Việc làm trái khoáy của Trung tâm phát triển Quỹ đất Hà Tĩnh !

Cùng một tuyến đường bị ảnh hưởng, cùng một loại đất, cùng thời điểm kiểm kê, áp giá..; song hai hộ gia đình ở liền kề nhau lại được cơ quan bồi thường, giải phóng mặt bằng “ban” cho hai mức giá khác nhau. Việc làm trái khoáy này của Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Tĩnh (Sở TN&MT Hà Tĩnh) không chỉ khiến người dân Thạch Khê và lãnh đạo huyện Thạch Hà hết sức bất bình, mà còn gây nên một tâm lý bất ổn cho người dân địa phương nơi sắp tới phải di dời, giải phóng mặt bằng với số lượng lớn để phục vụ Dự án mỏ sắt Thạch Khê....

Chấp hành tốt thì cho ... thiệt !?

Theo phản ảnh của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án đường nối QL1A đi mỏ sắt Thạch Khê (đoạn qua xóm 7 xã Thạch Khê) thì năm 2008 họ được Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Tĩnh (TTPTQĐ) thuộc Sở TNMT Hà Tĩnh tiến hành kiểm kê, áp giá đền bù.

Hai hộ gia đình Dương Kim Sơn và Trương Thị Tửu (xóm 7, xã Thạch Khê) liền kề nhau nhưng lại được đền bù tiền đất với hai mức giá khác nhau.
Hai hộ gia đình Dương Kim Sơn và Trương Thị Tửu (xóm 7, xã Thạch Khê) liền kề nhau nhưng lại được đền bù tiền đất với hai mức giá khác nhau.

Theo cán bộ địa chính xã Thạch Khê thì toàn xã có trên 80 hộ bị ảnh hưởng được đền bù; nhiều nhất là ở xóm 7 (67 hộ), số còn lại ở xóm 2, xóm 3.

Trong số 67 hộ ở xóm 7, có 12 hộ chấp hành tốt mọi chủ trương về kê khai đền bù và đã thống nhất khối lượng, tài sản đền bù với đơn vị tiến hành kiểm kê, áp giá đền bù là TTPTQĐ Hà Tĩnh.

Những hộ còn lại do còn có khiếu nại, còn chưa thống nhất được với cách tính toán, áp giá khối lượng đền bù với TTPTQĐ Hà Tĩnh nên đến 8/1/2009 mới tiến hành kiểm kê, áp giá xong.

Ngày 15/1/2009, người dân được mời lên xã nhận tiền đền bù. Tại đây, họ hết sức bất ngờ khi thấy thời gian nhận tiền là năm 2009, nhưng mức giá mà họ được nhận lại là giá của năm 2008. Cụ thể: giá đất ở năm 2009 được tỉnh quy định đền bù là 750.000đ/m2, năm 2008 là 700.000đ/m2. Việc “tráo” giá năm 2009 về mức giá 2008 của các “ông đền bù” bị người dân phát hiện và đa số từ chối nhận tiền khiến buổi chi trả không thành.

Đến tháng 10/2009, một lần nữa người dân lại được mời lên để nhận tiền đền bù. Lúc này, giá đất ở được tính đúng với quy định của năm 2009 là 750.000đ/m2, tuy nhiên không hiểu sao trong 63 hộ bị ảnh hưởng ở xóm 7 nhận tiền đợt này chỉ có 51 hộ được hưởng mức giá này, số còn lại 12 hộ chỉ được nhận 700.000đ/m2.

Lý do mà TTPTQĐ Hà Tĩnh đưa ra là: 12 hộ này áp giá của năm 2008 ! Điều này không thuyết phục được các hộ còn lại nhận tiền bởi không đảm bảo sự công bằng; không có lý do gì có thể chấp nhận được khi mà các hộ liền kề trên một tuyến đường, cùng một loại đất lại bị tính mức giá đền bù khác nhau. Trớ trêu hơn, đây lại là những hộ chấp hành tốt từ đầu mọi chủ trương đền bù giải phóng mặt bằng. Vậy là những ai chấp hành tốt lại bị “ông đền bù” TTPTQĐ Hà Tĩnh cho hưởng mức giá thấp hơn!

Quá bất bình với cách làm thiếu công bằng của TTPTQĐ Hà Tĩnh, 12 hộ dân nói trên đã kiên quyết không nhận tiền. Lúc này, các “ông đền bù” mới đề nghị người dân cứ nhận mức 700.000đ/m2 , còn lại sẽ điều chỉnh giá và trả lại cho bà con sau.

Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân, trước cách giải quyết trên của các “ông đền bù” nhiều bà con vẫn không chịu nhận vì sợ bị “lật lọng”, lúc này Bí thư huyện uỷ Thạch Hà Bùi Xuân Thập - người có mặt chứng kiến buổi chi trả phải can thiệp bằng cách đề nghị các bên liên quan phải viết cam kết điều chỉnh giá, người dân mới chịu ký vào danh sách nhận tiền.

Lật lọng ?

Mọi việc không có gì đáng nói nếu như TTPTQĐ Hà Tĩnh thực hiện đúng cam kết với người dân. Song điều mà người dân lo ngại đã xẩy ra đó là đến nay tuyệt nhiên người dân đã không còn nhận được tiền điều chỉnh giá như các “ông đền bù” đã cam kết. Thay vào đó, ông Hồ Huy Thành – Giám đốc TTPTQĐ Hà Tĩnh “phát” một công văn xuống cho các hộ dân giải thích: những hộ nói trên chỉ được hưởng mức giá 700.000 đ/m2 là đúng luật do kiểm kê, áp giá năm 2008, những hộ được nhận 750.000đ/m2 là do giá cả thị trường biến động, do các quy định của nhà nước đã có sự thay đồi ?!

Ông Hồ Huy Thành: "Số hộ được hưởng 750.000đ/m2 là do sang năm 2009 mới thực hiện kiểm kê, áp giá xong"
Ông Hồ Huy Thành: "Số hộ được hưởng 750.000đ/m2 là do sang năm 2009 mới thực hiện kiểm kê, áp giá xong"

Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông giám đốc TTPTQĐ Hà Tĩnh, tại buổi làm việc ông Thành vẫn loanh quanh giải thích là các hộ trên do kiểm kê, áp giá năm 2008, số hộ được hưởng 750.000đ/m2 là do sang năm 2009 mới thực hiện kiểm kê, áp giá xong. Khi chúng tôi đề cập đến cam kết điều chỉnh giá với người dân như đã ký, ông Thành từ chối trả lời.

Làm việc với chúng tôi, ông Bùi Xuân Thập - Bí thư huyện uỷ Thạch Hà khẳng định: chính ông là người đề nghị phía TTPTQĐ Hà Tĩnh lập văn bản cam kết điều chỉnh giá cho người dân để đảm bảo công bằng trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng tại lần chi trả tháng 10/2009. Ông Thập cũng cho biết ông là người chứng kiến việc ký văn bản cam kết đó.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ dân bức xúc: "Đã cam kết là điều chỉnh giá, bây giờ lại lật lọng, thật không tin nổi cơ quan nhà nước lại làm ăn theo kiểu này..."

Lời kết

Việc các hộ gia đình cùng nằm trên một tuyến đường, cùng một loại đất, cùng một thời điểm kiểm kê, áp giá đền bù lại được tính bằng các mức giá khác nhau là việc hi hữu xẩy ra từ trước tới nay trong đền bù giải phóng mặt bằng.

Cần phải khẳng định: việc để xẩy ra sự mất công bằng nói trên, trách nhiệm thuộc về phía đơn vị tiến hành kiểm kê, áp giá đền bù là TTPTQĐ Hà Tĩnh; bởi, người dân không thể cầm hồ sơ đi trình ký các cơ quan chức năng để nhận tiền đền bù mà trách nhiệm trình ký, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thuộc về phía TTPTQĐ Hà Tĩnh.

Mặt khác, việc đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong đền bù, giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của đơn vị thực hiện công tác kiểm kê, áp giá của dự án là TTPTQĐ Hà Tĩnh. Không thể lấy bất kỳ một lý do gì để “tước đoạt” quyền lợi của người dân, phá bỏ công bằng, gây mất ổn định trong nhân dân.

Điều lo ngại hiện nay, theo như Bí thư huyện uỷ Thạch Hà và lãnh đạo xã Thạch Khê là nếu sự việc không được giải quyết triệt để, nếu quyền lợi chính đáng của người dân không được bảo vệ thì sẽ gây ra những diễn biến tiêu cực trong suy nghĩ, tâm lý của người dân địa phương khi thực hiện công tác di dời, giải phóng mặt bằng sau này. Bởi theo kiểu làm việc trên, TTPTQĐ Hà Tĩnh đang tạo ra một tiền lệ: hộ gia đình chấp hành trước thì “được” ít, hộ gia đình chấp hành sau “được” nhiều !

Đề nghị UBND tỉnh và các ban ngành chức năng sớm vào cuộc chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc trên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast