Tín hiệu vui từ cảng Xuân Hải

Nối tiếp đà thắng lợi trong năm 2009, các tháng đầu năm 2010 tiếp tục đánh dấu sự sôi động của cảng Xuân Hải (Nghi Xuân) với 36 chuyến tàu cập bến mang theo hơn 27 ngàn tấn hàng hóa xuất nhập khẩu. Những tín hiệu vui mới đó tiếp tục hứa hẹn, hải cảng này sẽ có thêm một năm bội thu nguồn hàng...

2010 là năm thứ 4 chứng kiến sự hiện diện của Nhà máy Chế biến Gỗ xuất khẩu và Làng nghề Phổ Hải (trực thuộc Tổng Công ty TNHH Thanh Thành Đạt có trụ sở đóng tại TP Vinh, Nghệ An) tại cảng Xuân Hải. Từ một cơ sở chế biến gỗ băm dăm bình thường, đến nay, Nhà máy này đã trở thành một trong những đơn vị có lượng hàng xuất khẩu vào loại khá và tương đối ổn định. Nhờ tạo được chữ tín với các bạn hàng Trung Quốc nên trong năm 2009 vừa qua, trong khi các doanh nghiệp cùng nghề chịu cảnh lao đao, thậm chí mấp mé bên bờ vực phá sản do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu thì doanh nghiệp này vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với nhiều năm trước đây.

Tàu Hoàng Hóa 68 chuyên chở gỗ băm dăm chuẩn bị xuất bến
Tàu Hoàng Hóa 68 chuyên chở gỗ băm dăm chuẩn bị xuất bến

Ông Ngô Thế Quý – Giám đốc Nhà máy Chế biến Gỗ xuất khẩu và Làng nghề Phổ Hải phấn khởi chia vui: năm 2009, đơn vị xuất khẩu được trên 65 ngàn tấn gỗ băm dăm các loại sang thị trường Trung Quốc. Theo hợp đồng đã được ký kết, lượng hàng xuất khẩu năm nay sẽ tăng thêm vài chục phần trăm. Nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác, đơn vị đã tiến hành đổi mới công nghệ từ hút thổi sang băm trực tiếp để nâng công suất lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với trước (từ 500 – 600 tấn/ngày). Nhờ đó, chỉ trong chưa đầy 3 tháng, doanh nghiệp đã xuất 23 ngàn tấn gỗ dăm.

Thành công của doanh nghiệp này không chỉ tạo nên sự sôi động nơi cửa biển Nghi Xuân mà còn kịp thời bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định cho các hộ trồng rừng trong và ngoài tỉnh.

Ông Đinh Văn Long – Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh tại Xuân Hải phân tích: Do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu nên năm 2009 vừa qua, hàng hóa xuất nhập khẩu trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng bị sụt giảm nghiêm trọng. Tại cảng Xuân Hải, trong quý 1 năm 2009 gần như không có một chuyến tàu lớn nào cập bến. Tuy nhiên, kể từ quý 2 cho đến hết năm, các đơn vị xuất khẩu nhanh chóng lấy lại phong độ nên tổng hàng hóa thông qua trong năm đã đạt 87.721 tấn hàng các loại (tăng 19% so với năm 2008), trong đó, xuất khẩu 83.593 tấn (chủ yếu băm dăm và quặng Mangan), nội địa 4.113 tấn (gỗ cây từ Lào về) và nhập khẩu 15 tấn (thiết bị lắp đặt tàu thủy của Nhà máy đóng tàu Bến Thủy).

Làm nên những con số biết nói đó, ngoài sự nỗ lực lớn của các doanh nghiệp thì không thể thiếu vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính của các đơn vị quản lý Nhà nước trong khu vực cảng.

Gỗ cây nhập khẩu từ Lào chuẩn bị lên tàu đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ
Gỗ cây nhập khẩu từ Lào chuẩn bị lên tàu đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ

Theo chủ quan của đại diện Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh tại Xuân Hải, thành công đáng kể nhất trong năm qua của đơn vị còn ở việc đã giải quyết dứt điểm tình trạng đăng đáy của các hộ dân thôn 8, xã Xuân Phổ, khi đã ngang nhiên lấn chiếm luồng sông gây ách tắc cho tàu thuyền mỗi lần ra vào cảng. Xác định, tuy là việc nhỏ nhưng lại có tác động lớn và không dễ làm được trong ngày một ngày hai, mỗi cán bộ, nhân viên cảng vụ đã không nản chí khi thường xuyên trực tiếp các hộ dân để tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý luồng hàng hải, về việc đóng đăng đáy trên sông. Dần dà, ngư dân cũng nhận thức ra và tự giác di dời ngư cụ sang hai bên luồng.

Vấn đề thông luồng vừa được giải quyết dứt điểm thì tình trạng cạn luồng ngày một hiện hữu. Từ độ sâu -3m của những năm trước đây, nay luồng tàu ra vào cảng chỉ còn -2m nên đã gây ra không ít khó khăn cho các chủ tàu.

Ông Nguyễn Văn Tiến – Thuyền trưởng tàu Quang Anh 36 (Thanh Hóa) - chuyên chở mặt hàng gỗ băm dăm, cho biết : “Gặp những lúc luồng cạn, có khi tàu phải nằm chờ hàng giờ đồng hồ để đợi thủy triều lên mới vào được cảng. Cũng may, những lúc như thế, cảng vụ đã kịp thời điều chỉnh luồng bằng việc đặt lại hệ thống phao để tàu đi vòng nên chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn”.

Sự năng động của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, tinh thần trách nhiệm của các bộ phận quản lý Nhà nước tại cảng Xuân Hải đã và đang góp phần đưa hải cảng này trở thành cửa ngõ quan trọng thứ hai của tỉnh ta (sau Vũng Áng) trong việc giao thương với biển Đông. Tin vui liên tục xuất hiện khi chỉ trong hai tháng rưỡi đầu năm, đã có 36 chuyến tàu mang theo 27 ngàn tấn hàng hóa xuất nhập cảng, trong đó, gỗ băm dăm 23 ngàn tấn, than đá 3.200 tấn, quặng Mangan 1.000 tấn và gỗ cây 600m3.

Theo dự báo của cảng vụ, nhờ nền kinh tế thế giới, trong khu vực và nước ta đã phục hồi, nhiều hợp đồng mới được ký kết nên lượng hàng hóa trong thời gian tới sẽ còn tăng nhanh, nhất là mặt hàng gỗ băm dăm xuất sang Trung Quốc, gỗ cây nhập khẩu từ Lào đưa vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ, đồng nghĩa với việc các bộ phân liên quan tại cảng phải nỗ lực nhiều hơn.

Là đầu mối giải quyết thủ tục, cảng vụ sẽ phối hợp nhuần nhuyễn với các đơn vị liên quan để thông quan hàng hóa kịp thời, đảm bảo an toàn, tiết kiệm cho những chuyến tàu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast