Xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm tăng lợi thế cạnh tranh

Chiều 21/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì buổi làm việc nhằm xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực và giải pháp phát triển đến năm 2020.

Trong những năm qua, nông nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tỉnh ta, giá trị tăng trưởng giai đoạn 2006- 2010 đạt bình quân 3,1%/năm, đóng góp từ 39,99- 46,2% GDP. Trong đó, các sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi chủ yếu là: lúa gạo, lạc nhân, mủ cao su, chè búp khô, các loiaj củ có múi, thịt lợn, trâu, bò,…

Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hà Tĩnh

Tuy sản xuất nông nghiệp đang có những bước chuyển dần từ tự cung tự cấp sang nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng gia tăng giá trị và lợi nhuận gắn với quy hoạch xây dựng NTM trên đơn vị diện tích nhưng tiến độ còn chậm, nhiều địa phương chưa xác định được cây, con chủ lực, mối liên hệ vùng và giải pháp phát triển.

Trên cơ sở điều tra từ các địa phương, sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh được định hướng: Lúa, lạc, đậu xanh, bưởi Phúc Trạch, cam, rau củ đối với trồng trọt; lợn, bò, hươu đối với chăn nuôi; lâm nghiệp: cao su, nguyên liệu gỗ rừng trồng; thủy sản: tôm thẻ chân trắng.

Các ý kiến đóng góp xoay quanh các vấn đề: việc xây dựng sản phẩm chủ lực phải dựa trên cơ sở liên kết được sản xuất- chế biến và tiêu thụ, nhằm tăng giá trị về thương hiệu, vùng sản xuất cho sản phẩm; cần xác định rõ sản phẩm chủ lực của tỉnh và của từng địa phương với những lợi thế đặc trưng riêng để có lộ trình phát triển,…

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định, sản phẩm chủ lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh nhà. Trên cơ sở những tiềm năng lợi thế của từng vùng, việc xác định được sản phẩm chủ lực sẽ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo chỗ đứng trong thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Ngành nông nghiệp cần xác định rõ ràng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa và phải đảm bảo các tiêu chí: là sản phẩm chiếm tỷ trọng kinh tế lớn, được sản xuất trên quy mô lớn gắn với công nghệ chế biến, có khả năng kết nối với vùng miền, thị trường và tiềm năng xuất khẩu; sản phẩm đó phải mang tính đặc sản của Hà Tĩnh. Muốn vậy, các ngành chức năng và địa phương cần chú trọng công tác quy hoạch chi tiết, sao cho nổi bật được sản phẩm chủ lực của từng địa phương và của tỉnh. Không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thu hút đầu tư, tạo mối liên hệ gắn kết chặt chẽ giữa DN, HTX và nông dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast