''Xây hồ, đắp đập, ta ngăn dòng nước ngọt…''

Hơn ai hết, Ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh thấu hiểu giá trị những công trình thuỷ lợi trong việc tưới phục vụ sản xuất trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản và nước sinh hoạt của người dân nông thôn. Là cánh tay nối dài của ngành, những năm qua, tập thể BQL Dự án XDCB ngành NN&PTNT luôn trăn trở, tìm tỏi, phát huy trí tuệ để quản lý tốt việc đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi có tầm cỡ của tỉnh nhà.

Hồ chứa nước Xuân Hoa (Cổ Đạm - Nghi Xuân) - Một công trình hội tụ cả chất lượng và mỹ thuật

Hồ chứa nước Xuân Hoa (Cổ Đạm - Nghi Xuân) - Một công trình hội tụ cả chất lượng và mỹ thuật

Hơn một năm kể từ ngày bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, vẫn còn không ít người chưa hết ngạc nhiên trước kỳ tích Hồ chứa nước Xuân Hoa (xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân).

Nói hồ Xuân Hoa như một kỳ tích là bởi, từ bao đời nay, việc tìm kiếm nguồn nước tưới cho huyện Nghi Xuân như một bài toán hóc búa luôn hiển hiện trước mắt mỗi kỹ sư ngành thuỷ lợi tỉnh nhà. Hóc búa không phải Nghi Xuân không có núi có khe mà bởi địa chất vùng này chủ yếu là đất cát mịn, kết hợp với đó là vào mùa khô, gió Lào thổi mạnh nên việc chống thấm nền, đồng thời phải đảm bảo tốt nguồn sinh thuỷ trong lòng hồ trước lượng nước bốc hơi lớn luôn được dò đi tính lại trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Kỹ sư Lê Minh Cầm – Phó BQL Dự án XDCB ngành NN&PTNT là người gắn bó với hồ Xuân Hoa từ khi UBND tỉnh có Quyết định đầu tư – cũng là thời điểm BQL Dự án XDCB ngành NN&PTNT hình thành (tháng 9 – 2004).Trong vai trò của một giám sát trưởng công trình (từ năm 2005 – 2008), những thông tin thường nhật từ công trường hồ Xuân Hoa luôn được cập nhật để tập thể Ban bàn phương án xử lý.

Khó khăn nhất trong quá trình thi công dự án này không chỉ ở việc xử lý nền móng mà còn ở chỗ phải chọn được các bãi vật liệu đắp đập. Sau nhiều lần bàn tính, vấn đề cũng được giải quyết theo phương án xử lý tại chỗ. Nhưng, thành công của Ban còn thể hiện ở chỗ đã lựa chọn được các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm thi công nên hầu như không có sự bất cập so với thiết kế. Kết quả là sau hơn 2 năm rưỡi năm đầu tư xây dựng, tháng 12 – 2008, những dòng nước mát lành từ hồ Xuân Hoa đã tràn trề khắp gần 430 ha đất canh tác ở các xã Cổ Đạm và Xuân Liên, đồng thời tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Xuân An, thị trấn Nghi Xuân, khu công nghiệp Gia Lách, khu du lịch Xuân Thành và vùng phụ cận với công suất 20 ngàn m3/ngày đêm.

Nhân dân phấn khởi, đồng ruộng hả hê, mỗi cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Ban như vỡ oà trong niềm vui chiến thắng.

Tin tưởng tuyệt đối trước kỳ tích Xuân Hoa, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tiếp tục giao BQL Dự án XDCB ngành NN&PTNT quản lý đầu tư xây dựng Hồ chứa nước thượng nguồn sông Trí để giải quyết bài toán cấp nước cho Khu Kinh tế Vũng Áng với công suất 116,7 ngàn m3/ngày đêm, đồng thời bổ sung nguồn nước cấp cho hệ thống tràn hạ sông Trí nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho khu đô thị Nam Hà Tĩnh.

Hồ chứa nước thượng nguồn sông Trí trong ngày chặn dòng

Hồ chứa nước thượng nguồn sông Trí trong ngày chặn dòng

Sau gần 3 năm triển khai xây dựng, công trình đã cơ bản hoàn thành, hiện đang hoàn thiện một số tiểu tiết ở mái hạ lưu đập chính để phấn đấu bàn giao sử dụng trong những tháng đầu của năm 2010.

Khác với Xuân Hoa, dự án này khá thuận lợi do địa chất lòng hồ đảm bảo tốt các chỉ tiêu cơ – lý cho việc khai thác vật liệu đắp đập nhưng lại gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, thời tiết mưa nhiều, lạm phát giá cả và đặc biệt là nguồn vốn.

Còn nhớ, vào tháng 8 – 2008, trong một chuyến thực tế công trường, tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều nhà thầu buộc phải đắp chiếu máy móc, thiết bị để nằm chờ vốn vì không còn kinh phí trang trải cho nhiên liệu và nhân công. Trong khoảng lặng đó, lãnh đạo Ban như trăm mối tơ vò, thứ vừa động viên các đơn vị thi công tiếp tục triển khai để kịp tiến độ, thứ lại chạy đôn chạy đáo vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau để san sẻ bớt khó khăn cho các nhà thầu. Nốt thắt nhanh chóng được tháo gỡ để cho hôm nay, hồ sông Trí với gần 30 triệu m3 nước đang rộng cửa chào đón các công trường, xưởng máy trong Khu Kinh tế Vũng Áng, góp phần tạo thêm nhiều của cải vật chất mới cho xã hội.

Không chỉ được đánh giá cao về chất lượng, kỹ thuật thi công, các dự án hồ Xuân Hoa, hồ thượng sông Trí còn là những điểm nhấn khi thể hiện khá chi tiết về tính mỹ thuật - điều còn ít thấy trong xây dựng các công trình thuỷ lợi ở Việt Nam. Chính sự kết hợp hài hoà đó đã đưa các công trình này vào kế hoạch tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều đơn vị đến từ trung ương, các tỉnh bạn, đặc biệt đã trở thành pho dữ liệu sống quý giá cho các sinh viên ngành thuỷ lợi học tập, nghiên cứu.

Ngoài hai công trình hồ chứa trọng điểm trên, thời gian qua, BQL Dự án XDCB ngành NN&PTNT còn tập trung cao độ cho việc đầu tư xây dựng các dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Cửa Thờ - Trại Tiểu, hồ Nhà Đường (Can Lộc), hồ Mộc Hương, hồ Đá Cát (Kỳ Anh); đặc biệt là chuẩn bị cho việc khởi công Dự án Cống Đức Xá và Hệ thống kênh trục sông Nghèn. Ngoài ra, Ban còn được giao nhiệm vụ thực hiện Dự án xây dựng trụ sở làm việc của Sở NN&PTNT tại Khu đô thị mới Bắc Nguyễn Du. Tiếp nối với hồ Xuân Hoa, hồ thượng nguồn sông Trí là các dự án bổ sung hạng mục của hồ chứa nước Xuân Hoa; hạng mục bổ sung Dự án hồ chứa nước thượng nguồn sông Trí bằng việc xây dựng cống B (cống lấy nước) và kênh dẫn tuynel sau cống…

Lướt qua khối lượng công việc khổng lồ đó trước điều kiện vị trí các công trình nằm cách xa nhau trong khi vỏn vẹn chỉ có 18 con người đủ thấy, nếu không khéo léo sắp xếp, bố trí công việc hợp lý quả không dễ dàng hoàn thành tốt những nhiệm vụ luôn đòi hỏi sự tập trung và tính kịp thời.

Hồ Nhà Đường đang được Ban nâng cấp, sửa chữa bằng khoan phụt vữa bê tông thân đập chính

Hồ Nhà Đường đang được Ban nâng cấp, sửa chữa bằng khoan phụt vữa bê tông thân đập chính

Theo Kỹ sư Nguyễn Xuân Hành - Trưởng BQL Dự án XDCB ngành NN&PTNT, có được những thành công đó là nhờ sự quan tâm giúp đỡ từ Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, nhất là sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các ngành hữu quan, đặc biệt là sự lãnh đạo của Ban giám đốc Sở NN&PTNT. Về chủ quan, Ban nhận thấy, đơn vị đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, năng động, biết khơi dậy và phát huy trí tuệ của từng cá nhân trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng, phù hợp với sở trường của từng chức năng, vị trí. Với phương châm: “Chất lượng - kỹ thuật - mỹ thuật và hiệu quả”, thời gian tới, Ban tiếp tục duy trì tốt công tác giao ban hàng tuần, hàng tháng để bám sát kế hoạch đề ra, đồng thời tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, điều chỉnh và uốn nắn những sai sót dù là nhỏ nhất; thường xuyên đấu tranh phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư XDCB nhằm đưa các công trình đảm bảo thi công đúng tiến độ để kịp thời phục vụ sản xuất có hiệu quả.

"Xây hồ, đắp đập, ta ngăn dòng nước ngọt" - câu từ lắng đọng trong ca khúc Người đi xây hồ Kẻ Gỗ ngày nào đang được mỗi cán bộ, nhân viên kỹ thuật của BQL Dự án XDCB ngành NN&PTNT cất nhịp để tiếp tục khẳng định mình từ những công trình thuỷ lợi cụ thể, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH tỉnh nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast