Xóa nghèo nhờ chế biến nước mắm

Xuân Yên là xã đặc biệt khó khăn của huyện Nghi Xuân. Từ bao đời nay, người dân nơi đây chỉ quen với những sào ruộng bạc màu và nghề đánh bắt cá biển, vì thế nên đời sống vô cùng khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, chị Hoàng Thị Nữ (thôn Yên Ngư, xã Xuân Yên) tự tìm hướng đi mới cho mình bằng nghề chế biến nước mắm và đã sớm thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Mô hình chế biến nước mắm của gia đình chị Nữ đạt hiệu quả cao.
Mô hình chế biến nước mắm của gia đình chị Nữ đạt hiệu quả cao.

Cũng như đại đa số người dân Xuân Yên, trước đây, vợ chồng chị Nữ cũng làm nghề đánh cá biển nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Vì thế, cái nghèo, cái khổ cứ giai giẵng đeo bám gia đình chị. Trăn trở tìm hướng đi để thoát nghèo thường xuyên thôi thúc chị. Ý tưởng thành lập cơ sở chế biến nước mắm được chị nung nấu từ khá lâu nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không tìm được nguồn vốn, cộng với trình độ kỹ thuật hạn chế nên ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng. Mãi đến năm 2008, chị mới có điều kiện mở cơ sở chế biến nước mắm.

Từ xưa, người dân Xuân Yên quen với việc chế biến nước mắm theo cách truyền thống là chưng cất rồi rang thính bỏ vào làm màu. Cách làm này sẽ làm nước mắm mất đi hương vị đặc trưng của nước cốt cá và khi xuất xưởng nước mắm dễ bị xỉn màu. Vì thế, chị muốn học tập kỹ thuật chế biến mới để đạt hiệu quả hơn. Theo nguyện vọng của chị, năm 2008 chị được Hội Liên hiệp phụ nữ Xuân Yên cho đi tập huấn theo dự án chế biến hải sản và tham quan mô hình chế biến nước mắm tại huyện Thạch Kim, Kỳ Ninh (Hà Tĩnh), Cửa Hội (Nghệ An)… Sau khi đi học tập kinh nghiệm về, chị chạy vạy khắp nơi vay mượn được 40 triệu đồng và được Hội phụ nữ xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay 30 triệu đồng để mở xưởng sản xuất nước mắm.

Với chi phí hơn 70 triệu đồng, chị xây đầu tư 16 thùng chế biến nước mắm (mỗi thùng chứa được khoảng 7-8 tạ cá) và trên 20 vại ruốc. Năm đầu tiên chị mua 13 tấn cá trích, 5 tấn cá cơm và 2 tấn ruốc, cất mẻ đầu tiên thu về được gần 40 triệu đồng. Lấy ngắn nuôi dài, sau mỗi lứa sản phẩm, chị lại có thêm nguồn vốn để mở mang sản xuất. Cứ như thế, chỉ sau hơn ba năm kể từ ngỳa thành lập, đến nay, cơ sở sản xuất của chị đã được mở rộng thêm nhiều với hàng chục thùng nước mắm và thùng ruốc...

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ tịch Hội phụ nữ xã Xuân Yên: “Ban đầu, nhiều chị em còn ngần ngại nhưng sau khi mô hình sản xuất nước mắm theo kỹ thuật mới của gia đình chị Nữ phát huy hiệu quả thì nhiều chị em đã mạnh dạn vay vốn để xây dựng mô hình. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng vận động chị em thành lập Hiệp hội sản xuất chế biến nước mắm để đưa nghề này phát triển mạnh hơn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho chị em trong xã”.

Vạn sự khởi đầu nan. Ban đầu, nguồn vốn ít, kinh nghiệm sản xuất còn non tay, sản phẩm của chị chưa được nhiều người biết đến nên rất khó bán. Nhờ chịu khó học hỏi và đầu tư vào snả xuất nên dần dần, nước mắm, ruốc của chị sản xuất ra luôn đảm bảo chất lượng, được người dân địa phương Xuân Yên và những địa phương lân cận tìm đến mua ngày một đông. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm của chị ngày càng được nhiều người biết đến. Với giá 35 ngàn/lít, mỗi năm chị sản xuất và tiêu thụ khoảng hơn 30 ngàn lít nước mắm. Ngoài ra, mỗi năm chị còn sản xuất được trên 10 ngàn thẩu ruốc, đưa tổng thu nhập cả hai loại snả phẩm này lên đến gần 100 triệu đồng.

Bên cạnh việc tăng thu nhập cho gia đình, chị còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em trong xã. Song, điều đáng nói là chị luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho tất cả chị em trong và ngoài địa phương để mọi người cùng có thể đầu tư làm ăn theo cách của chị.

Từ chỗ không có việc làm, chỉ bám biển với bữa no bữa đói nhưng nhờ mạnh dạn làm ăn nên đến nay gia đình chị Nữ đã có một cơ sở sản xuất nước mắm khá, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Hiện, gia đình chị đang tiến hành làm thủ tục đăng kí thương hiệu để bảo hộ sản phẩm của mình cũng như để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng ngày một rộng rãi hơn..

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast