Ban Thanh tra nhân dân sẽ giám sát các khoản đóng góp của dân

Nghị định 159/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành trong đó quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.

Theo đó, tổ chức Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được thực hiện theo quy định tại Điều 68 Luật thanh tra.

Thành viên Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố bầu.

ban thanh tra nhan dan se giam sat cac khoan dong gop cua dan

Ban Thanh tra nhân dân sẽ giám sát các khoản đóng góp của dân. Ảnh minh hoạ

Ban thanh tra nhân dân có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên. Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Phó Trưởng ban có trách nhiệm giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ. Các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.

Nhiệm kỳ của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn là hai năm. Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 5 đến 11 thành viên.

Đối với những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân dưới 5 nghìn người thì được bầu 5 hoặc 7 thành viên; từ 5 nghìn người đến dưới 9 nghìn người thì được bầu 7 hoặc 9 thành viên; từ 9 nghìn người trở lên thì được bầu 9 hoặc 11 thành viên.

Đối với những xã, phường, thị trấn ở miền núi, trung du và hải đảo, mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu 1 thành viên, nhưng số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân không quá 11 người.

Căn cứ vào địa bàn, số lượng dân cư, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn quyết định số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.

Nhiệm vụ của Ban thanh tra nhân dân

Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.

Bên cạnh đó, xác minh những vụ việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giao; tham gia việc thanh tra, kiểm tra tại xã, phường, thị trấn theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thầm quyền; cung cấp thông tin, tài liệu, cử người tham gia khi được yêu cầu.

Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm theo thẩm quyền và khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua hoạt động giám sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan tổ chức, đơn vị; kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn các hình thức động viên, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân phát hiện sai phạm và có thành tích trong công tác; tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do pháp luật quy định.

Theo VGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast