Tiêm phòng đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm: Chưa đáp ứng yêu cầu đề ra

Mặc dù UBND tỉnh đã có quyết định không hỗ trợ đối với các trường hợp gia súc, gia cầm nhiễm bệnh bị buộc tiêu hủy nếu không tiêm phòng nhưng công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trong thời gian qua chưa có nhiều chuyển biến. Những kết quả bước đầu về công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2010 tiếp tục cho thấy, nếu chính quyền cơ sở không kiên quyết chỉ đạo và người dân không tự giác chấp hành thì hoạt động này sẽ khó đạt yêu cầu đề ra.

Xã Đức La (Đức Thọ) tiêm phòng cho đàn gia súc. Ảnh: Bắc Hạnh
Xã Đức La (Đức Thọ) tiêm phòng cho đàn gia súc. Ảnh: Bắc Hạnh

Theo Chi cục thú y tỉnh, tính đến ngày 2 – 4, toàn tỉnh đã tiêm được 140.022/195.038 liều vắc xin LMLM trâu bò (đạt 71,8%), 118.280/195.038 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò (đạt 60,6%), 4.621/39.257 liều vắc xin LMLM lợn (đạt 11,8%), 76.878/233.211 liều vắc xin dịch tả lợn (đạt 33%), 46.102/233.211 liều vắc xin tụ huyết trùng lợn (đạt 19,2%), 72.313/211.288 liều vắc xin dại chó (đạt 34,2%). Tiêu biểu trong số đó phải kể đến các địa phương như: Hương Sơn, Đức Thọ, thành phố Hà Tĩnh, Lộc Hà…

Tuy nhiên, chiếu theo khung lịch tiêm phòng của UBND tỉnh thì kể như thời hạn tiêm đối với gia súc đã hết nhưng các chỉ tiêu đề ra đều chưa đạt yêu cầu, trong đó, một số chỉ tiêu đối với đàn lợn còn đạt thấp; đặc biệt, vẫn còn 5 xã chưa tiến hành tiêm vắc xin LMLM trâu bò, 10 xã chưa tiêm vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, 83 xã chưa tiêm vắc xin dịch tả lợn, 114 xã chưa tiêm vắc xin tụ huyết trùng lợn, 94 xã chưa tiêm vắc xin dại chó.

Đối với đàn gia cầm, mặc dù theo quy định của UBND tỉnh, phải từ tháng 4 mới tiến hành tiêm nhưng do một số địa phương chủ động triển khai trước lịch hoặc là tiến hành đồng thời với tiêm cho đàn gia súc nên đến thời điểm này đã đạt tỷ lệ khá, cụ thể: đàn gà tiêm được 699.350/1.765.656 liều (đạt 39,61%) và đàn vịt tiêm được 333.935/934.849 liều (đạt 35,72%).

Theo ông Phạm Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, năm nay, công tác tiêm phòng được UBND tỉnh lẫn ngành chuyên môn triển khai rất sớm và tương đối bài bản. Ngoài việc ban hành các chỉ thị về công tác phòng chống bệnh gia súc, gia cầm năm 2010, quyết định giao chỉ tiêu cho các huyện, thành, thị, UBND tỉnh còn tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương tiêm phòng nhưng hoạt động này vẫn chưa thật sự chuyển biến rõ nét.

Qua theo dõi quá trình triển khai ở cơ sở, Chi cục đánh giá dẫn đến tỷ lệ tiêm các loại vắc xin đối với đàn gia súc chưa cao có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Về khách quan là do tập quán chăn nuôi của ta còn nhỏ lẻ, thời gian tiến hành tiêm phòng lại trùng với thời điểm chuẩn bị cho việc đại hội chi bộ, Đảng bộ cơ sở nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng.

Về chủ quan, trước hết là do công tác tuyên truyền chưa được tăng cường, hiệu quả tuyên truyền thấp dẫn đến nhận thức của người chăn nuôi còn hạn chế nên vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là; thứ đến là do ở một số địa phương, chính quyền cấp xã còn xem nhẹ công tác tiêm phòng, chưa xác định được trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo cấp cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thứ nữa là do hệ thống thú y cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng nói riêng, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung; cuối cùng là do công tác quản lý đàn vật nuôi sau tiêm phòng chưa tốt, việc mua bán, vận chuyển gia súc chưa tiêm phòng không nghiêm nên đã để “lọt người lọt tội”.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh, để công tác tiêm phòng đợt 1 về đích đúng kế hoạch và đạt kết quả cao, đòi hỏi chính quyền các huyện, thành, thị cần tiếp tục chỉ đạo mạnh hơn để đẩy nhanh tiến độ vì thời gian không còn nhiều.

Theo đó, chính quyền các cấp cần tăng cường thông tin tuyên truyền sâu rộng gắn với vận động nhân dân tự giác tham gia công tác tiêm phòng; các thành viên BCĐ phòng chống dịch gia súc, gia cầm các cấp phải dành thời gian bám sát địa bàn đã được phân công để đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cơ sở nhằm kịp thời bổ cứu những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai tiêm phòng; UBND, BCĐ phòng chống dịch gia súc, gia cầm cấp huyện, thành, thị cần có biện pháp xử lý đối với những địa phương không tập trung công tác tiêm phòng, nhất là những xã chưa tiến hành tiêm một trong số các loại vắc xin theo quy định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast