Tiêu hủy 184 con lợn mắc bệnh suyễn ở Kỳ Anh và Hương Sơn

khá lâu rồi, bệnh suyễn ở lợn mới lại bùng phát trên địa bàn tỉnh ta. 184 con lợn mắc bệnh tại xã Kỳ Bắc(Kỳ Anh) và Sơn Hàm(Hương Sơn) buộc phải tiêu hủy để tránh tình trạng phán tán mầm bệnh ra diện rộng. Điều buồn là 64 con lợn nái ngoại trong số đó được triển khai theo mô hình do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia hỗ trợ. Càng buồn hơn khi số lợn mắc bệnh được cung ứng bởi một cơ sở sản xuất giống có uy tín: Trạm truyền giống lợn Đức Long (Đức Thọ).

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Hà Tĩnh, nối tiếp thành công của mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại ở xã Sơn Tây (Hương Sơn) trong năm 2008, đầu tháng 9 vừa qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh tiếp tục triển khai mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại theo hướng đảm bảo vệ sinh môi trường tại xã Kỳ Bắc (Kỳ Anh) và xã Sơn Hàm (Hương Sơn) và với quy mô 64 con lợn nái cấp “bố mẹ” (mỗi địa điểm 32 con).

Cách đây ít tháng, dịch tả lợn tại Trạm truyền giống Can Lộc đã làm cơ sở sản xuất này bị điêu đứng

Cách đây ít tháng, dịch tả lợn tại Trạm truyền giống Can Lộc đã làm cơ sở sản xuất này bị điêu đứng

Theo đó, mỗi một con lợn nái đạt trọng lượng trung bình 50 kg có giá thành 2,5 triệu đồng thì mô hình sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng, số còn lại hộ do các hộ đóng góp.

Sau khi lựa chọn được các hộ dân đủ điều kiện tham gia mô hình, ngày 7 – 9, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh đã tổ chức đưa 5 hộ dân xã Kỳ Bắc trực tiếp Trạm truyền giống lợn Đức Long để lựa chọn sản phẩm. Tương tự, ngày 19 – 9, 4 hộ dân ở xã Sơn Hàm cũng đã có dịp tham quan và quyết định đối tượng nuôi của mình.

Tiếc là, chỉ sau ít ngày (tương ứng với 2 mốc thời gian trên) đưa về địa phương, toàn bộ số lợn nái nói trên bắt đầu xuất hiện tình trạng ho sặc sụa mỗi khi vận động hay khi ăn, đặc biệt là vào ban đêm. Do ho khan kéo dài nên lợn bị đỏ mắt. Kiểm tra thân nhiệt một số con có triệu chứng lâm sàng cho thấy, nhiệt độ từ 39,6 – 39,70C.

Trước tình hình đó, đơn vị cung ứng giống, đơn vị triển khai mô hình và ban chăn nuôi – thú y các địa phương sở tại đã tiến hành điều trị theo phác đồ đặt ra của Chi cục thú y Hà Tĩnh nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Nguy hại hơn, do nuôi nhốt chung nên số lợn của mô hình đã vô tình truyền bệnh sang 120 con lợn khác của các hộ dân.

Để làm cơ sở cho việc xử lý dịch bệnh, ngày 12 – 10, Chi cục Thú y tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương xét nghiệm, đến ngày 19 – 10, các mẫu xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với bệnh suyễn lợn.

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở NN&PTNT giải thích: bệnh suyễn lợn là bệnh truyền nhiễm mãn tính do Mycoplasma (trung gian truyền bệnh) gây ra (thông thường trên đàn lợn nái ngoại có một số con mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện triệu chứng của bệnh) khi gặp thời tiết bất lợi (chuyển mùa kết hợp với mưa lũ kéo dài) đã làm giảm sức đề kháng của lợn.

Do bệnh này không nằm trong danh mục các bệnh truyền nhiễm phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định của Bộ NN&PTNT nên từ trước đến nay, đàn lợn ở Trạm truyền giống lợn Đức Long không tiến hành tiêm phòng, đo đó, không có sức đề kháng với mầm bệnh nên đã bùng phát và lây lan.

Bệnh suyễn lợn chưa có thuốc đặc trị, nếu tiêm phòng cũng chỉ đạt hiệu quả thấp và quá trình sử dụng kháng sinh điều trị cũng chỉ làm thuyên giảm triệu chứng bệnh chứ không khỏi hẳn. Tuy không làm chết gia súc mắc bệnh (nếu có cũng rất ít) nhưng bệnh suyễn lại có tính lưu truyền bệnh rất cao.

Nhằm tiêu diệt mầm bệnh một cách triệt để, ngày 21 – 10, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh cho tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh và phương án này đã được giải quyết dứt điểm trong 2 ngày sau đó.

Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ tham gia mô hình, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 25 ngàn đồng/kg lợn hơi đối với số lợn bị lây nhiễm buộc phải tiêu hủy; đối với 64 con lợn triển khai theo mô hình, trước mắt Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư chịu trách nhiệm hoàn trả tiền giống (đối ứng) đã thu của các hộ dân (tương ứng với khoảng 64 triệu đồng).

Tính chung, thiệt hại từ việc tiêu hủy 184 con lợn mắc bệnh suyễn suýt soát nửa tỷ đồng.

Theo Chi cục thú y tỉnh, đây là lần thứ 3 bệnh suyễn lợn bùng phát trên địa bàn tỉnh ta (lần đầu vào năm 1988 tại xã Thạch Ngọc - Thạch Hà và lần thứ hai vào năm 2002 tại xã Trung Lộc - Can Lộc). Điều lạ là cả ba lần này đều liên quan đến các trạm lợn giống và lợn mô hình, song, có lẽ do khoảng cách xuất hiện giữa các đợt dịch khá xa nhau nên các đơn vị liên quan đã quên đi những bài học kinh nghiệm trước đó?

Bắt đầu từ cơ quan triển khai mô hình là Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh. Thoạt nghe cứ tưởng đơn vị này “làm ơn mắc oán” nhưng thực tế là quá trình triển khai mô hình này lại chưa tuân thủ quy định trong việc nuôi cách ly gia súc mới bổ sung để theo dõi dịch bệnh (trong khoảng thời gian nhất định, thường từ 15 - 30 ngày) trước khi cho nhập đàn.

Về phía đơn vị cung ứng giống, cho dù bệnh suyễn không nằm trong danh mục bắt buộc tiêm phòng nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi: tại sao thứ dịch bệnh vốn không xảy ra thường xuyên này lại chỉ xuất hiện tại Trạm truyền giống lợn Đức Long. Liệu quy trình sản xuất giống và công tác phòng ngừa dịch bệnh ở đây đã đảm bảo?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast