Thiếu vốn – bài toán khó cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

Nghị định 41, Quyết định 63 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là “đòn bẩy” cho hàng ngàn hộ kinh tế cá thể cũng như tập thể. Thế nhưng đã hơn 1 năm triển khai thực hiện, số HTX hay chủ trang trại tiếp cận được nguồn vay từ các ngân hàng còn hết sức hạn chế. Đây là một trong những lực cản ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của HTX cũng như các hộ cá thể trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo nền tảng xây dựng NTM.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập,tạo nền tảng xây dựng NTM bền vững

>Kinh tế HTX – yêu cầu khách quan của phát triển sản xuất trong xây dựng NTM

Khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn

Được thành lập từ năm 2003, HTX kinh doanh dịch vụ hải sản đông lạnh Hùng Mạnh (Thạch Kim – Lộc Hà) có 20 xã viên đại diện cho 10 hộ gia đình, vốn điều lệ ban đầu do các xã viên HTX đóng góp là 200 triệu đồng. Trên cơ sở chủ động nguồn hàng đồng thời có các chiến lược kinh doanh hợp lý, chỉ trong một thời gian ngắn, HTX Hùng Mạnh đã tạo nên một thị trường sôi động về thu mua và chế biến thuỷ hải sản ở xã Thạch Kim, thu hút hàng trăm lao động vệ tinh. Năm 2010, lượng hàng hải sản thu mua, trao đổi của HTX lên tới 2.000 tấn với tổng doanh thu 4 tỷ đồng, nộp thuế Nhà nước hơn 100 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động với mức lương bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Để chuyển ra địa điểm mới đáp ứng yêu cầu phát triển SXKD, ngoài nguồn nội lực, HTX Hùng Mạnh đang rất cần sự hỗ trợ từ các nguồn vốn ưu đãi

Để chuyển ra địa điểm mới đáp ứng yêu cầu phát triển SXKD, ngoài nguồn nội lực, HTX Hùng Mạnh đang rất cần sự hỗ trợ từ các nguồn vốn ưu đãi

Với thương hiệu HTX mạnh của tỉnh nhưng hơn 1 năm qua Ban quản trị HTX Hùng Mạnh chạy đôn chạy đáo từ huyện lên tỉnh vẫn chưa vay được vốn để phát triển kinh doanh. Ông Phùng Văn Hòa – Chủ nhiệm HTX Hùng Mạnh cho biết: “Do địa điểm hiện tại chật hẹp không còn đáp ứng được nhu cầu kinh doanh nên chúng tôi đã lập dự án thuê đất tại địa điểm mới. Tổng mức đầu tư xây dựng nhà xưởng và lắp đặt các thiết bị kho đông lạnh tại địa điểm mới hết khoảng 7 tỷ đồng. Bằng nguồn nội lực của các xã viên đóng góp cộng với “cắm” 5 bìa đỏ tại ngân hàng nông nghiệp huyện chúng tôi đã giải quyết được hơn 50% vốn. Chúng tôi muốn được vay thêm 500 triệu bằng tín chấp (theo Nghị định 41) nhưng đi hết ngân hàng này đến ngân hàng khác đều bị từ chối, nói không có nguồn”

Sau 4 năm thành lập, HTX TTCN & DVTM Cẩm Thành đã đứng vào tốp đầu trong các HTX của tỉnh. Từ nguồn vốn ban đầu 40 triệu đóng góp của 22 xã viên đến nay HTX đã có cơ ngơi trụ sở, nhà kho và ki ốt dịch vụ trị giá hơn 1 tỷ đồng. HTX đã mạnh dạn du nhập các nghề mới như may bóng, trồng nấm rơm tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các xã viên và 250 lao động vệ tinh. Để phát triển kinh doanh, nâng cao thu nhập cho các xã viên, vừa qua, ban quản trị HTX phải thế chấp 2.000 m2 đất chỉ vay được 200 triệu đồng với lãi suất 1,98 %. “Để vay được từng ấy tiền chúng tôi phải làm đến 23 bộ giấy tờ, thủ tục và phải lên ngân hàng hàng chục chuyến và gần 1 tháng mới giải quyết xong. Nguyện vọng vay theo Nghị định 41 (vay tối đa 500 triệu không phải thế chấp) của chúng tôi đã bị các ngân hàng từ chối’ – bà Nguyễn Thị Nhâm – Chủ nhiệm HTX bày tỏ bức xúc.

Ông Nguyễn Trình – một hộ dân trồng hoa ly ở xã Thạch Môn (Thạch Hà) chỉ dám đề đạt nguyện vọng vay 20 triệu để mua giống hoa ly và phân bón chuẩn bị cho dịp tết sắp tới. Tuy nhiên, nguyện vọng của ông bị cán bộ tín dụng từ chối vì …đầu tư cho lĩnh vực này không an toàn?! Mặc dù, ông Trình khẳng định việc trồng hoa ly của gia đình ông mấy năm trước đây đã có hiệu quả kinh tế. Sau 3 tháng, từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch (dịp tết), trừ hết chi phí sẽ có lãi ròng 20-25 triệu đồng. “Nguy cơ 500 m2 đất và hệ thống nhà lưới phải bỏ hoang là rất lớn vì không có vốn” – ông Trình buồn bã cho biết.

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh hiện tại có 114 HTX trong toàn tỉnh đã đăng ký vay tổng số vốn hơn 70 tỷ đồng từ các nguồn ưu đãi, hỗ trợ theo Quyết định 63 và Nghị định 41. Tuy nhiên, đến nay hầu như chưa HTX nào tiếp cận được các nguồn vốn trên.

Chưa đủ “tín” để “chấp”?

Ông Nguyễn Trọng Quế - Chủ tịch Liên minh HTX cho biết: “Trên thực tế nhiều chính sách của nhà nước, của tỉnh ban hành đối với hợp tác xã như: Khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, KHCN, xúc tiến thương mại, sản xuất giống, chế biến sản phẩm sau thu hoạch … chưa được thực hiện đầy đủ, thể hiện ở việc bố trí ngân sách hàng năm cả trung ương và địa phương cho những chính sách này quá nhỏ bé, tuy có danh mục đầu tư nhưng về mặt số lượng thì không đáng kể. Từ năm 2008 đến tháng 6/2011 trung ương, tỉnh mới hỗ trợ khu vực HTX với tổng số vốn hơn 14 tỷ đồng”

Ông Nguyễn Trình – một hộ dân trồng hoa ly ở xã Thạch Môn buồn bã đứng nhìn ruộng đất và hệ thống nhà lưới bỏ hoang vì không có vốn
Ông Nguyễn Trình – một hộ dân trồng hoa ly ở xã Thạch Môn buồn bã đứng nhìn ruộng đất và hệ thống nhà lưới bỏ hoang vì không có vốn

Giải thích lý do vì sao các HTX, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ, một số ngân hàng trên địa bàn cho rằng: “Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn được ban hành trong thời điểm lạm phát kinh tế. Nguồn vốn có những thời điểm khan hiểm, có lúc lãi suất cho vay lại quá cao nên các tổ chức, cá nhân khó tiếp cận nguồn vốn. Một nguyên nhân quan trọng nữa là công ác điều hành về lĩnh vực vốn, đặc biệt là xây dựng phương án SXKD của các HTX còn hạn chế. Thực tế hiện nay, dư nợ tín dụng các ngân hàng trên lĩnh vực kinh tế hợp tác và HTX còn nhỏ bé”.

“Mức tín nhiệm của các ngân hàng đối với HTX (đặc biệt là HTX nông nghiệp) không cao. Mặc dù không cần thế chấp nhưng muốn vay được vốn HTX phải có tài sản nhất định để ký gởi đảm bảo cho nguồn vốnvay. Thực tế, hầu hết các HTX vốn không nhiều và tài sản thì không lớn” một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại thẳng thắn cho biết.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự là cơ hội “vàng” cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để biến cơ hội ấy thành hiện thực, Chính phủ, tỉnh cần có kế hoạch bố trí một khoản ngân sách thoả đáng dành cho khu vực kinh tế tập thể, chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng tích cực tham gia cho vay vốn đối với HTX, chủ trang trại để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phụ vụ sản xuất chế biến, cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngân hàng được phép xem xét cho vay không có đảm bảo bằng tài sản thế chấp với hạn mức tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông lâm ngư diêm nghiệp và 200 triệu đối với hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề, làm dịch vụ nông nghiệp, nông thôn. Riêng đối với HTX và trang trại có thể được vay tối đa lên đến 500 triệu đồngmà không cần tài sản thế chấp.

Quyết định 63 của Chính phủ hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các khoản vay dài hạn của tổ chức, cá nhân qua hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast