Xây dựng bể biogas - Hiệu quả "5 trong 1"

Năm 2011 là năm thứ 2 Hà Tĩnh triển khai dự án "Chương trình khí sinh học (KSH) cho ngành chăn nuôi Việt Nam" do Bộ NN&PTNT và Tổ chức Hợp tác phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng gần 500 bể biogas. Các hộ tham gia xây dựng bể biogas đã tạo khí đun nấu thắp sáng, giảm ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, giải phóng sức lao động, sử dụng phụ phẩm KSH để tưới bón cho cây trồng, tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường.

“Trước đây, cứ 2 tháng, gia đình tôi dùng hết 1 bình gas công nghiệp để nấu nướng, tốn gần 350 ngàn đồng. Từ khi xây dựng bể biogas đã sử dụng khí đun nấu, thắp sáng nên không còn dùng đến gas công nghiệp nữa, sử dụng điện cũng ít hơn. Giờ đây, mỗi tháng tiết kiệm được từ 300 - 350 ngàn đồng mua củi và điện thắp sáng", chị Lê Thị Hạnh, thôn Sơn Hà, xã Đức Giang (Đức Thọ) chia sẻ.

Một hộ chăn nuôi ở thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) sử dụng khí biogas để thắp sáng
Một hộ chăn nuôi ở thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) sử dụng khí biogas để thắp sáng

Gia đình ông Nguyễn Thanh Châu, xóm 3, xã Bùi Xá (Đức Thọ) làm nghề đậu phụ nhằm tăng nguồn thu nhập và tận dụng phụ phẩm đó để chăn nuôi lợn, có thời điểm gia đình ông nuôi trên 20 con lợn, cứ 3 tháng xuất bán gần 2 tấn lợn hơi, đưa lại nguồn thu nhập ổn định gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi toàn bộ phân đều thải cống rãnh công cộng gây ô nhiễm môi trường không chỉ riêng cho gia đình mà còn ảnh hưởng đến các hộ gia đình xung quanh.

Ông Châu cho biết: “Nhờ được Dự án hỗ trợ 1,2 triệu đồng, hướng dẫn kỹ thuật gia đình tôi đã xây bể biogas với thể tích 8,2 m3, sau 1 tuần nạp phân thải đã có khí để sử dụng đun nấu, thắp sáng, giảm ô nhiễm môi trường. Tôi đã mở rộng mô hình làm đậu phụ để duy trì thường xuyên 30 con lợn thịt và 4 con lợn nái cung cấp giống cho bà con trong xã".

Trong khi người dân ở phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) lại dùng để đun nấu
Trong khi người dân ở phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) lại dùng để đun nấu

Nhờ được tuyên truyền nên ông Nguyễn Văn Đồng, thôn 9, Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) sử dụng 200 kg bã thải từ bể biogas bón cho 1 sào lúa sau khi cấy 20 - 30 ngày, kết hợp bón phân NPK Việt Nhật 6 kg. Trong quá trình theo dõi cho thấy, sử dụng các bón này giảm được từ 6-7 kg phân đạm urê tương đương 60-70 ngàn đồng, tăng năng suất lúa từ 7-15% so với cây lúa trên cùng diện tích.

Ông Đồng cho biết: Khi bón 10-20 ngày lúa phát triển nhanh. Tôi rất lo lắng, nhưng 10 ngày sau đó cây lúa trở lại bình thường, lúa trổ đều, hạt chắc nhiều, năng suất cao so với bón phân chuồng truyền thống. Vụ hè thu tới, tôi sẽ áp dụng cách bón này và vận động bà con trong xóm áp dụng nhằm giảm chí phí sản xuất.

Theo ông Võ Tá Xà - Giám đốc Trung tâm chuyển giao KHCN Cẩm Xuyên, thời gian đầu, do người dân chưa thấy được lợi ích của việc xây dựng bể biogas nên phần lớn hộ dân còn e dè, chưa tin tưởng vào công nghệ mới này. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức trên 10 lớp tập huấn, với hơn 350 lượt người tham gia. Cùng đó là đẩy mạnh công tác thông tin tuyền truyền nên người dân đã thấy được hiệu quả xây bể biogas và tham gia dự án ngày càng nhiều.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây được 295 bể biogas. Theo tính toán xây bể biogas, mỗi tháng các hộ tiết kiệm từ 250 - 350 ngàn đồng tiền mua chất đốt, tiền điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, giảm nguy cơ dịch bệnh cho gia súc, giải phóng lao động, sử dụng phụ phẩm từ bể biogas để tưới bón cho cây trồng, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn, tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường.

Kỹ thuật viên dự án hướng dẫn người dân Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) vận hành bể biogas
Kỹ thuật viên dự án hướng dẫn người dân Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) vận hành bể biogas

Nhiều nghiên cứu, ứng dụng của Văn phòng Dự án khí sinh học trung ương cho thấy, sản phẩm đầu tiên của khí sinh học là sử dụng khí để đun nấu, thắp sáng, chạy máy phát điện…; sản phẩm thứ hai là phụ phẩm khí sinh học (nước xả, bã thải) để tưới cho cây trồng như: lúa, rau màu, lạc, cây ăn quả…Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng phụ phẩm khí sinh học còn hạn chế nên cần khuyến cáo nhân rộng mô hình ứng dụng phụ phẩm. Thực hiện được những nội dung đó là đã đạt các mục tiêu của án đề ra: “Cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống thông qua khai thác các lợi ích về KT- XH và môi trường của công trình KSH quy mô hộ gia đình; góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính; cung cấp phụ phẩm KSH cho trồng trọt và chăn nuôi, tạo sản phẩm sạch".

Từ những lợi ích đó, Văn phòng Dự án khí sinh học Hà Tĩnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia dự án xây dựng bể biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, tạo nguồn năng lượng sạch, tăng quy mô chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đây vừa là mục tiêu và động lực góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn ở tỉnh ta trong giai đoạn hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast