Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch "tai xanh" ở lợn và công tác tiêm vắc xin đợt 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn vừa ký Công điện số 12/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch "tai xanh" ở lợn và công tác tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2011.

Công điện nêu rõ, hiện nay, dịch "tai xanh" ở lợn đã xảy ra tại một số địa phương thuộc các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị và đang diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng lây lan, bùng phát mạnh. Đặc biệt, Nghệ An là tỉnh liền kề với Hà Tĩnh, thời gian qua số lợn con từ huyện Yên Thành (Nghệ An) - nơi dịch đang bùng phát mạnh nhập vào tỉnh ta để chăn nuôi là rất lớn, song, kết quả tiêm các mũi vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn (đợt 1/2011) tại nhiều địa phương còn rất thấp, nhất là chưa tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh "tai xanh" cho lợn nên nguy cơ dịch lây lan và bùng phát sang Hà Tĩnh trong thời gian tới là rất cao.

Tiêm phòng các loại vắc xin triệt để cho đàn lợn là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh "tai xanh"
Tiêm phòng các loại vắc xin triệt để cho đàn lợn là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh "tai xanh"

Để chủ động phòng, chống dịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành chăn nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ và địa bàn cụ thể cho các thành viên BCĐ phòng, chống dịch gia súc, gia cầm; tăng cường công tác tuyên truyền thông qua hệ thống PT-TH, hội họp để thông báo tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch "tai xanh" ở lợn.

Cùng đó, UBND các địa phương cần tập trung chỉ đạo tiêm phòng các loại vắc xin triệt để cho đàn lợn theo Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 21/02/2011 của UBND tỉnh, trong đó đối với lợn tiêm phòng các loại vắc xin như: "tai xanh", dịch tả, tụ huyết trùng. Đối với vắc xin phòng bệnh LMLM gia súc, do hiện nay chưa có vắc xin từ Chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM gia súc nên các địa phương phải trích ngân sách để mua vắc xin tiêm phòng kịp thời (kinh phí mua vắc xin và chi phí vận chuyển, bảo quản, in ấn giấy chứng nhận tiêm phòng theo hướng: ngân sách tỉnh cấp 50%, ngân sách huyện, thành phố, thị xã cấp 50% gồm cả vùng khống chế và vùng đệm.

Công điện cũng yêu cầu UBND các huyện, thành, thị cần tổ chức đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và các khu vực có nguy cơ phát dịch cao; tăng cường công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch kịp thời, tuyệt đối không được giấu dịch, đồng thời giao trách nhiệm giám sát dịch bệnh cho chính quyền cấp xã, trưởng thôn và trưởng ban chăn nuôi - thú y cơ sở; vận động các tổ chức đoàn thể và người chăn nuôi cùng tham gia công tác giám sát dịch; quy rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp giấu dịch, báo cáo dịch chậm, để dịch xảy ra và làm lây lan dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ việc nhập gia súc, gia cầm giống vào địa bàn.

Khẩn trương lập các chốt kiểm dịch trên tuyến QL 1A và các tuyến giao thông trọng yếu giáp giới với vùng dịch Nghệ An nhằm kiểm soát gia súc và tiêu độc phương tiện ra vào địa bàn
Khẩn trương lập các chốt kiểm dịch trên tuyến QL 1A và các tuyến giao thông trọng yếu giáp giới với vùng dịch Nghệ An nhằm kiểm soát gia súc và tiêu độc phương tiện ra vào địa bàn

Đối với các huyện: Hương Sơn, Đức Thọ và Hương Khê, ngoài thực hiện các nội dung trên, cần thành lập ngay chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông và các đoàn kiểm tra liên ngành để ngăn chặn việc nhập lợn và các sản phẩm từ lợn tại các tỉnh có dịch vào địa bàn và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; khi có dịch xảy ra chỉ đạo các phòng, ban, ngành chức năng thực hiện đồng bộ các biện pháp chống dịch, không để dịch bùng phát, lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, dịch xảy ra tại xã nào, huyện nào thì địa phương đó phải chủ động thực hiện việc tiêu hủy ngay khi dịch mới xuất hiện ở diện hẹp và tổ chức triển khai các biện pháp bao vây, phòng chống; nếu để dịch lây lan sang xã khác, huyện khác thì Chủ tịch UBND xã đó, huyện đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Về phía Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, cần phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả; chỉ đạo Chi cục Thú y hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vật tư, vắc xin, hóa chất đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch, đồng thời tham mưu để thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các chốt kiểm dịch động vật trên tuyến Quốc lộ 1A tại huyện Nghi Xuân và huyện Kỳ Anh.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc các Sở: Y tế, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao, chủ động phối hợp với ngành NN&PTNT trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Các tổ chức, cá nhân khi nhập con giống về trên địa bàn phải có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ, đồng thời phải báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan Thú y để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định; các trường hợp không chấp hành để dịch xảy ra sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Các thành viên BCĐ phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh thường xuyên bám sát địa bàn được phân công để chỉ đạo, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tổng hợp tình hình, báo cáo về Thường trực BCĐ (qua Sở NN&PTNT) để báo cáo UBND tỉnh bổ cứu kịp thời.

Công điện đề nghị UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo và tuyên truyền, vận động các hội viên, người chăn nuôi tự giác tích cực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là đối với công tác tiêm phòng; Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh tăng thời lượng tuyên truyền và chuyên mục về nguy cơ, tác hại, các biện pháp phòng, chống dịch, công tác tiêm vắc xin phòng bệnh để người chăn nuôi biết và chủ động thực hiện một cách có hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast