Tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 gặp khó vì thiếu vắc xin

Kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm đợt II năm nay đang được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Ngành thú y và nhiều địa phương coi trọng và chuẩn bị tốt cho công tác này. Tuy nhiên, vắc xin LMLM ở gia súc và cúm gia cầm (H5N1) hiện chưa có nên công tác phòng chống các loại dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn!

Theo kế hoạch bắt đầu từ tháng 9 cho đến hết tháng 10, tất cả các địa phương trên toàn tỉnh sẽ tiến hành tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm đợt II năm 2011; trong đó đối với trâu bò tiêm vác xin LMLM, tụ huyết trùng; tiêm vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng và tai xanh cho lợn; vắc xin cúm gia cầm (H5N1).

Thiếu vắc xin làm cho công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 gặp nhiều khó khăn
Thiếu vắc xin làm cho công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 gặp nhiều khó khăn

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, việc triển khai công tác tiêm phòng đang được các địa phương tập trung thực hiện. Hiện nay, hầu hết các xã đã tiến hành nhận vắc xin và đang tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn. Năm nay, thuận lợi nhất đa số người chăn nuôi đã xác định được tiêm phòng là biện pháp chủ động và mang lại hiệu quả cao trong phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Ngoài nâng cao nâng lực lực đội ngũ cán bộ thú y cơ sơ thì vật tư, thiết bị phục vụ cho công tác tiêm phòng được đầu tư đến tận xã. Tất cả các xã đều có tủ lạnh, phích lạnh bảo quản vắc xin, máy phun tiêu độc khử trùng, dung cụ kim tiêm và quần áo bảo hộ...

Cán bộ chi cục thú y tỉnh, huyện bám sát địa bàn hướng dẫn chỉ đạo công tác tiêm phòng, đồng thời cấp phát cho mỗi xã 25 lít hóa chất BENKOCID để tiêu độc khủ trùng nhằm bảo đảm môi trường trước khi tổ chức tiêm phòng.

Để đảm bảo công tác tiêm phòng hiệu quả Chi cục thú y đã tham mưu cho các địa phương tổ chức tiêm phòng theo phương thức “cuốn chiếu”, tức là huy động lực lượng thú y cơ sở từ các xã trong vùng về tập trung tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc gia, cầm ở từng xã một, sau đó đội ngũ thú y này lại tổ chức tiến hành tiêm phòng bệnh gia súc, gia cầm cho xã tiếp theo. Phương thức này vừa rút ngắn được thời gian lại vừa nâng cao được chất lượng tiêm phòng bởi có sự giám sát giữa các xã với nhau..

Vấn đề nan giải hiện nay là các địa phương mới chỉ nhận và tiến hành tiêm vắc xin tụ huyết trùng cho trâu bò và vắc xin dịch tả và tụ huyết trùng cho lợn. Còn 2 loại vắc xin LMLM ở trâu bò và vắc xin cúm gia cầm (H5N1) rất dễ lây lan dịch bệnh lại chưa có làm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tiêm phòng của tỉnh.

Theo ông Trần Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục thú ý Hà Tĩnh thì đây là hai loại vắc xin nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia do T.Ư cấp phát về cho người chăn nuôi. Chi cục thú y tỉnh cũng đã nhiều lần liên hệ với Cục thú y T.Ư nhưng đến nay vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể. Trước khó khăn trên, Chi cục đã tham mưu cho tỉnh mua 10 ngàn liều vắc xin LMLM để các địa phương sớm triển khai tiêm phòng theo kế hoạch, đảm bảo hiệu quả đối với công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc. Tuy nhiên, số lượng vắc xin trên nếu được tỉnh đồng ý thì cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% theo nhu cầu thực tế.

Trong khi đó tình hình dịch bệnh ở gia súc, gia cầm vẫn đang có chiều hướng phức tạp. Đặc biệt 2 tỉnh lân cận Nghệ An và Quảng Trị đang có dịch cúm gia cầm và dịch LMLM ở gia súc chưa qua 21 ngày. Thời tiết hiện đang vào giai đoạn chuyển mùa ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và đây cũng là thời điểm cuối vụ của tiêm phòng đợt 1 nên một số vật nuôi đã hết thời gian miễn dịch. Mặt khác, các hoạt động buôn bán vận chuyển giết mổ gia súc gia cầm từ nay cho đến cuối năm sẽ tăng cao. Vì vậy,công tác phòng bệnh cho gia súc gia cầm hiện nay là hết sức cấp bách.

Hiện chưa có hai loại vắc xin trên để tiêm phòng trong thời điểm này đã làm ảnh hưỏng lớn đến công tác tổ chức tiêm phòng của các địa phương. Mỗi lần tổ chức tiêm phòng rất tốn kém và cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, tỉnh cũng cần có giải pháp để sớm cung ứng kịp thời một số lượng vắc xin LMLM cho gia súc và vắc xin cúm gia cầm để công tác này đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trước mắt các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền truyền về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận người dân; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển,buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc nhập gia súc, gia cầm từ các tỉnh khác về; tổ chức nhiều đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và các khu vực có nguy cơ phát dịch cao…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast