Tôm thẻ lên ngôi

Sau một thời gian được nuôi rộng rãi, tôm thẻ ngày càng chứng minh hiệu quả kinh tế cao và diện tích nuôi phát triển ngày càng mạnh. Đặc biệt, năm 2011 được đánh giá là năm tôm thẻ lên ngôi khi hầu hết các chủ ao đầm nuôi cá thể thủy sản này đều thắng lớn...

Là người gần gũi với ngành thuỷ sản, trong nhiều năm trước đây, khi ngồi với cán bộ ngành thuỷ sản, trong câu chuyện của họ, rất ít khi nghe được chuyện ông này, ông nọ thắng lớn về nuôi tôm. Thời ấy, 100% diện tích nuôi tôm là tôm sú.

Mô hình nuôi tôm thẻ ngày càng phát huy hiệu quả
Mô hình nuôi tôm thẻ ngày càng phát huy hiệu quả

Tôi vẫn nhớ những câu chuyện về một số ông chủ nuôi tôm lớn ở Nghi Xuân, từng là đại gia, nhưng quay đi quay lại rồi cũng tay trắng và cả những đầm tôm có vị trí rất đẹp, điều kiện thuận lợi ở Hộ Độ, Thạch Bằng bị bỏ hoang do nuôi thua lỗ. Nhớ nhất là cảnh hàng trăm hộ gia đình ở thôn Hoà Lộc xã Kỳ Trinh (Kỳ Anh) bán hết trâu bò, điền sản đầu tư nuôi tôm sú rồi ngày càng lún sâu vào nợ nần, phải tha phương kiếm sống. Có thời điểm, chỉ riêng thôn Hoà Lộc mà số “nợ xấu” ngân hàng lên đến gần 4 tỷ đồng… Thời đó, người dân nuôi tôm hay nói đùa rằng, nuôi tôm sú là đánh bạc với trời, nhưng lạ nỗi, đánh kiểu gì cũng thua nhiều hơn thắng...

Hôm nay, ngồi với các anh em bên ngành thuỷ sản, cũng câu chuyện nuôi tôm, thì lại ít nghe chuyện thất bại mà chỉ toàn nghe chuyện thắng, thắng lớn. Trong câu chuyện đầy ắp niềm vui về một vụ tôm thắng lợi, ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thuỷ sản Hà Tĩnh phấn khởi: “Tôm thẻ là loại tôm có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, rất phù hợp với điều kiện môi trường của Việt Nam và được thị trường thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, khi mới nhập về, vì chúng là “sinh vật ngoại lai” nên Bộ Thuỷ sản lúc bấy giờ rất dè dặt, chỉ cho nuôi hạn chế bởi sợ nuôi trên diện rộng có thể sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như ốc bươu vàng và rùa tai đỏ trước đó. Thế nhưng, sau mấy năm nuôi thực tế, sau khi loại bỏ được nỗi lo này, Bộ Thuỷ sản đã cho nuôi rộng rãi. Và, quả thật, đến nay, chúng ta có thể khẳng định tôm thẻ là một đối tượng nuôi rất hiệu quả”.

Ở Hà Tĩnh, mấy năm gần đây, diện tích nuôi tôm thẻ phát triển không ngừng. Từ các nhà đầu tư bài bản nuôi thâm canh đến các hộ nuôi nhỏ lẻ, bây giờ hầu như chỉ nghĩ đến tôm thẻ và 100% đều nuôi theo hình thức nuôi trong ao lót bạt. Các địa phương có diên tích nuôi tôm thẻ chân trắng lớn nhất là Nghi Xuân và Kỳ Anh. Ngoài ra, các huyện ven biển khác như: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà… cũng phát triển khá.

Điển hình cho mô hình nuôi tôm thẻ trên cát thắng lợi lớn là chị Hạnh ở Thạch Trị. Từ dự án nuôi tôm trên cát của Công ty công nghệ Việt Mỹ bị thua lỗ trước đây, chị Hạnh thuê lại một số diện tích và nuôi liên tục thắng lợi trong vài ba năm lại nay. Năm 2011, trên diện tích 20 ha, chị Hạnh thu khoảng gần 500 tấn tôm thẻ. Ngoài được mùa tôm, năm nay lại còn được giá (giá trung bình 100 ngàn đồng/kg) nên các hộ nuôi đều trúng lớn.

Ngoài mô hình của chị Hạnh, còn có thể kể đến một số mô hình khác như hộ ông Mại ở Hộ Độ (Lộc Hà) nuôi 10 ha, năng suất trung bình 10 tấn/ha/vụ; anh Vang ở Cẩm Hoà (Cẩm Xuyên) nuôi 1 ha, thu hoạch 15 tấn; anh Trinh ở Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) nuôi 6 ha, năng suất từ 8-10 tấn/ha/vụ; ông Kỳ ở Xuân Hội, ông Quyền ở Xuân Phổ (Nghi Xuân), nuôi trên 1 ha, năng suất trên 6 tấn/ha/vụ… Với năng suất như trên, mỗi năm trung bình nuôi 2 vụ, nhiều gia đình lãi ròng tiền tỷ từ nuôi tôm thẻ.

Mới đây, chúng tôi có dịp ghé thăm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của anh Dũng ở xã Xuân Phổ và thực sự bị “hút hồn” bởi mô hình này. Mới đầu tư, đưa vào nuôi từ năm 2010, trên diện tích 2,2 ha mặt nước, ngay từ năm đầu anh Dũng nuôi 3 vụ, cho thu hoạch trên 70 tấn tôm. Năm nay, anh cũng nuôi thâm canh 3 vụ, dự kiến cho thu hoạch khoảng 100 tấn tôm…

Rời mô hình của anh Dũng, chúng tôi ghé xã Xuân Đan thăm mô hình nuôi tôm thẻ của anh Bùi Tùng Phong - nguyên Giám đốc Sở Thuỷ sản. Là người rất tâm huyết với nghề nên ngay khi nghỉ hưu, anh đã thuê một diện tích đất cát bỏ hoang ở xã Xuân Đan để đầu tư nuôi tôm thẻ. Hiện nay anh mới đưa vào nuôi khoảng 2 ha mặt nước nhưng đã đạt năng suất 25 tấn/ha. Điều đáng mừng là trên diện tích đất cát bạc bị bỏ hoang bao đời, nay được đầu tư nuôi tôm thẻ, đã đem lại một giá trị kinh tế lớn. Dạng tiềm năng ngủ quên này, khi đánh thức được để nuôi tôm là coi như đánh thức được kho vàng!

Ông Nguyễn Công Hoàng cho biết, năm nay, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 2.282 ha thì tôm thẻ chân trắng chiếm đến 1.182 ha, sản lượng cả năm ước đạt 2.500 tấn, giá trị khoảng trên 200 tỷ đồng. Hiện tại, tất cả các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn đều thắng lợi (nuôi bán thâm canh, năng suất trung bình 1,5 tấn/ha/vụ; nuôi thâm canh, đạt trung bình 10-15 tấn/ha/vụ); nhiều mô hình cho lãi ròng hàng tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy, tỉnh đang cho tiến hành xây dựng quy hoạch chung, tiến đến là quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm trên cát để phát triển mũi kinh tế hiệu quả này, góp phần vào sự phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast