Triển vọng châu Á trong năm Rồng

Năm nay là năm "hắc long thủy" mang dấu hiệu của sự thay đổi, nhưng là những thay đổi ôn hòa, nhạy bén và thận trọng. Người châu Á đương nhiên hy vọng mọi sự diễn ra theo cách đó, tuy nhiên các nhân tố bất ổn từ cả bên trong lẫn ngoài khu vực đang ngày càng nhiều lên.Dưới đây là bài viết của Haruhiko Kuroda, chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, về tình hình châu Á trong năm Nhâm Thìn.

Châu Á với hầu hết các nước đang phát triển đã tăng trưởng tương đối tốt trong hai năm qua. Châu Á đã dẫn dắt thế giới ra khỏi cuộc "đại khủng hoảng" 2008-09, đạt mức tăng trưởng trung bình 9% trong năm 2010 và đang củng cố xu hướng hồi phục trên cơ sở là sự tăng trưởng với nhịp độ vừa phải và có thể là bền vững. Năm 2011, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và sự phục hồi khiêm tốn của Mỹ, các nền kinh tế châu Á đạt mức tăng trưởng thấp hơn nhưng vẫn mạnh, với 7,5%.

Nguy cơ kinh tế lớn nhất đối với châu Á trong năm nay là cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu khiến nền kinh tế châu lục già lún sâu vào suy thoái, hoặc kinh tế Mỹ ì ạch trong năm bầu cử này. Thị trường chứng kiến sự thất thường ở châu Âu và châu Á cũng không là ngoại lệ. Tinh thần của các nhà đầu tư hiện nay dường như bị chi phối bởi các sự kiện hàng ngày hơn là xu hướng dài hạn.

Một đèn lồng hình con rồng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Châu Á đang hân hoan chào đón năm mới Nhâm Thìn, năm con rồng nước theo quan niệm của người Á châu. Ảnh: AFP

Một đèn lồng hình con rồng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Châu Á đang hân hoan chào đón năm mới Nhâm Thìn, năm con rồng nước theo quan niệm của người Á châu. Ảnh: AFP

Nếu cuộc khủng hoảng ở khu vực sử dụng đồng euro dẫn đến vỡ nợ ở một quốc gia nào đó, tình trạng này sẽ lây lan sang các nước khác và khắp thế giới. Trong ngắn hạn, các nền kinh tế châu Á sẽ bị giáng một cú mạnh bởi các nguồn tài chính khô cạn, thương mại và các dòng đầu tư chảy qua các ngân hàng châu Âu tắc nghẽn, kéo theo sự rút vốn qua các ngân hàng Mỹ. Như vậy một cuộc khủng hoảng có thể lan ra toàn cầu và ảnh hưởng đến thương mại cũng như tăng trưởng của Á châu.

Tuy nhiên, nhiều khả năng là các nền kinh tế châu Á không bị ảnh hưởng quá mạnh bởi vấn đề tài chính. Nhiều nước ở khu vực này đang hưởng thặng dư thương mại, nợ nước ngoài thấp trong khi nguồn dự trữ ngoại tệ cao. Hầu hết các hệ thống ngân hàng hoạt động tốt với nguồn vốn dồi dào và tỷ lệ nợ xấu thấp - ít nhất là hiện nay.

Điều này giúp cho các chính phủ châu Á có khả năng xoay xở tốt hơn khi khủng hoảng xảy ra. Tuy nhiên chúng ta không được phép quên rằng châu Á không thể tách rời phương Tây, như từng xảy ra trong năm 2008.

Châu Âu có thể học một số bài học kinh nghiệm từ châu Á. Trong khủng hoảng 1997-1998, các nhà lãnh đạo đã áp dụng những biện pháp kiên quyết để củng cố và tái cơ cấu hệ thống tài chính, đặc biệt là ngân hàng. Nhiệm vụ đó không dễ, nhưng bù lại khi đó môi trường bên ngoài châu Á rất thuận lợi cho xu hướng phục hồi. 10 năm sau, châu Á đã có đủ dự trữ và tiềm lực tài chính để thúc đẩy một sự hồi phục nhanh chóng và vững chắc khi nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Châu Âu cũng vậy, sẽ phải chấp nhận một tiến trình đau đớn và tốn kém để điều chỉnh hệ thống.

Châu Á cũng có thể giúp một tay trong quá trình khôi phục kinh tế toàn cầu. Đương nhiên là những món dự trữ của các nền kinh tế châu Á có thể được đưa vào tham gia các gói cứu trợ tài chính. Tuy nhiên điều tốt nhất châu Á có thể làm là duy trì sức tăng trưởng vững chắc của mình. Với việc tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các đối tác, châu Á có thể đóng vai trò quan trọng, giống như tiêm liều thuốc kích thích hiệu quả cho kinh tế toàn cầu tăng lên.

Ngân hàng Pphát triển châu Á dự báo tổng khối lượng kinh tế của khu vực sẽ chiếm đến 52% toàn cầu vào năm 2050.

Trong trung hạn, châu Á sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là từ bất bình đẳng trong xã hội. Nhiều năm tăng trưởng kinh tế liên tục đã khiến khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Ở Trung Quốc chẳng hạn, thang điểm tính sự bất bình đẳng trong xã hội, Gini, đã tăng từ 25,6 năm 1990 lên 34,8 trong năm 2005. Điều này không giống như những năm 1980, khi tăng trưởng kinh tế đi kèm với giảm khoảng cách giàu nghèo.

Hệ quả là giờ đây bất công trong xã hội trở thành yếu tố nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến bất ổn và ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng. Vì thế các chính phủ trong năm tới và nhiều năm sau cần đảm bảo sao cho các lợi ích về kinh tế được phân bổ đến các nhóm trong xã hội như phụ nữ và người nghèo, đến các vùng sâu. Dân số đang già nhanh chóng của châu Á cũng đặt ra vấn đề về an sinh, y tế và giáo dục.

Nay khi chúng ta bước vào năm con Rồng, sự đóng góp quan trọng nhất của châu Á sẽ là cách tiếp cận bình tĩnh, nhạy bén và thận trọng nhằm giảm thiểu các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, bằng cách đảm bảo nền kinh tế ổn định và phát triển.

Mai Trang (lược dịch)

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast