U22 Việt Nam: Tiền đạo cắm, anh là ai?

Trong lối đá của U22 Việt Nam, vị trí tiền đạo cắm đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Không chỉ phải độc lập tác chiến mà mũi nhọn này còn phải hỗ trợ các vệ tinh xung quanh. Nhưng với những gì diễn ra thời gian qua, việc tìm được người đá cắm hiệu quả không phải là dễ dàng với HLV Nguyễn Hữu Thắng.

u22 viet nam tien dao cam anh la ai

Chân sút nội yếu thế

Kể từ khi V.League có sự xuất hiện của các chân sút ngoại, các CLB đa phần bố trí hai tiền đạo trên hàng công nhằm giải quyết bài toán ghi bàn. Thể lực, thể hình vượt trội và khả năng ghi bàn hơn hẳn các tiền đạo nội nên các ngoại binh gần như chiếm suất cứng trong các trận đấu ở giải quốc nội. Mùa giải năm nay cũng không phải ngoại lệ khi hầu hết các CLB đều tin dùng các chân sút ngoại. Chỉ HAGL có cách làm khác biệt khi bố trí hai ngoại binh ở hàng thủ, còn phía trên ưu tiên sử dụng nội binh. Đội bóng phố Núi quyết định tin dùng Công Phượng và Văn Toàn trên hàng công và họ đã được thi đấu khá nhiều ở V.League (16 và 15 trận). Nhưng phải thừa nhận, khi đối đầu với những hàng thủ chơi cơ bắp, đầy sức mạnh thì Công Phượng và Văn Toàn không thể hiện được nhiều. Đến nay, Công Phượng mới có 5 bàn thắng còn Văn Toàn chưa một lần lập công cho HAGL ở mùa giải này.

Trong khi đó, tiền đạo Đức Chinh cũng chưa cho thấy sự ổn định về phong độ ở SHB.ĐN. Đặc biệt khi Merlo nhập quốc tịch Việt Nam thì cơ hội ra sân của cầu thủ người Phú Thọ này trong màu áo đội bóng sông Hàn đã ít dần đi. Dù có 3 pha lập công nhưng điều đó chưa nói lên nhiều về sự hiệu quả của Đức Chinh trong mùa giải đầu tiên chơi cho SHB.ĐN. Tuy nhiên, Đức Chinh còn có cơ hội được ăn mừng bàn thắng. Bởi tiền đạo còn lại của U22 Việt Nam là Thanh Bình còn chưa một lần xuất hiện tên trên bảng tỷ số tại V.League. Tuấn Tài có khá hơn chút so với Thanh Bình khi anh đã có một pha lập công, nhưng do chấn thương liên miên nên tiền đạo này cũng ít được vào sân trong các trận đấu của SLNA. Thống kê như vậy để thấy rằng, 5 tiền đạo của U22 Việt Nam là Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Tài, Đức Chinh và Thanh Bình đều đang không có phong độ tốt thời gian gần đây. Điều đó tạo nên nỗi lo cho hàng công của đội tuyển trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2018 và SEA Games 29.

u22 viet nam tien dao cam anh la ai

“Hãy cho họ thêm thời gian”

Thực ra không phải đến bây giờ mà ở các kỳ SEA Games hay các giải đấu quan trọng trước đây, kể cả tại U20 World Cup 2017 thì bóng đá Việt Nam luôn đối mặt với bài toán khan hiếm tiền đạo xuất sắc, có phong độ cao. Nhưng nếu không tin dùng các chân sút nội (đa phần đều phải ngồi dự bị ở V.League) thì đội tuyển sẽ rơi vào cảnh “đói” tiền đạo. Ngay ngày đầu trong đợt tập trung lần này, khi đề cập đến vấn đề tiền đạo cắm xuất sắc, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã bày tỏ: “Ở cương vị của tôi thì tôi không thể yêu cầu HLV các CLB phải sử dụng tiền đạo lứa U22 được, vì các đội đều có những tính toán riêng. Bây giờ tình hình đã như vậy rồi thì chúng ta cần kiên trì, hãy cho các tiền đạo thêm thời gian để họ lấy lại được phong độ tốt khi bước vào các giải đấu chính thức”. Rõ ràng hiện tại, chúng ta nên cảm thông với các chân sút tại đội tuyển chứ không thể đòi hỏi nhiều hơn ở họ.

“Các tiền đạo của chúng ta đều có những phẩm chất tốt để trở thành chân sút tốt, vấn đề là mình đặt họ đúng vị trí, nhào nặn để họ phát huy được năng lực. Tôi rất hy vọng qua các trận đấu tập sẽ khơi gợi được bản năng ghi bàn cho các tiền đạo của đội tuyển”, HLV Hữu Thắng chia sẻ.

5 TIỀN ĐẠO CỦA U22 VIỆT NAM

Nguyễn Công Phượng

Năm sinh: 1995, tại Nghệ An

CLB: HAGL

Cao: 1m68;

nặng: 65kg

Điểm mạnh: Xử lý bóng kỹ thuật, dứt điểm nhanh, sút phạt tốt. Trong thế trận bế tắc, có thể tạo nên đột biến nhờ những pha đi bóng lắt léo.

Điểm yếu: Ham rê dắt, cài đè yếu. Chỉ thích hợp chơi hộ công chứ khó đá cắm bởi không có thể hình lý tưởng và bật tường hiệu quả cho các vệ tinh xung quanh.

Nguyễn Văn Toàn

Năm sinh: 1996, tại Hải Dương

CLB: HAGL

Cao: 1m68;

nặng: 60kg

Điểm mạnh: Tận dụng tốt cơ hội khi có bóng. Nhanh nhẹn trong di chuyển và phối hợp ăn ý với các vệ tinh xung quanh.

Điểm yếu: Rất khó đá tiền đạo cắm vì thể hình hạn chế, “mỏng cơm”, cài đè kém. Dường như Văn Toàn chỉ thích hợp với vị trí tiền vệ biên phải.

Hà Đức Chinh

Năm sinh: 1997, tại Phú Thọ

CLB: SHB.ĐN

Cao: 1m72;

Nặng: 66kg

Điểm mạnh: Cài đè tốt, không ngại va chạm. Tận dụng tốt cơ hội trong các pha chạy cắt mặt hậu vệ đối phương. Dứt điểm nhanh trong vòng cấm địa.

Điểm yếu: Hỗ trợ cho các vệ tinh xung quanh yếu, tốc độ chậm chạp khi bị đối phương đá rát.

Lê Thanh Bình

Năm sinh: 1995, tại Thanh Hóa

CLB: FLC Thanh Hóa.

Cao: 1m72;

Nặng: 68kg

Điểm mạnh: Kỹ năng không chiến khá tốt, tương đối lỳ đòn, biết cách làm tường cho đồng đội ở tuyến saubăng lên dứt điểm. Biết hô hào, truyền lửa tinh thần cho người đá bên cạnh.

Điểm yếu: Kỹ thuật cá nhân không ổn, hay nóng vội trong các pha dứt điểm cuối cùng.

Hồ Tuấn Tài

Năm sinh: 1995, tại Nghệ An

CLB: SLNA

Cao: 1m73;

Nặng: 70kg

Điểm mạnh: Dũng mãnh trong tranh chấp trên không, di chuyển thông minh, càn lướt tốt khi bị đeo bám.

Điểm yếu: Hay gặp chấn thương, cài đè yếu. Khả năng làm tường không ổn định, kỹ thuật cá nhân chưa tốt, hay bỏ lỡ cơ hội ngon ăn.

DANH SÁCH U22 VIỆT NAM

- Thủ môn: Bùi Tiến Dũng (FLC Thanh Hóa), Phí Minh Long (Hà Nội FC), Lê Văn Trường (HAGL), Đỗ Sỹ Huy (Hà Nội FC).

Hậu vệ: Bùi Tiến Dũng (Viettel), Trần Đình Trọng (Sài Gòn FC), Hoàng Văn Khánh (SLNA), Trần Văn Kiên, Đoàn Văn Hậu (Hà Nội FC), Huỳnh Tấn Sinh (Quảng Nam FC), Vũ Văn Thanh (HAGL), Hồ Tấn Tài (Bình Định), Đỗ Thanh Thịnh (SHB Đà Nẵng).

- Tiền vệ: Nguyễn Tuấn Anh, Trần Hữu Đông Triều, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Phong Hồng Duy (HAGL), Lương Xuân Trường (Gangwon FC), Phạm Đức Huy, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh (Hà Nội FC), Lâm Ti Phông (Sanna.KH), Nguyễn Anh Tài (TP.HCM), Bùi Tiến Dụng (SHB Đà Nẵng).

- Tiền đạo: Nguyễn Công Phượng (HAGL), Hà Đức Chinh (SHB Đà Nẵng), Hồ Tuấn Tài (SLNA), Lê Thanh Bình (FLC Thanh Hóa).

LỊCH THI ĐẤU U22 VIỆT NAM (SÂN THỐNG NHẤT)

20h00 ngày 19/7 Việt Nam - Đông Timor

20h00 ngày 21/7 Macau (TQ) - Việt Nam

20h00 ngày 23/7 Hàn Quốc - Việt Nam

Theo Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast