Xanh mướt đôi bờ Ngàn Sâu

Sau gần 3 tháng lũ dữ đi qua, vùng đất chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh Hà Tĩnh đã dần hồi sinh. Dọc đường 15A xuôi về phố thị chúng tôi bắt gặp mùa xuân đang theo chân người nội trợ về với từng gia đình trên huyện miền núi Hương Khê...

Tôi có may mắn hơn nhiều bạn đồng nghiệp: những năm 1970 - 1980 đã nhiều lần lên thăm thú và làm việc tại Hương Khê (Hà Tĩnh). Đường lên huyện miền núi này những năm đó cheo leo gập ghềnh. Qua Truông Bát thỉnh thoảng vẫn gặp gia đình voi ra kiếm ăn ven suối. “Con phà” Địa Lợi già nua lần lượt cõng xe qua sông. Trên sông Ngàn Sâu từng đoàn ca nô lầm lũi nổ máy đẩy xà lan chở hàng xuôi ngược. Nhân dân huyện miền núi Hương Khê những năm này thiếu thốn đủ bề. Những ngày cuối tháng chạp Canh Dần ngồi trên thuyền máy từ Hương Thủy xuôi dòng Ngàn Sâu vào mùa nước kiệt tôi thấy con sông thân quen quê nhà hình như nhỏ lại, nông dần sau mỗi mùa lũ lụt.

Ngàn Sâu có chiều dài 120km, bắt nguồn từ sông Tiêm, Rào Nổ, Ngàn Trươi và hàng trăm khe suối… Nói đúng hơn Ngàn Sâu là dòng sông hội tụ của hàng ngàn khe suối của phía Tây dãy Trà Sơn và Đông Bắc dãy Trường Sơn bao la hùng vĩ. Từ điểm đầu (huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình), Ngàn Sâu uốn mình qua các xã Hương Trạch, Phúc Trạch xuôi về Hà Linh, Phương Mỹ (Hương Khê) qua Đức Bồng, Đức Liên (Vũ Quang)… để “kết duyên” với Ngàn Phố tại bến Tam Soa tạo nên dòng sông La hiền hòa thơ mộng.

Dịp này đi thuyền trên sông Ngàn Sâu mây mù lảng đãng, hai bên bờ sông ngô đã lên luống (xem ảnh) khoai đã kín vồng, màu xanh đang hồi sinh sau nạn đại hồng thủy, đường vào các xã ven sông đã vơi bớt bùn đất, bà con vùng lũ đã qua cảnh màn trời chiếu đất. Đi chợ về ngoài mớ rau, con cá còn có thêm lá dong, cân đậu…

Ngàn Sâu trở lại hiền hòa và thơ mộng
Ngàn Sâu trở lại hiền hòa và thơ mộng

Cũng trên con sông này thôi, 3 tháng trước đây 5.000 hộ với hơn 3 vạn người dân ven sông hàng tháng trời chống chọi với lũ dữ hơn 10.000 ngôi nhà, 30 trường học, 9 trạm xá… ngập chìm trong biển nước mênh mông. Chúng tôi ghé thuyền vào thăm gia đình chị Đinh Thị Cường và gia đình ông Nguyễn Văn Phúc ở xóm Tân Hạ 1, xã Phương Mỹ. Dân xóm chài này chủ yếu sống bằng nghề sông nước. Bao nhiêu năm lênh đênh dọc sông Ngàn Sâu, ba bốn năm nay chính quyền xã Phương Mỹ mới cấp cho họ mảnh đất cắm dùi để ổn định cuộc sống dài lâu. Tuy còn có nhiều khó khăn nhưng nhìn gương mặt của họ đủ nói lên cuộc sống đang dần khá lên. Sau lũ, chị Cường tâm sự: chúng em được hỗ trợ gạo, tiền và các đồ dùng gia đình, tết này tuy không được đàng hoàng nhưng chúng em nhà nào cũng có bánh chưng, thịt lợn, dưa hành… trước để cúng tổ tiên và thứ đến cả nhà vui vẻ đoàn tụ sau một năm lao động cật lực.

Đoạn cuối sông Ngàn Sâu qua huyện Hương Khê chúng tôi bắt gặp khúc sông ngoằn ngoèo. Dân địa phương thường gọi đoạn sông này là 9 khúc Hồi Lai, cũng có người gọi 9 khúc Hói Nai. Bác Hoàng Xuân Khánh - một người cao niên ở Phương Mỹ giải thích khá cặn kẽ: Những năm 1950 của thế kỷ nước vùng này nhiều nai, hoảng. Chiều chiều nai, hoảng hay ghé đoạn sông này uống nước nên dân địa phương gọi lại Hói Nai. Nhưng hiểu cặn kẽ thấu đáo 9 khúc Hồi Lai nước chảy xuôi, ngược 9 lần trước khi về với biển nên mới có địa danh Hồi lai. Chính vì ngoằn ngoèo gấp khúc nên mùa lũ mức nước chênh lệch của Hói Lai có khi tới 2 – 3m.

Cuộc sống đã hồi sinh trên "rốn" lũ Hương Khê
Cuộc sống đã hồi sinh trên "rốn" lũ Hương Khê

Đi cùng đoàn với anh em chúng tôi có Chủ tịch xã Phương Mỹ Nguyễn Hồng Quân. Qua làm việc, chúng tôi biết là Chủ tịch xã vùng "rốn" lũ, tuổi đời chưa nhiều nhưng Hồng Quân năng động nói đi đôi với làm. Anh tâm sự: Đợt lũ vừa qua nếu không có sự trợ giúp của Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm thì thiệt hại của quê em khó lường được. Với 2,3 tỷ tiền mặt, 172 tấn gạo và 5.083 thùng mì tôm… đã giúp Phương Mỹ vượt qua cơn hoạn nạn.

Quân nói tiếp, khi Nhà nước cho xây công trình Ngàn Trươi - Cẩm Trang dân ven sông Ngàn mừng ít lo nhiều. Mừng là tỉnh nhà có thêm công trình đại thủy nông, lo là vì nếu làm dập dâng ở phía dưới Hói Lai thì vùng đất canh tác khoảng 588 ha đất sản xuất và 800 hộ dân từ đập dâng lên Phương Mỹ qua Hà Linh, Hương Thủy… sẽ ngập chìm trong nước. Người dân ven sông Ngàn nhiều đời nay thủy chung với đồng ruộng rồi đây sẽ đi đâu làm gì để xây dựng cuộc sống mới. Băn khoăn trăn trở của Chủ tịch Quân cũng là băn khoăn của nhiều người dân dọc theo sông Ngàn. Hy vọng tỉnh và trung ương sẽ có lời giải thỏa đáng.

Thời tiết khắc nghiệt bất thường là quy luật của thiên nhiên nhưng thủ phạm chính vẫn là do con người. Có một thời huyện Hương Khê mỗi năm tính thành tích đã khai thác được bao nhiêu vạn m3 gỗ, đã chuyển đổi được bao nhiêu ha rừng nguyên sinh, đầu nguồn sang trồng chè trồng sắn để đến bây giờ chưa nắng đã hạn và lũ lụt thường xuyên… Hậu quả đã quá rõ, muốn khống chế việc này không chỉ ngày một ngày hai và đầu tư sức người, sức của không ít. Hiện ven sông Ngàn Sâu riêng Hương Khê đã có 5.000 hộ dân đang ăn ở, sản xuất, học tập, công tác tương lai làm ăn như thế nào? Học tập, công tác ra sao? Chia sẻ khó khăn với nhân dân ven sông Ngàn hy vọng Chính phủ sẽ có chính sách đầu tư ngân sách giúp bà con “sống chung với lũ”.

Ngược về phố huyện làm việc với các cơ quan của Hương Khê, chúng tôi biết vụ đông xuân 2010 - 2011 tỉnh đã hỗ trợ Hương Khê 28 tấn giống ngô; 132 tấn giống lúa, 300 tấn phân đạm giá ưu đãi. Vấn đề khó nhất của Hương Khê hiện nay cũng là vấn đề cấp bách của nhân dân ven sông Ngàn là giống lạc. Theo kế hoạch vụ lạc này Hương Khê gieo trồng 2.300 ha và cần đến 4.600 tấn giống (tương ứng 17 tỷ đồng). Đây là bài toán chưa có lời giải cho Hương Khê khi thời vụ gieo lạc đã cận kề.

Sau gần 3 tháng lũ dữ đi qua, vùng đất chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh Hà Tĩnh đã dần hồi sinh một số cánh đồng lúa đã bén rễ, rau màu vụ đông đã lên xanh người dân vùng lũ đang bộn bề với công việc đồng áng và chuẩn bị những nhu cầu thiết yếu để đón Tết Tân Mão. Dọc đường 15A xuôi về phố thị chúng tôi bắt gặp mùa xuân đang theo chân người nội trợ về với từng gia đình trên huyện miền núi Hương Khê.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast