V-League là cuộc triển lãm thứ bóng đá xấu xí

Ai cũng thấy rằng lối chơi nhỏ, kỹ thuật thì các cầu thủ Việt Nam dễ thích ứng, và ngược lại dễ phát huy năng lực của họ hơn. Nhưng 7-8 năm trở lại đây, ở V-League chỉ thấy sự áp đảo (số đông) những CLB chơi thứ bóng đá chọc sâu, chạy dài xấu xí.

Lối chơi và chiến thuật của Việt Nam

Khi HLV Nguyễn Hữu Thắng với triết lý bóng ngắn, nhỏ, phù hợp với tầm vóc, thể lực cầu thủ Việt Nam đã cùng đội tuyển quốc gia khởi đầu bằng chiến thắng 4-1 trước Đài Loan (Trung Quốc) thì sự nghi ngờ vẫn chưa hết cũng chính là vì thiếu lý do nền tảng ấy.

Ngay ở V-League, giải đấu số 1 của Việt Nam thì ngoại trừ HAGL với nòng cốt là lứa cầu thủ được đào tạo ở Học viện HAGL Arsenal JMG, hiếm đội bóng nào triển khai được lối chơi phối hợp nhỏ, kỹ thuật kiểu ấy. Vấn đề là tại sao?

Vì cách sử dụng ngoại binh

GĐKT CLB FLC Thanh Hóa Lê Thụy Hải, người từng 3 lần vô địch V-League với B.Bình Dương và trải qua giai đoạn thăng trầm trong sự nghiệp huấn luyện ở LG Hà Nội ACB, SHB Đà Nẵng, Thể Công, XM The Vissai Ninh Bình hay Hải Phòng, Thanh Hóa…hơn ai hết là người hiểu rất rõ những rào cản, khó khăn nếu muốn xây dựng cho đội bóng lối chơi phối hợp nhỏ mà nhiều người cho là phù hợp nhất với bóng đá Việt Nam.

“Các CLB ở V-League hiện nay thường muốn tận dụng lối chơi phối hợp nhỏ để duy trì cự ly đội hình gần nhau nhưng bên cạnh đó, vẫn sử dụng những đường chuyền dài, phát huy năng lực của cầu thủ ngoại. Đá nhỏ thì vẫn phải phối hợp rồi xuống biên nhưng lối chơi ở các CLB hiện nay khác đội tuyển quốc gia ở chỗ sau đó thực hiện những đường chuyền bổng vào trong khu vực cấm địa cho ngoại binh đánh đầu, như SHB Đà Nẵng với Gaston Merlo chẳng hạn. Đây là cách chơi phù hợp với đội tuyển quốc gia cũng như từng CLB hiện nay và theo tôi CLB phải có lối chơi riêng của họ, không phải bừa bãi” – HLV Lê Thụy Hải giải đáp những thắc mắc của Thể thao & Văn hóa Cuối tuần.

V-League là cuộc đua của các đội bóng có một công thức phổ quát: Tây nào tốt hơn, to cao hơn là lợi thế - Ảnh: Quang Nhựt (TTXVN)

HLV Lê Thụy Hải cũng thừa nhận, đội nào ở V-League hiện nay cũng phụ thuộc rất nhiều vào cầu thủ ngoại, từ Hải Phòng, SHB Đà Nẵng, SLNA, Hà Nội T&T…cho tới FLC Thanh Hóa, đội bóng mà chính ông đảm nhiệm cương vị GĐKT. “Nếu đơn độc chỉ sử dụng cầu thủ nội không thì sẽ không thể thành công ở V-League.

Ngay tại đội tuyển quốc gia, có những cầu thủ mà ở CLB các HLV không sử dụng vì vị trí đó dành chỗ cho ngoại binh nhưng lên đội tuyển vẫn là chính thức. Con người ở đội tuyển quốc gia xoay đi xoay lại cũng chỉ có bấy nhiêu và chúng ta phải cảm thông với công việc mà anh Thắng (HLV Nguyễn Hữu Thắng – PV) đang phải làm. Trận gặp Đài Loan (Trung Quốc) người ta yếu mình đá theo lối đá mình muốn sẽ rất dễ nhưng Iraq hoàn toàn khác”.

Áp lực thành tích ngay

Ý kiến của HLV Lê Thụy Hải không phải không có lý khi nhìn qua cũng có thể dễ dàng nhận thấy việc “khoán nhiệm vụ” cho các ngoại binh ở V-League. Đội đang dẫn đầu bảng xếp hạng V-League với bộ đôi Stevens – Fagan chiếm 4/9 bàn thắng ghi được. SHB Đà Nẵng ghi được 5 bàn thắng sau 4 vòng đấu và cả 5 bàn thắng đó đều thuộc về tiền đạo người Argentina Gaston Merlo.

Ngay FLC Thanh Hóa dưới tài điều binh, khiển tướng của GĐKT Lê Thụy Hải cũng phải nhờ vào phong độ cao của Ivan Firer (3 bàn) và Pape Omar Faye (4 bàn) mới chen chân được vào TOP 3. Có thể về kỹ thuật, ngoại binh không hơn gì nhiều cầu thủ nội nhưng họ lại chiếm ưu thế về thể hình, thể lực, sức rướn. Vì áp lực thành tích, số tiền bỏ ra để tuyển mộ hay trả lương cho các ngoại binh đó mà HLV ở các CLB buộc lòng phải xây dựng lối đá nào sao cho phát huy được tối đa khả năng của những cầu thủ ngoại đó và kết quả thu được.

Đá đẹp được xếp sau yếu tố hiệu quả, nếu đá đẹp mà không thể giành chiến thắng thì đó không phải là sự lựa chọn khôn ngoan và chính các HLV nhiều khi phải trả giá bằng việc mất ghế và danh tiếng của mình bị ảnh hưởng.

Hệ quả ở đội tuyển

HLV Lê Thụy Hải cũng rất tâm đắc đường phất bóng dài của trung vệ Quế Ngọc Hải cho Đình Hoàng ở trận gặp Đài Loan (Trung Quốc), khởi nguồn cho bàn thắng đẹp mắt sau đó của Văn Toàn, nâng tỷ số trận đấu lên thành 2-1, coi đó là sự kết hợp hoàn hảo với lối đá phối hợp nhỏ. Tuy nhiên, không dễ để đội tuyển Việt Nam phát huy được cách đá như thế khi gặp đối thủ mạnh hơn như Iraq và sau này là Thái Lan hoặc Malaysia.

Một khó khăn khác nếu muốn triển khai lối đá nhỏ thành một hệ thống xuyên suốt từ CLB rồi đội tuyển trẻ lên đội tuyển quốc gia là yếu tố con người. Theo ông Hải, nếu việc này không được thực thi thuần thục từ cấp độ đội tuyển trẻ hay CLB thì lên đội tuyển quốc gia khó để vận hành trơn tru.

Trong vấn đề này phải có vai trò của Liên đoàn, Hội đồng HLV quốc gia, Phòng các đội tuyển quốc gia với những chiến lược cụ thể. “HLV Nguyễn Hữu Thắng truyền đạt được ý tưởng về cách chơi đó đã là khó và muốn cầu thủ vận hành trơn tru chiến thuật đó còn khó hơn vì thời gian không có nhiều và con người liệu có đáp ứng được yêu cầu đó không.

Theo tôi, quan trọng là cách chơi chung được rèn luyện nhuần nhuyễn, từ đó chúng ta tim ra phương sách đối phó với từng đối thủ cụ thể. Thực ra mà nói hiện nay anh muốn đập nhả, chuyền lên trả về, chuyển hướng, đổi cánh hay đập tường 3 thì toàn đội phải có kỹ thuật, chơi ăn ý, đôi khi có quả chuyền dài. Nhưng nhiều em lên đội tuyển kỹ thuật còn yếu ở CLB chỉ dự bị, lên đội tuyển đá chính thức, trừ các bạn HAGL cầm bóng, đập nhả tốt” – HLV Lê Thụy Hải phân tích.

Ngày chính thức tiếp quản vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia, ông Nguyễn Hữu Thắng từng chia sẻ: “Tôi thích Alex Ferguson, một tượng đài của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, trong bóng đá hiện đại, tôi mê Pep Guardiola.

Cá nhân tôi thấy lối chơi mà chiến lược gia người Tây Ban Nha xây dựng cho Barcelona trước đây và Bayern Munich hiện nay phù hợp với con người Việt Nam. Cầu thủ của chúng ta nhỏ con nhưng kỹ thuật và khéo léo.

Điều chúng ta cần là luyện thêm thể lực để khi mất bóng có thể quay lại đá pressing, giành lại quyền kiểm soát bóng ngay giống như những gì mà hai CLB nổi tiếng của châu Âu kể trên áp dụng".

Vậy nhưng, ở các CLB, thể lực không được quá chú trọng, vì để hoàn thành vai trò "bơm bóng cho Tây" không đòi hỏi lớn, thì ai sẽ nâng tầm cho các tuyển thủ nếu như đội tuyển không trở thành một lớp "đào tạo tại chức"?

Hải Phòng hiện đang xếp số 1 ở V-League sau bốn vòng nhưng chỉ có duy nhất một cầu thủ đến từ CLB này có mặt ở đợt tập trung đội tuyển lần này là Lê Văn Thắng. Tiếc là Thắng cũng chấn thương rồi phải trở về CLB.
Theo Lâm Chi/Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast