Vì sao nghề khai thác hải sản ở Hà Tĩnh chậm phát triển?

Hà Tĩnh có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nghề khai thác hải sản nhưng vài năm gần đây, sản lượng chỉ “đủng đỉnh’ từ 20 - 22.000 tấn/năm. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên và cần có giải pháp gì để nghề khai thác hải sản phát triển tương xứng và bền vững?

Đâu là nguyên nhân?

Hà Tĩnh có 137 km bờ biển chạy qua 43 xã của 4 huyện vùng bãi ngang với một ngư trường rộng, trữ lượng hải sản lớn gồm nhiều loại hải sản quý hiếm, có chất lượng, mang lại giá trị xuất khẩu cao. Thế nhưng, sản lượng khai thác hải sản của Hà Tĩnh trong 5 năm qua chỉ đạt ở mức bình quân khoảng 22.000 tấn. Trong khi đó, hai tỉnh lân cận là Quảng Bình và Nghệ An dù chiều dài bờ biển ngắn hơn nhưng sản lượng của các tỉnh này lại đạt từ 35 - 55.000 tấn hải sản phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Được mùa cá cơm ở xã Thạch Kim (Lộc Hà)
Được mùa cá cơm ở xã Thạch Kim (Lộc Hà)

Nguyên nhân chủ yếu là do cường lực khai thác thủy sản ở Hà Tĩnh còn yếu. Công suất bình quân của đội tàu là 19,68 CV/tàu (công suất bình quân của cả nước là 57 CV/tàu). Khối tàu có công suất 20 CV chiếm gần 80% đội tàu của Hà Tĩnh, riêng khối tàu có công suất từ 90 CV trở lên khai thác vùng biển xa bờ chỉ có 0,84%. Chất lượng của các loại tàu này đều được đóng theo mẫu truyền thống không có cabin, nấp hầm nên khả năng bám biển dài ngày rất hạn chế. Vì vậy, ngư trường vùng khơi ở Hà Tĩnh hầu như chưa được khai thác. Thế nên, tàu cá các tỉnh bạn tập trung vào khai thác nhiều, sử dụng các phương tiện đánh bắt hiện đại, du nhập nghề mới vào khai thác làm tăng năng suất, sản lượng, sản phẩm lại có giá trị kinh tế cao.

Do năng lực đội tàu còn yếu nên ngư trường vùng ven bờ thường xuyên chịu áp lực khai thác lớn của các đội tàu có công suất lớn hơn làm gia tăng mật độ khai thác. Vì vậy, sản phẩm khai thác ven bờ tuy chiếm tỉ trọng cao nhưng đem lại giá trị kinh tế thấp. Mặt khác, phương thức tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, ngư dân không mạnh dạn đầu tư nâng cấp tàu cá, mua săm ngư lưới cụ, đổi mới công nghệ khai thác nên chi phí sản xuất lớn, hiệu quả không cao. Giá nhiêu liệu, vật tư phục vụ khai thác thủy sản ngày một tăng và giữ ở mức cao.

Thả cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản
Thả cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Ngoài ra, công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản chưa được quan tâm đúng mức. Phương tiện - kỹ thuật và hậu cần phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên biển còn hạn chế. Ý thức Bảo vệ nguồn lợi hải sản của đa số ngư dân dịa phương còn thấp, sự tăng thêm sản lượng khai thác hải sản của ngư dân không tránh khỏi việc sử dụng ngư lưới cụ, phương pháp khai thác xâm hại đến nguồn lợi thuỷ sản như sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn cho phép; sử dụng chất nổ, xung điện, hoá chất... Với thực trạng hiện nay thì nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi và suy thoái môi trường là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để phát hiện và xử lý dứt điểm tình trạng này là cũng không phải là dễ. Hiện tượng phát triển tàu theo kiểu tự phát và tỷ lệ tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản có dấu hiệu tăng dần.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Hiện Hà Tĩnh mới có một cảng cá Thạch Kim được đưa vào sử dụng; chưa có chợ cá đầu mối đề tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiêu thụ sản phẩm sau khai thác. Hệ thống phục vụ hậu cần cung ứng nhiên liệu, ngư lưới cụ, thu mua thủy sản trên biển còn thiếu và yếu....

Giải pháp dài hơi

Năng suất đội tàu của Hà Tĩnh còn thấp là do công nghệ, trình độ và mức độ đầu tư vào nghề khai thác còn hạn chế. Từ đó cần rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy nghề khai thác thủy sản tỉnh ta phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế. Trước mắt phải xây dựng kế hoạch cụ thể từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 để có giải pháp đồng bộ.

Theo ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, muốn nghề khai thác hải sản đạt hiệu quả theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm thì nhất thiết phải cơ cấu lại đội tàu theo hướng giảm dần khối tàu công suất nhỏ, phát triển khối tàu có công suất lớn từ 30CV trở lên để vươn ra khai thác xa bờ. Phấn đấu đến năm 2015, Hà Tĩnh có 3.350 tàu với tổng công suất 85.250CV và năm 2020 có 3000 tàu với tổng công suất 97,076CV. Để đạt được mục tiên trên, các cấp, ngành cần có cơ chế, chính sách về vốn nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cao công suất tàu, giảm dần tàu có công suất nhỏ; hỗ trợ về lãi suất vốn vay ngân hàng đóng mới tàu đánh bắt xa bờ và hỗ trợ trong việc ứng dựng công nghệ mới vào khai thác.

Việc dự tính, dự báo về ngư trường mùa vụ và thông tin nghề cá hết sức quan trọng. Do đó, các ngành chức năng cần phải tăng cường nguồn lực, phương tiện, tài chính để thực hiện nhằm hỗ trợ nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả phù hợp với xu thế hội nhập.

Hiện nay, lực lượng quản lý Nhà nước về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn thiếu; phương tiện kiểm tra hoạt động trên biển đã xuống cấp, hạn chế hoạt động nên cần bổ sung nhân lực và nâng cao năng lực cho Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và mạng lưới chỉ đạo, quản lý từ tỉnh đến huyện, xã. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo khai thác phải đi đôi với gìn giữ; tập huấn cho ngư dân về các quy định của Nhà nước về lĩnh vực khai thác và tham quan học tập các mô hình khai thác hiệu quả, sử dụng công nghệ khai thác tiên tiến. Hạn chế tối đa các hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản làm ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi. Tiến hành xây dựng và thành lập các hợp tác xã, tổ, đội khai thác để phát huy sức mạnh cộng đồng, khai thác hiệu quả. Bên cạch đó cần xây dựng các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển các cụm kih tế thủy sản tập trung các vùng cửa biển, tạo điều kiện nâng cao nghề khai thác..

Thực hiện đồng bộ những giải pháp trên thì thai thác hải sản mới thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương có tiềm năng về biển ở Hà Tĩnh. Đây là lĩnh vực đem lại nguồn lợi cao và nhanh, sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường tại chỗ mà còn quyết định sự tăng trưởng của lĩnh vực xuất khẩu, tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt có ý nghĩa trong viêc bảo vệ ổn định an ninh chủ quyền vùng biển...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast