Đến phường Thành Sen (trước đây là phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) ai nấy đều không khỏi cảm phục khi nhắc đến câu chuyện của chàng trai khiếm thị giàu nghị lực Đỗ Nam Khánh, hiện là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Do di chứng chất độc da cam từ ông ngoại, từ lớp 6, Nam Khánh mất hoàn toàn thị lực. Mọi sinh hoạt, học tập của em đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình, thầy cô và bạn bè. Tuy vậy, với tinh thần vượt khó và ý chí kiên cường, Khánh không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống. Cách đây 1 năm, khi còn là học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, em đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và xuất sắc trúng tuyển vào 6 trường đại học.
Trải qua năm đầu đại học với nhiều khó khăn, vừa làm quen cuộc sống xa nhà, vừa bắt nhịp với môi trường học tập mới nhưng Nam Khánh vẫn đạt thành tích xuất sắc. Ngoài ra, em còn là thành viên tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của khoa, trường và các chương trình tình nguyện, trở thành tấm gương sáng, truyền cảm hứng học tập, vươn lên cho nhiều bạn bè cùng trang lứa...
Còn tại tổ dân phố Tân Miếu, phường Bắc Hồng Lĩnh, em Nguyễn Thị Thu Hà từ nhỏ cũng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do mắc căn bệnh lùn tứ chi bẩm sinh. Bố mẹ Hà chủ yếu làm nghề rèn truyền thống, thu nhập bấp bênh, do đó việc trang trải cuộc sống và nuôi 3 chị em ăn học lại càng thêm vất vả. Thế nhưng, vượt lên tất cả, Hà vẫn kiên trì nuôi dưỡng ý chí học tập và nghị lực vươn lên và nay là sinh viên năm thứ nhất ngành Công tác xã hội - Trường Đại học Vinh.
Trải qua năm đầu tiên đại học, động lực học tập của Hà càng nhân lên khi nhận được sự quan tâm, đồng hành từ Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc Quỹ Khuyến học Hồng Lam. "Bước chân vào giảng đường đại học, em đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng may mắn là em luôn có sự đồng hành của thầy cô và bạn bè. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ quỹ còn tiếp thêm tinh thần nguồn động lực về các vật chất lẫn tinh thần, để em nỗ lực cố gắng hơn trong học tập"- Thu Hà chia sẻ.
Cùng là sinh viên năm thứ nhất ở Trường Đại học Vinh nhưng em Ngô Thị Thùy Linh lựa chọn ngành Công nghệ - Thông tin. Sinh ra và lớn lên ở thôn 7, xã Hương Đô, bất hạnh ập tới vào năm Linh 9 tuổi khi cánh cửa cổng đổ xuống người khiến em bị tổn thương tủy sống và liệt cả 2 chân. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc vào chiếc xe lăn nhưng ở cô gái giàu nghị lực, niềm lạc quan và ý chí vươn lên chưa bao giờ tắt.
Nhiều thời điểm, Linh phải bảo lưu kết quả học tập để đi điều trị, thế nhưng, mỗi lần trở lại giảng đường, em luôn tự nhủ bản thân phải nỗ lực hơn để thực hiện ước mơ của mình. "Chính hoàn cảnh bản thân khiến em luôn tự nhủ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với hơn những người khác. Bởi không ai có thể thay thế mình bước tiếp trên con đường của mình. Trong cuộc sống, rất nhiều người còn khó khăn hơn nhưng họ vẫn không ngừng vươn lên, vậy nên không có lý do gì để em cho phép mình bỏ cuộc".
Để tiếp thêm động lực cho những người khuyết tật như Linh, đầu năm nay, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai dự án “Chương trình học bổng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tỉnh Hà Tĩnh” với sự tài trợ của tổ chức Giving It Back To Kids. Dự án sẽ hỗ trợ cho thanh, thiếu niên khuyết tật sử dụng nạng, xe lăn, xe 3 bánh, gặp hoàn cảnh khó khăn… đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, học nghề có độ tuổi từ 15 - 35 với hình thức hỗ trợ dụng cụ học tập và học phí trong suốt thời gian đào tạo. Đây là năm đầu tiên dự án này được triển khai tại Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Hà Tĩnh cho biết: "Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục phối hợp, kết nối với các đơn vị liên quan để rà soát, tìm kiếm các đối tượng đáp ứng đầy đủ tiêu chí thụ hưởng học bổng. Đồng thời, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh và các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ kịp thời các cháu khuyết tật gặp hoàn cảnh khó khăn. Sự nỗ lực phấn đấu, tự tin vươn lên trong học tập của các em không chỉ là câu chuyện của riêng từng cá nhân, mà còn góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong cộng đồng".
Chinh phục con đường tri thức vốn là một hành trình không hề dễ dàng, đặc biệt với những em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Vậy nhưng, với sự đồng hành, sẻ chia từ cộng đồng xã hội, những ước mơ sẽ từng bước được chắp cánh, giúp các em tự tin viết tiếp câu chuyện của mình…