Vụ hè thu đạt kết quả khá dù hạn hán, sâu bệnh hoành hành

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch gọn lúa hè thu. Tuy năng suất bình quân chỉ đạt 38,25 tạ/ha (bằng 84% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng đặt trong bối cảnh sản xuất liên tục phải gánh chịu hạn hán kéo dài, sâu bệnh diễn biến phức tạp, việc giành được hơn 15 vạn tấn lương thực là những nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chủ quản, đặc biệt là bà con nông dân tỉnh nhà.

Phòng Thống kê Nông - Lâm - Thủy sản (Cục Thống kê Hà Tĩnh) luôn là địa chỉ được cánh phóng viên ghé thăm đầu tiên sau mỗi vụ sản xuất.

Dịch sâu cuốn lá nhỏ và lùn sọc đen trên cây lúa đã làm giảm năng suất, chất lượng lúa hè thu ở nhiều địa phương
Dịch sâu cuốn lá nhỏ và lùn sọc đen trên cây lúa đã làm giảm năng suất, chất lượng lúa hè thu ở nhiều địa phương

Dù khá bận rộn mới cơ man số liệu, bảng biểu nhưng bà Mai Thị Cẩm Giang - Trưởng phòng, vẫn giành thời gian đáng kể để phân tích một cách chi tiết về tình hình sản xuất vụ hè thu 2010 vừa qua.

Theo đó, vụ hè thu 2010, toàn tỉnh gieo cấy 41.356 ha (bằng 99,13% so với cùng kỳ năm trước). Thống kê bước đầu cho thấy, năng suất vụ hè thu vừa qua chỉ đạt 34,63 tạ/ha (bằng 76,77% so với cùng kỳ).

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về năng suất, sản lượng là do toàn tỉnh có đến 10.187 ha bị hạn (5.619 ha hạn nặng), 2.488 ha bị nhiễm bệnh lùn sọc đen (1.507 ha buộc phải tiêu hủy), 14.279 ha bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại, 8.502 ha bị ngập do ảnh hưởng của bão số 3. Hạn hán, sâu bệnh và thiên tai đã làm 3.442 ha lúa bị mất trắng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hà - Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT lại cho rằng, để đánh giá khách quan thì việc thống kê cần tính cho từng diện tích cụ thể.

Chẳng hạn những diện tích lúa bị mất trắng do hạn hán, sâu bệnh và bão số 3 làm hư hỏng đều là những diện tích bất khả kháng, hoàn toàn do khách quan mang lại thì phải loại trừ khi tính trong tổng diện tích toàn tỉnh.

Hay như hơn 500 ha lúa chét ở Đức Thọ cũng không thể đưa vào vì nó không nằm trong kế hoạch sản xuất.

Với phương pháp tính này thì năng suất bình quân trên diện tích cho thu hoạch toàn tỉnh đạt 38,25 tạ/ha, cụ thể: Đức Thọ 45,32 tạ/ha, thị xã Hồng Lĩnh 40,15 tạ/ha, Can Lộc 40,02 tạ/ha, Kỳ Anh 39,65 tạ/ha, Cẩm Xuyên 38,78 tạ/ha, Lộc Hà 36,88 tạ/ha, Thạch Hà 36,5 tạ/ha...

Những con số nêu trên vẫn chỉ là bước đầu.

Cho dù giữa ngành chủ quản và đơn vị liên quan chưa tìm được tiếng nói chung về năng suất, sản lượng nhưng đã gặp nhau khi đánh giá về các yếu tố bất lợi làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.

Yếu tố bao trùm hơn cả trong vụ hè thu vừa qua chính là hạn hán. Nỗi lo này bắt đầu lớn dần từ cuối vụ sản xuất đông xuân 2009 - 2010 và ập đến vào đầu vụ hè thu. Nguồn nước ở các hồ, đập nhỏ, sông, suối gần như cạn kiệt do nắng nóng gay gắt kéo dài.

Cùng đó là việc cắt điện luân phiên của ngành điện đã làm cho sản xuất vốn đã khó khăn càng trở ngại hơn. Thiếu nước, thiếu điện đã biến người sản xuất từ chủ động sang bị động, kéo theo đó là thời vụ từ sớm chuyển sang muộn.

Đến đầu tháng 6, trong khi bà con nông dân ở những vùng gieo cấy sớm vui mừng trước "cơn mưa vàng" khi đồng ruộng được "giải khát" thì không ít hộ dân ở Cẩm Xuyên và vùng biển ngang Thạch Hà lại muối mặt vì lúa mới được gieo cấy, chưa chắc rễ đã bị nước lũ làm trìa mộng, thối gốc buộc phải gieo lại.

Trung tuần tháng 7, nắng nóng càng gay gắt hơn khi ẩm độ không khí ở mức thấp, còn gió Lào thì vẫn thổi riết làm cho 7.014 ha cây trồng bị khô hạn, trong đó: 700 ha lúa thuần bị mất trắng, 6.314 ha bị mất khoảng 30%.

Đan xen cùng hạn hán là 3 lứa sâu cuốn lá đua nhau phát sinh, gây hại trên diện rộng từ giữa tháng 6 với diện tích nhiễm bệnh xấp xỉ 14 ngàn ha, rải đều trên các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Sự hoành hành của sâu cuốn lá, bên cạnh yếu tố khách quan là thiếu nước nên không thể phun hóa chất phòng ngừa còn do không ít chính quyền địa phương và bà con nông dân chủ quan (vốn tin tưởng vào kinh nghiệm sản xuất bấy lâu mà không gắn với theo dõi diễn biến trên đồng ruộng). Đến giữa tháng 7, lần đầu tiên bệnh lùn sọc đen tấn công đồng ruộng tỉnh nhà với 2.488 diện tích bị nhiễm, trong đó, số nhiễm nặng buộc phải tiêu hủy là 1.507 ha. Kỳ Anh và Cẩm Xuyên là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề với hơn 1.400 ha lúa đã được tiêu hủy.

Không chịu khuất phục trước hạn hán, sâu hại, ngành chủ quản cùng chính quyền các cấp đã tìm mọi biện pháp để vét nước cứu lúa và tập trung phun hóa chất phòng trừ sâu bệnh. Nhiều diện tích lúa tưởng như không còn cứu vãn được dần hồi sinh và làm đòng, trổ bông chờ ngày thu hoạch. Nhưng một lần nữa, thiên nhiên khắc nghiệt không chịu buông tha sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh khi cơn bão số 3 ập đến vào đúng dịp thu hoạch lúa hè thu. Ngoài những diện tích chín rộ, bà con đã vận dụng chủ trương "xanh nhà hơn già đồng" để hạn chế thấp nhất thiệt hại xẩy ra. Tuy nhiên, vẫn có 8.502 ha chưa kịp chín đã bị ngập úng và ngã rạp, trong đó có 2.187 ha bị mất trắng.

Chưa bao giờ chúng ta gặp nhiều khó khăn như vụ sản xuất hè thu vừa qua. Nhưng chính từ những thử thách khắc nghiệt đó tiếp tục hun đúc cho nghề trồng trọt nhiều kinh nghiệm quý. Đó là công tác quy hoạch đồng ruộng để cơ cấu cây trồng hợp lý; kịp thời chuyển đổi những diện tích cao cưỡng sang sản xuất cây trồng cạn; biết tiết kiệm nước khi thừa để giành lúc hạn hán; biết chủ động dự tính, dự báo sâu bệnh hại để tập trung xử lý dứt điểm khi còn ở diện hẹp...

Thiên tai, hạn hán là bất khả kháng nhưng nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan chắc chắn kết quả trong vụ sản xuất vừa qua còn khả quan hơn nhiều.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast