Tháo vòng kiềm tỏa lãi suất

Với Thông tư số 07/2010 Ngân hàng Nhà nước ban hành chiều 26-2, ngân hàng và khách hàng được quyền thỏa thuận lãi suất cho vay tiền đồng theo cung cầu thị trường, thay vì bị khống chế bởi mức trần như trước đây.

Theo thông tư này, ngân hàng được phép áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận với các khách hàng vay trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển. Cơ chế này cũng áp dụng với các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để trực tiếp phục vụ đời sống của cá nhân và hộ gia đình của khách hàng vay; các hoạt động cho vay tiêu dùng thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

Ngân hàng có trách nhiệm xác định và kiểm soát giới hạn tín dụng với khách hàng và lĩnh vực cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, định kỳ hằng tháng, ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nước về cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận.

Thông tư 07 có hiệu lực từ ngày ký, đồng nghĩa với việc các quy định về lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực. Đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành thì ngân hàng và khách hàng vay tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hoặc hai bên thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng phù hợp với quy định.

Thông tư mới sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn trong việc ấn định lãi suất kinh doanh, song cũng làm dấy lên mối lo cho vay nặng lãi nếu không kiểm soát tốt. Ảnh: Hoàng Hà

Thông tư mới sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn trong việc ấn định lãi suất kinh doanh, song cũng làm dấy lên mối lo cho vay nặng lãi nếu không kiểm soát tốt.

Ảnh: Hoàng Hà

Trước đây, ngân hàng chỉ được phép áp dụng lãi suất thỏa thuận với các khoản vay tiêu dùng. Trường hợp khách hàng vay trung, dài hạn để đầu tư sản xuất kinh doanh, ngân hàng phải áp lãi suất không quá 150% so với lãi suất cơ bản (hiện là 8% một năm). Tuy nhiên, trên thực tế do thiếu vốn và phải huy động với chi phí cao, các ngân hàng đều tìm cách lách luật, cộng thêm phí, đẩy lãi suất doanh nghiệp thực trả cao hơn nhiều so với trần 12% một năm.

Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng quyết định cho phép áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận là điều được lường trước và là giải pháp hợp lý để giải quyết tình trạng "tù mù" về lãi suất hiện nay. "Khi chưa cho họ thỏa thuận, họ tự áp lãi suất cao mà mình cũng không kiểm soát được. Quyết định này sẽ giúp hình thành mặt bằng lãi suất sát với cung cầu về vốn", ông nói thêm.

Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Kiêm thừa nhận quyết định mới bước đầu sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi chi phí vốn sẽ tăng lên và cũng ít nhiều kích thích lạm phát. Tuy nhiên, theo ông doanh nghiệp cũng cần vì lợi ích chung, thỏa thuận lãi suất sẽ giúp khai thông tình trạng trì trệ trên thị trường vốn hiện nay. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có những giải pháp điều chỉnh hợp lý để chống tình trạng cho vay nặng lãi.

"Cho áp dụng cơ chế thỏa thuận mới là định hướng, Ngân hàng Nhà nước có lẽ sẽ có van khống chế. Nhưng cứ để các ngân hàng triển khai đã và để hình thành mặt bằng lãi suất cho đúng với cung cầu thị trường, khi đó cơ quan quản lý sẽ biết cần khống chế cái gì, điều chỉnh cái gì. Chứ không nên áp ngay barrier", ông Kiêm nói thêm.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast