được 4,5 ha cải bắp. Các hộ dân trồng hoa ly và một số loại hoa khác ở xóm Quyết Tiến cũng đã xuống giống hết diện tích.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình chuyển đổi từ nền sản xuất nhỏ lẻ lên một trình độ sản xuất cao hơn theo hình thức chuyên môn hóa, Thạch Môn vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cùng với toàn bộ số kinh phí quy hoạch chuyển đổi chưa được sự hỗ trợ của thành phố và tỉnh, xã đang gặp phải những vướng mắc ngay từ phía người dân. Trong khi phần lớn các hộ sản xuất đồng tình ủng hộ và phấn khởi an tâm sản xuất thì một số hộ vẫn chưa thoát ra được tập tục sản xuất nhỏ lẻ, được chăng hay chớ, ngại đầu tư cho sản xuất lớn. Nhiều hộ nhận đất rồi bỏ trống để đi làm công ở các địa phương khác, hoặc gieo trồng những giống cây truyền thống không tuân thủ theo cơ cấu cây trồng của địa phương...

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên theo chúng tôi, sự lựa chọn điểm nhấn trong cơ cấu sản xuất dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương để sớm tạo ra sản phẩm hàng hóa ở xã Thạch Môn là một yêu cầu tất yếu. Và như vậy, có thể coi đây là kết quả bước đầu vừa có tính nền tảng, vừa là động lực quan trọng để Thạch Môn triển khai thực hiện thành công đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast