Trái cây Việt Nam đến các thị trường lớn

Trái cây Việt Nam đã xuất khẩu vào các thị trường lớn, nhất là có một số loại quả được nhiều nước trên thế giới ưa thích lại sản xuất được quanh năm như thanh long, bưởi...

Các thị trường mới năm 2011

Năm 2011, cùng với việc Hàn Quốc mở cửa cho thanh long và Mỹ chuẩn bị cho phép nhập khẩu chôm chôm từ Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) nhận định, xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... khá thuận lợi.

Trong 4 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu thanh long sang Mỹ đạt 600 tấn, bằng 70% tổng lượng xuất khẩu của cả năm 2010. Chôm chôm Việt Nam cũng đã được Mỹ cho phép nhập khẩu. Dự kiến lô hàng đầu tiên sẽ xuất sang Mỹ vào giữa tháng 5/2011.

Xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm nay cũng đạt 200 tấn, riêng thị trường Hàn Quốc mới xuất khẩu nên đạt 40 tấn.

Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, cuối tháng 4 vừa qua, một đoàn chuyên gia của New Zealand đã tới Việt Nam để kiểm tra các khâu chuẩn bị xuất khẩu xoài tươi vào thị trường này và bước đầu đánh giá cao sự chuẩn bị của Việt Nam.

Dự tính đến đầu năm 2012, trái xoài của Việt Nam có thể được xuất khẩu vào thị trường này sau khi được xử lý bằng các phương pháp là chiếu xạ và hơi nước nóng.

4 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu thanh long sang Mỹ đạt 600 tấn
4 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu thanh long sang Mỹ đạt 600 tấn

Ông Vương Đình Khoát, Giám đốc Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú (API) cho biết, xuất khẩu thanh long sang Mỹ ngày càng nhiều do chất lượng thanh long đã được kiểm soát tốt hơn, người tiêu dùng tại Mỹ đã quen dần với loại trái cây này nên tiêu thụ nhiều hơn.

“Thời gian đầu thanh long xuất khẩu sang Mỹ bằng đường biển bị hư hỏng nhiều, nhưng nay các công ty xuất khẩu thực hiện kiểm soát chất lượng từ đồng ruộng đến cảng nên chất lượng thanh long được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hư hỏng còn rất thấp”, ông Khoát cho biết thêm.

Theo Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu (Bộ NNPTNT), năm 2010, xuất khẩu thanh long sang Mỹ đạt 856 tấn, tăng 8,5 lần so với năm 2009. Các công ty dự đoán xuất khẩu thanh long năm nay vào Mỹ sẽ đạt trên 1.500 tấn.

Dự kiến năm 2011, lượng thanh long xuất khẩu đi Mỹ, Nhật và Hàn Quốc là 2.600 tấn, gấp hơn hai lần so với năm 2010.

Các chuyên gia cũng nhận định việc xuất khẩu chôm chôm sang Mỹ sẽ thuận lợi hơn thanh long do Việt Nam đã có kinh nghiệm thực hiện và cơ sở hạ tầng có sẵn.

Ông Vương Đình Khoát cho biết, API đã chuẩn bị sẵn những vùng trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn của Mỹ để xin cấp mã số.

Theo quy định bắt buộc của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS), bất kỳ trái cây nào nhập khẩu vào nước này phải qua khâu xử lý chiếu xạ để đảm bảo sâu bệnh không xâm nhập.

Hiện việc chiếu xạ thanh long cũng không khó khăn vì có hai nhà máy của công ty Sơn Sơn (TP.HCM) và An Phú (Bình Dương). Ngoài ra, An Phú đang xây dựng một nhà máy chiếu xạ tại Vĩnh Long, dự kiến hoạt động vào tháng 5/2011. Nhà máy có công suất chiếu xạ 150 tấn trái cây/ngày sẽ giải quyết khó khăn về vận chuyển trái cây đi chiếu xạ cho vựa trái cây ĐBSCL xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, New Zealand...

Theo đánh giá của các nhà xuất khẩu trái cây, hiện chôm chôm Thái Lan đang chiếm thị phần lớn nhất tại Mỹ nhưng với những thuận lợi trên cùng ưu thế về chất lượng và giá cả, chôm chôm Việt Nam đang hướng đến việc chiếm lĩnh 1/3 thị phần của chôm chôm Thái Lan hiện có tại Mỹ.

Và các thị trường truyền thống

Trong các thị trường nhập khẩu trái cây của Việt Nam, Trung Quốc đứng đầu về kim ngạch khi năm 2010, đạt khoảng 235 triệu USD. Nhật Bản là thị trường thứ hai với kim ngạch khoảng 54.5 triệu USD, tăng 26% so với năm 2009.

Mặc dù, Trung Quốc là nhà sản xuất trái cây hàng đầu thế giới nhưng nhu cầu nhập khẩu rau quả của Trung Quốc vẫn rất lớn, nhất là những loại rau quả đặc trưng của Việt Nam như thanh long, dừa khô lột vỏ, vải, nhãn, ngó sen.

Năm ngoái, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang EU tăng cao nhờ EU cấp giấy chứng nhận GAP cho thanh long nên xuất khẩu mặt hàng này tăng 70% so với năm 2009, góp phần đáng kể vào tăng kim ngạch của Việt Nam.

EU là nước nhập khẩu và sản xuất hoa quả lớn nhất thế giới, nhu cầu các loại quả nhiệt đới của EU tăng nhanh qua các năm, trung bình khoảng 8%/năm, các loại trái cây được ưa thích tại thị trường EU gồm có chuối (chiếm khoảng 65% lượng nhập khẩu), xoài, dứa, đu đủ.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast