Tỷ giá hạ nhiệt trước Tết Nguyên đán

Những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, giá chào bán đôla thực tế trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do về dưới 21.180 đồng, giảm gần 100 đồng so với vài ngày trước. Những năm trước, giá đôla dịp cận Tết thường tăng mạnh.


Lúc 11h trưa nay, giá mua bán USD tại hầu hết các điểm thu đổi ngoại tệ tại TP HCM chỉ còn quanh 21.080 - 21.180 đồng. Đến 12h, giá tiếp tục được các điểm thu đổi điều chỉnh giảm thêm 30 đồng thu gom, xuống sát 21.050 đồng ăn một USD, chỉ còn cao hơn giá niêm yết của các nhà băng 20 đồng.

Chủ một điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 cho biết, thời điểm hiện nay, nhu cầu mua USD khá yếu. "Vì không bán ra được nên chúng tôi cũng không thể thu vào nhiều, bắt buộc giá phải hạ", bà nói.

Tỷ giá hạ nhiệt cuối năm. Ảnh: Lệ Chi

Tỷ giá hạ nhiệt cuối năm. Ảnh: Lệ Chi

Trong khi đó, anh Nam, chủ một điểm thu đổi ngoại tệ khác trên đường Lê Lợi, quận 1, bộc bạch, không chỉ trong ngày hôm nay mà mấy ngày trước đó, có lúc anh cố công bố giá thu gom bằng giá niêm yết của các ngân hàng thương mại, còn giá bán ra thì chỉ cao hơn chút đỉnh nhưng cũng chẳng có mấy khách giao dịch.

Anh này cho rằng, thị trường tự do co hẹp có thể do hàng loạt chính sách xử phạt nghiêm ngặt từ cơ quan chức năng. Gần đây nhất là quyết định tịch thu 500.000 USD và hơn 10 tỷ đồng cùng với số tiền phạt 150 triệu đồng của hai doanh nghiệp giao dịch ngoại tệ trái phép trên địa bàn TP HCM làm người mua và bán đều sợ. "Điều này đã tác động làm người dân không dám mua bán USD ở chợ đen khiến thị trường ít sóng và tỷ giá tự do phải giảm xuống", anh nói.

Không chỉ giá đôla tự do rớt mạnh mà giá bán thực tế của các ngân hàng thương mại cũng đang lao dốc. Tính đến 10h sáng nay, mỗi USD mua và bán ra cho doanh nghiệp chỉ còn 21.126-21.200 đồng (đã bao gồm các loại phí).

Theo giám đốc một công ty sản xuất bao bì tại quận Tân Phú, TP HCM, giá đôla mấy ngày nay công ty mua vào liên tục sụt giảm, từ mốc 21.250 đồng ngân hàng bán ra cách đây 2 ngày, giờ chỉ còn 21.180 -21.200 đồng. "Không chỉ giá giảm, việc mua USD cũng khá dễ dàng, chỉ cần làm đủ các thủ tục cần thiết và chứng minh nhu cầu thì mua bao nhiêu cũng được đáp ứng", ông nói.

Nhiều ngân hàng ghi nhận lượng ngoại tệ hiện đang dồi dào hơn trước, thậm chí một số đơn vị trạng thái dương khá lớn. Một lãnh đạo của Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank xác nhận, hiện nay lượng USD bán cho ngân hàng khá nhiều, trong khi nhu cầu của khách không quá lớn. "Khi nguồn cung lớn hơn cầu thì giá rớt mạnh là điều tất yếu", ông này lý giải.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 cũng nhìn nhận, hiện tại, nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng không còn căng thẳng như trước do người dân đã bắt đầu có thói quen bán đôla cho nhà băng thay vì chợ đen. "Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn có nguồn ngoại tệ dồi dào cũng bắt đầu xả tài khoản bán cho ngân hàng", ông cho biết.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, gốc vấn đề là năm 2011, Việt Nam thắng lớn về xuất khẩu giúp nhập siêu chỉ còn dưới 10 tỷ USD. Và đây là năm có tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Bên cạnh đó, theo ông Dương, lượng kiều hối về 9 tỷ USD, cộng với số giải ngân FDI tăng (mặc dù số đăng ký giảm) đã góp phần làm cho nguồn cung trên thị trường dồi dào hơn. Ngoài ra, với chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND lên tới 12% một năm, người dân không mấy mặn mà gửi ngoại tệ tại ngân hàng mà chuyển sang bán đứt USD lấy tiền đồng. Đặc biệt, một nguyên nhân khá quan trọng góp phần ổn định tỷ giá đó chính là cách quản trị của Ngân hàng Nhà nước năm nay khá thành công theo hướng chủ động, linh hoạt.

"Với những tiền đề vững vàng trên, giá USD có xu hướng giảm và ổn định như hiện nay là mang tính bền vững chứ không gượng ép, nhất thời. Do đó, áp lực tăng tỷ giá trong năm 2012 là không lớn", ông Dương nhận định.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast