Trung Lương – Một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Những năm gần đây, khi đi trên Quốc lộ 1A, đoạn cách thị xã Hồng Lĩnh khoảng 2km về phía Bắc, chúng ta sẽ thấy một cụm công nghiệp của phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh hoạt động khá nhộn nhịp...

Trung Lương ngày nay vừa là tên gọi của làng rèn Trung Lương những cũng là tên một phường thuộc thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Làng rèn Trung Lương có từ khoảng thế kỷ XIII. Trong quá trình ra đời, tồn tại và phát triển, nghề rèn ở đây nói riêng và làng Trung Lương nói chung đã có những đóng góp rất lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Làng nghề rèn Trung Lương( TX Hồng Lĩnh. Ảnh: Tuệ Anh

Bước sang những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, dưới tác động của kinh tế thị trường và sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, nhất là công nghiệp, trong khi hầu hết làng nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam đều bị mai một, thậm chí thất truyền, nghề rèn ở Trung Lương không những thoát được nguy cơ đó mà còn phát triển rất mạnh. Trước đây, sản phẩm của nghề rèn ở đây chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình như các loại dao, rựa,… địa bàn phân phối cũng khá hẹp, chủ yếu các địa phương lân cận. Trong khoảng vài thập niên lại nay, từ chủ trương đúng đắn của Đảng, sự nhạy bén của chính quyền địa phương và sáng tạo của nhân dân, sản phẩm của nghề rèn Trung Lương ngày càng đa dạng về chủng loại, phong phú về hình thức, mẫu mã, chất lượng cũng không ngừng được nâng cao, địa bàn phân phối sản phẩm không chỉ bó hẹp ở trong nước mà còn được một số địa phương của nước bạn Lào ưa chuộng.

Không dừng lại ở chỗ phát triển nghề rèn, mà điềm đặc biệt và cũng là sự khác biệt của nghề rèn ở Trung Lương so với các nghề thủ công truyền thống ở những địa phương khác đó là nghề rèn ở đây chính là “mấu chốt” cho thương nghiệp và một số nghề tiểu thủ - công nghiệp phát triển.

Khoảng những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, trong khi nghề rèn ở Trung Lương đang đứng trước nguy cơ mai một như bao nghề thủ công truyền thống khác, Đảng bộ, chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây bên cạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, một số hộ gia đình đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức sản xuất. Đó là, từ kinh nghiệm nghề rèn, được sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương, nhiều hộ đã chuyển sang đầu tư phát triển nghề đúc, nghề gia công cơ khí.

Đúng là trong “cái khó ló cái khôn”. Hiện nay, ngoài nghề rèn truyền thống tiếp tục được duy trì và phát triển tại làng Trung Lương, địa phương đã quy hoạch một cụm công nghiệp làng nghề tách khỏi khu dân cư, gần Quốc lộ 1A. Theo thống kê của phường Trung Lương, năm 2010, toàn phường có hơn 160 lò rèn, trên 100 búa máy, 4 xưởng đúc, 38 hộ gia công cơ khí… Hầu hết các hoạt động của nghề rèn, nghề đúc, nghề gia công cơ khí đều được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sản phẩm của nghề đúc và nghề cơ khí mang tính công nghiệp cao. Một số cơ sở sản xuất đã phát triển thành doanh nghiệp lớn, với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Các nghề này đã giải quyết lao động thường xuyên cho hàng trăm lao động, với thu nhập khá. Tổng giá trị sản phẩm từ công nghiệp - thủ công nghiệp năm 2010 đạt gần 90 tỷ đồng.

Quả là không quá khi lãnh đạo địa phương cho rằng “nghề rèn là nghề xoá đói giảm nghèo” để đi lên làm giàu của phường Trung Lương trong những năm gần đây. Hiện nay, hệ thống giao thông của phường đã được nhựa, bê tông hoá hoàn toàn. Hầu hết gia đình đều đã có xe gắn máy, nhà kiên cố. Đặc biệt, hàng năm, xã có gần 100 con em đậu vào các trường đại học, cao đẳng; năm 2010, có 50 em đậu đại học. Hệ thống nước sạch cũng đã được đấu tư xây dựng. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng không ngừng được nâng cao. Nhiều gia đình đã có xe hơi… Đây là những thông số mà không phải bất cứ làng nghề, làng nông nghiệp, địa phương nào cũng có thể đạt được.

Phải khẳng định rằng, để Trung Lương có được những thành quả như ngày nay, nghề rèn đã có đóng góp rất lớn, nếu không nói là quyết định. Trong khi công nghiệp đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, phát triển thủ công nghiệp của Trung Lương là một minh chứng cho thấy phát triển tiểu thủ công nghiệp, nghề thủ công truyền thống đang là một chủ trương, hướng đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Thiết nghĩ, nếu phát huy tốt những thành quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đích đến của Trung Lương trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX và Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ không còn xa./.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast