Tiến độ tiêm phòng chậm vì thời tiết xấu, vắc - xin thiếu!

Triển khai từ đầu tháng 9, đến nay, công tác tiêm phòng vụ đông năm 2011 đã qua 2/3 chặng đường nhưng tỉ lệ đạt được còn thấp, trong đó, 2 mũi vắc xin chủ lực là LMLM trâu bò chưa tiêm được bao nhiêu, còn cúm gia cầm thì có thể không thực hiện nữa. Điều này đồng nghĩa với đàn gia súc, gia cầm của Hà Tĩnh đang đối mặt với nguy cơ cao về bùng phát dịch bệnh.

Theo tổng hợp mới nhất từ Phòng Dịch tễ - chẩn đoán xét nghiệm thuộc Chi cục Thú y Hà Tĩnh, tính đến ngày 10/10, toàn tỉnh mới tiêm 24.892/178.694 liều vắc - xin LMLM trâu bò (đạt 13,9%), 70.101/178.694 liều vắc - xin tụ huyết trùng trâu bò (đạt 39,2%), 566/31.469 liều vắc - xin LMLM lơn (đạt 1,8%), 47.774/182.622 liều vắc - xin dịch tả lợn (đạt 26,2%), 36.444/182.622 liều vắc - xin tụ huyết trùng lợn (đạt 20%); riêng đàn gia cầm chưa tiêm một mũi vắc xin H5N1 đối với vịt và H5N2 đối với gà. Những con số thống kê đó nói lên điều gì? Hiển nhiên là tỉ lệ rất thấp, ngoại trừ huyện Hương Sơn gần như hoàn thành kế hoạch (với tỉ lệ tiêm LMLM trâu bò đạt 99,9%, tụ huyết trùng trâu bò 93,3%, LMLM lợn 16,4%, dịch tả lợn 36,8%, tụ huyết trùng lợn 28,3%).

Hàng trăm ngàn gia súc ở Hà Tĩnh đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh do không có vắc-xin để tiêm phòng
Hàng trăm ngàn gia súc ở Hà Tĩnh đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh do không có vắc-xin để tiêm phòng

Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh lí giải cho sự chậm trễ này dưới hai góc độ. Trước hết, về khách quan: từ đầu vụ đến nay, thời tiết cực kỳ bất lợi với sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi - thú y nói riêng nên công tác tiêm phòng luôn bị gián đoạn bởi những đợt mưa kéo dài. Thứ hai, về chủ quan, đến thời điểm này, cả 2 mũi vắc xin chủ lực là LMLM và cúm gia cầm đều chưa có để tiêm (ngoại trừ một ít vắc - xin LMLM dự trữ từ các đợt trước).

Liên quan đến nguồn cung vắc - xin, Cục Thú y trung ương cho biết, sau khi thống nhất xong vấn đề kỹ thuật, cơ quan này đang tiến hành đấu giá vắc xin LMLM nhưng do chưa đạt được sự thống nhất về giá cả với đối tác nước ngoài nên các tỉnh, thành trong cả nước phải thêm một thời gian nữa mới có để tiêm phòng; đối với vắc - xin cúm gia cầm, do vi - rút cúm gia cầm ở Việt Nam đã biến đổi nên chưa tìm được nguồn vắc - xin tương thích, do đó, có thể mũi tiêm này không thực hiện trong đợt này nữa.

Cùng lúc thiếu cả 2 nguồn vắc - xin quan trọng này đồng nghĩa với đàn gia súc, gia cầm đã mất chức năng bảo hộ trước dịch bệnh do chưa được tiêm phòng. Theo đó, công tác phòng chống dịch bệnh trong cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đang ở thế bị động; đòi hỏi ngành chức năng và các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn trong cuộc chiến dai dẳng, cam go và đầy thử thách này, nhất là khi hiện nay, dịch LMLM đang hoành hành ở Nghệ An, dịch cúm gia cầm đang phát sinh ở Quảng Ngãi, còn dịch tai xanh đã xuất hiện ở 5 tỉnh là: Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng và Quảng Nam.

Tình trạng vận chuyển lợn ra ngoài tỉnh nhưng không tiến hành kiểm dịch liên tục xuất hiện trong những ngày qua
Tình trạng vận chuyển lợn ra ngoài tỉnh nhưng không tiến hành kiểm dịch liên tục xuất hiện trong những ngày qua

Xuất phát từ thực tế trên, Chi cục Thú y Hà Tĩnh cảnh báo, trong những tháng cuối năm, do thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao, tiết trời rét, đặc biệt nhu cầu sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm nhiều hơn kéo theo nhu cầu mua bán, vận chuyển tăng nên nguy cơ một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh tái phát nhằm tạo đà cho phát triển chăn nuôi, góp phần bình ổn tiêu dùng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các địa phương, nhất là các chủ hộ chăn nuôi phải nêu cao tinh thần chủ động phòng chống trong khả năng của mình.

Theo đó, ngay thời điểm này, các địa phương cần kiện toàn và duy trì tốt hoạt động của BCĐ phòng chống dịch; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng những mũi vắc - xin đang có; tổ chức tuyên truyền sâu rộng, vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tích cực hưởng ứng các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, chủ động khai báo khi có dịch; thường xuyên vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, vùng có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao phát dịch; đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; tăng cường quản lý hành nghề kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và hành nghề dịch vụ thú y trên địa bàn.

Thời gian qua, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, công tác tiêm phòng chưa như mong muốn, song, hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn giành kết quả khả quan khi không để dịch bệnh tái phát. Tuy nhiên, niềm vui đó có được duy trì và đọng mãi trong thời gian tới hay không thỉ chẳng ai dám khẳng định. Thay vì tiên đoán, lo liệu, ngành chức năng, chính quyền các địa phương, đặc biệt là hàng ngàn hộ chăn nuôi phải nỗ lực phòng ngừa trong khả năng mình có thể để bảo vệ thành quả hiện có.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast