TP Hà Tĩnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ để nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa bền vững đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành nông nghiệp thành phố Hà Tĩnh. Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, TP Hà Tĩnh coi đây là hướng chỉ đạo chiến lược để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Cây cà rốt đã khẳng định được hiệu quả cao trên đồng đất Thạch Hạ
Cây cà rốt đã khẳng định được hiệu quả cao trên đồng đất Thạch Hạ

TP Hà Tĩnh có tổng diện tích canh tác trên 3.000 ha, trong đó diện tích trồng lúa 2.000 ha, còn lại là diện tích trồng màu. Trong quá trình đô thị hóa như hiện nay, diện tích canh tác có xu hướng giảm mạnh. Vì vậy, để ổn định năng suất và sản lượng nông sản, thành phố đã tổ chức quy hoạch các vùng chuyên canh, hợp đồng với đơn vị tư vấn quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, gắn với quy hoạch nông thôn mới; công bố bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến các địa phương, đồng thời chỉ đạo các địa phương căn cứ bản đồ xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, kết hợp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ.

Ông Nguyễn Thừa Tuất, Giám đốc Trung tâm chuyển giao KHKT TP Hà Tĩnh cho biết: “Trong tình hình đất đai ngày một thu hẹp, thì địa phương không có con đường nào khác là tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tích cực tham mưu cho UBND Thành phố đề ra các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích”.

Đối với cây lúa, TP Hà Tĩnh tập trung cơ cấu các loại giống lúa có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thành phố như giống lúa HT1, HT6, HT9, PC6 v.v… Vụ đông xuân 2010 - 2011, năng suất lúa đạt trên 50 tạ/ha, đồng thời giá lúa cũng bán được khá cao.

Mặc dù diện tích trên đầu người ngày càng thu hẹp, nhưng người trồng lúa ở TP Hà Tĩnh đã có lãi khá. Đối với diện tích trồng màu, Thành phố cơ cấu các vùng chuyên canh ở các xã: Thạch Bình, Thạch Môn, Thạch Linh, Thạch Hưng và giảm dần các loại cây hoa màu truyền thống, thay vào đó là các loại rau màu, hoa và cây cảnh hàng hóa.

Các loại giống mới du nhập vào đều thích nghi và phát huy hiệu quả, đưa lại giá trị cao trên đơn vị diện tích như: dưa hấu ở Thạch Môn, đạt từ 90 đến 100 triệu đồng/ha/vụ; bí xanh và đậu cô ve ở Thạch Bình đạt 80 đến 100 triệu đồng/ha/vụ; cà rốt và khoai tây ở Thạch Hạ, Thạch Hưng và Thạch Bình đạt xấp xỉ 100 triệu đồng/ha/vụ; hoa đào, hoa ly và các loại hoa khác ở Thạch Quý, Thạch Môn đạt trên 120 triệu đồng/ha/vụ.

Anh Nguyễn Văn Bé, một người dân trồng bí xanh chất lượng cao ở xóm Bình Yên, xã Thạch Bình phấn khởi cho biết: “Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật và giống cây trồng mới, dàn bí của tôi thu được kết quả cao hơn nhiều lần. Trước đây, tôi chưa bao giờ dám nghĩ với số đất này của gia đình mà có được khoản thu nhập như hiện nay”.

Xã Thạch Môn là một trong những địa bàn phụ cận của thành phố Hà Tĩnh có điều kiện phát triển cây rau màu hàng hóa phục vụ cho thị trường đầy tiềm năng này. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và tuyên truyền, vận động nhân dân du nhập các loại giống cây, con mới, có chất lượng cao để từng bước phát triển nền sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.

Với trên 70 ha đất trồng màu, dựa trên bản đồ quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa của Thành phố, xã tiếp tục triển khai khảo nghiệm và phân vùng quy hoạch từng vùng đất để bố trí các giống cây phù hợp. Bên cạnh nhiều loại rau màu hàng hóa cho thu nhập cao, việc thực hiện thành công mô hình cây hoa ly và một số loại cây hoa cao cấp và cây dưa hấu là một trong những bước khởi động quan trọng để địa phương tiếp tục triển khai các mô hình trình diễn và thông qua các cuộc hội thảo, các hoạt động tuyên truyền, thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân, xây dựng một nền sản xuất hàng hóa phát triển, làm nền tảng vững chắc cho xây dựng nông thôn mới.

Khảo nghiệm giống lúa mới chất lượng cao ở xã Thạch Môn

Khảo nghiệm giống lúa mới chất lượng cao ở xã Thạch Môn

Để có được kết quả như hôm nay, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến các phường, xã đã có những chủ trương đúng đắn và những chính sách hỗ trợ kịp thời; đặc biệt, Trung tâm chuyển giao KHKT thành phố Hà Tĩnh là đơn vị trực tiếp sát cánh cùng nông dân trong từng khâu sản xuất. Các công ty cung ứng giống cây trồng cũng thường xuyên tham gia chỉ đạo, hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Đối với các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, Thành phố hỗ trợ 100% tiền giống cây trồng, 20% tiền mua giống vật nuôi, 100% kinh phí tập huấn và 100% kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

Theo bà Đoàn Thị Liên, Phó phòng Kinh tế Thành phố Hà Tĩnh, đối với các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, UBND Thành phố sẽ tiếp tục duy trì các cơ chế, chính sách như đã thực hiện trong thời gian qua. Cùng với đó là nâng cao nhận thức của nhân dân về sản xuất hàng hóa thông qua tuyên truyền, vận động, tổ chức các mô hình trình diễn, tổ chức tập huấn để từng bước mở rộng diện tích và khai thác triệt để các vùng sản xuất chuyên canh, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch của một thành phố ngày càng phát triển sôi động.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast