Dân và Đảng ở Vũ Quang

Lâu lắm rồi, tôi mới thấy không khí háo hức của người dân hiến vườn, nhường đất, đem hết sức người, sức của để mở sáng những con đường xây dựng quê hương. Và ở nơi ấy, Vũ Quang, cả huyện là một đại công trường của đại thủy nông Ngàn Trươi – Cẩm Trang.

Vũ Quang - đất và người

Cùng với Lộc Hà, Vũ Quang là huyện “em út” của tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập theo Nghị định 27 ngày 4-8-2000 của Chính phủ gồm 12 xã xa xôi, nghèo nhất của ba huyện Đức Thọ, Hương Khê và Hương Sơn. Nói về cái nghèo, có lẽ chỉ nói huyện có 43 km đường biên với Lào, vào năm 2000 ấy cả huyện chưa có một tấc đường nhựa, là đủ.

Nhưng ở nơi thâm sơn cùng cốc ấy, tự ngàn xưa là nơi tụ khí, sinh ra không ít những anh hùng, hào kiệt. Chỉ riêng làng Ân Phú, quê hương của thi hào Huy Cận, từ triều Trần đã có hai cha con Sử Hy Nhan – Sử Đức Huy cùng là Trạng nguyên. Ông Nhan họ Trần, nhưng vì giỏi sử nên được ban họ Sử. Triều Lê có Hoàng hậu Ngô Thị Quận Quân (Ngọc Điệp) là chị ruột của Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông. Phan Đình Phùng và cuộc khởi nghĩa lừng lẫy nhất trong Phong trào Cần Vương (1885-1896) tại Vũ Quang là Đình nguyên, tức đỗ đầu kỳ thi Đình dưới triều Nguyễn.

Ở nơi thâm sơn cùng cốc nhưng tự ngàn xưa, Vũ Quang là nơi tụ khí, sinh ra không ít những anh hùng, hào kiệt.

Ở nơi thâm sơn cùng cốc nhưng tự ngàn xưa, Vũ Quang là nơi tụ khí, sinh ra không ít những anh hùng, hào kiệt.

Về hiếu học, hiếu đễ, có chuyện ông Đoàn Tử Quang, người làng Phụng Công, Hương Sơn, nay là xã Đức Hòa. Ông là cố nội dịch giả Đoàn Tử Huyến. Vốn học giỏi, nhưng khoa cử long đong, 49 tuổi mới đỗ tú tài. Trong kỳ thi Hương tại Trường Thi Nghệ An năm 1900, ông đã 82 tuổi, chiều theo ý mẹ vẫn lều chõng ra Vinh. Kỳ thi ấy, ông đỗ Cử nhân hạng ưu, sau Phan Bội Châu. Tổng đốc Nghệ An Đào Tấn có thơ khen rằng: Khá lắm Hương Sơn Đoàn Tú tài/Xuân xanh vừa đúng tám mươi hai/Trường văn múa bút râu như mác/Quế đỏ cành thơm cướp vác vai…

Những người thi đỗ được khao một bữa tiệc gọi là ơn vua, lộc nước; họ Đoàn không dám ăn mà lấy phần về dâng mẹ. Tuy nhiên, vượt cả mấy chục dặm đường về nhà thì thức ăn đã hỏng hết. Mẹ ông lúc ấy đã 98 tuổi, nói rằng: ”Giờ thấy con đỗ đạt là ta đắc ý rồi”! Bởi vì, chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con, rèn cặp, thúc giục con cái theo đòi chữ nghĩa. Bà thường nói với Đoàn Tử Quang: “Từ ngày về làm dâu nhà này, mẹ chưa từng thấy cha con bỏ đọc sách ngày nào; có chí mà chưa có toại. Con cần phải học , phải cướp lấy bảng vàng cho con cháu nối đời noi theo”!

Có hào kiệt, ắt có sự nghiệp. Từ chỗ một huyện có 50% hộ nghèo, Vũ Quang đang xé núi, trỗi mình đứng dậy.

Đảng viên đi trước, làng nước theo sau

Đây là câu nói cửa miệng, là phương châm hành động của tất cả cán bộ, đảng viên thời kháng chiến từ hơn nửa thế kỷ trước. Đảng viên đi trước trong việc xông vào nơi khói lửa, hiểm nguy; trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong việc hy sinh quyền lợi cá nhân… Bởi thế, dân mới tin Đảng, theo Đảng đến cùng.

Nhân dân huyện Vũ Quang đập phá tường rào, mở rộng tuyến theo tiêu chí NTM
Nhân dân huyện Vũ Quang đập phá tường rào, mở rộng tuyến theo tiêu chí NTM

Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Thanh Sơn là cán bộ tăng cường cho huyện mới ngay từ những ngày đầu. Ôn lại 12 năm gian khổ mà đáng tự hào khi GDP toàn huyện tăng gấp đôi; từ chỗ không một tấc đường nhựa, đường sá nhỏ hẹp, bị chia cắt, bây giờ ô tô về tận sân nhà, điện đường trường trạm khang trang, anh càng thấm thía sức mạnh của nhân dân. Nhưng để khơi dậy sức mạnh của dân, phải có Đảng mạnh. Trước hết là mạnh về tư tưởng, về trí tuệ, biết chỉ hướng đúng; và biết thể hiện bằng tấm gương.

Anh là người hay cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng khẩu hiệu. Thí dụ, mục tiêu, nhiệm vụ của Vũ Quang là “ 4,3,2,1”. Bốn là 4 hóa: Bê tông hóa kênh mương; bê tông hóa, nhựa hóa đường giao thông; sản xuất theo hướng hàng hóa; chuẩn hóa cán bộ. Ba là 3 đột phá: đột phá về kinh tế trang trại, vườn đồi; chăn nuôi đại gia súc; thương mại dịch vụ. Hai là 2 nguồn lực (nội, ngoại). Một là một tư tưởng tiến công, đã có nghị quyết thì xốc tới mà làm. Cán bộ, đảng viên, ai không làm được thì ra khỏi hàng, không oong đơ gì hết.

Đã là cán bộ, đảng viên thì phải Tận tụy để dân thương, gương mẫu để dân trọng, trung thực để dân tin.

Đã đầu tư thì phải biết từ đâu; đã muốn xây dựng, nhân rộng mô hình thì phải có, phải chỉ cho dân thấy được hình mô (điển hình, mô hình ở đâu). Một trong những câu trả lời hình mô ấy là gương làm ăn của anh Phạm Văn Đức ở xã Hương Minh.

Mô hình kinh tế trang trại của ông Phạm Văn Đức (xã Hương Minh).
Mô hình kinh tế trang trại của ông Phạm Văn Đức (xã Hương Minh).

Anh nhận 30 ha đất rừng, ngoài 4 ha cây gió (gió trầm), còn lại chủ yếu là keo. Keo của anh được 6 năm, đang vào mùa thu hoạch, ước tính mỗi ha thu 70 triệu. Còn cây gió, với đường kính 10cm được bán tại vườn (để khách cấy trầm và thu hoạch) là một triệu đồng/cây. Với vốn đầu tư 300 triệu đồng, anh còn có một trại lợn siêu nạc nuôi được một lứa 500 con. Với hình thức nuôi liên doanh, lứa đầu bán 2,8 tỉ, anh lãi ròng 120 triệu, đang chuẩn bị bán lứa 2. Chỉ hai lứa, chưa đầy một năm, chưa cần hỗ trợ của tỉnh, của dự án, anh đã hoàn vốn 100%. Giờ chỉ còn ăn lãi. Anh đã là tỉ phú nông dân. Bốn thằng con đại học chưa nuôi được anh nhưng anh đã nuôi ngon cả bốn thằng con đại học ấy.

Anh Đức là Bí thư Đảng ủy xã. Ngoài những phẩm chất khác, ai không làm được tối thiểu 100 triệu đồng/năm thì không thể làm bí thư đảng ủy, chủ tịch xã ở Vũ Quang. Lý lẽ ở đây là: Không lo được cho mình thì không thể lo được cho ai; không biết làm ăn thì không thể hướng dẫn chuyện làm ăn cho người khác, không thể dẫn dắt nhân dân đi tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…

Những ngày này, ở Vũ Quang, xã xã làm đường, những con đường xóm cũng to rộng hai làn xe tải. Gặp vườn phá vườn, gặp cây chặt cây, gặp nhà bạt nhà. Như là thời “ Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Tôi hỏi Bí thư Sơn: "Huyện, tỉnh có phải chi nhiều tiền cho giải phóng mặt bằng không”? Anh cười to: Huyện làm gì có tiền. Đền làm sao hết. Dân hiến cả đấy. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra – cứ cơ chế ấy mà làm, thì việc đi băng băng.

Tại xóm Bình Du, Đức Lĩnh, chúng tôi gặp Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Đường đang nhờ người chặt mấy cây mít to cỡ người ôm. Bí thư chặt trước, làng nước chặt theo. Anh có vẻ hơi buồn và tiếc khi nhìn thấy cây mít bị cưa máy xiến ngang để lộ cái lõi đã làm được cột nhà. Ở đời, không có niềm vui, hạnh phúc nào lại không đến từ phía hy sinh. Buồn trước, vui sau còn hơn sướng trước, khổ sau - anh Đường triết lý.

Ở thôn Hương Phố, xã Hương Quang, hộ ông Lê Hùng hiến 400m2 đất vườn dể làm đường giao thông nông thôn.Ở thôn Hương Hoà có gia đình ông Trần Bình, hiến 450 m2 . Ông Hòa tâm sự: Qua các cuộc họp, chúng tôi hiểu rất rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi hiểu rằng, khi tuyến đường được mở rộng, người đầu tiên được hưởng lợi cũng chính là chúng tôi; vì thế các gia đình nằm bên tuyến đường đều ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của mình trong việc hiến đất.

Cũng với khí thế đồng loạt ra quân như vậy, chỉ trong hơn một tuần của tháng 3-2012, nhân dân 8/8 thôn trong xã Đức Hương đã đầu tư gần 2.000 ngày công để phát sẻ cây cối, phóng tuyến 87 tuyến đường với tổng chiều dài 30 km; sau đó hoàn thành cắm 1.300 mốc bằng bê tông. Nhân dân các thôn cũng đã tự nguyện hiến gần 19 ngàn m2 đất và 6,4 ngàn cây cối các loại, trong đó có nhiều cây ăn quả quý như bưởi, cam, chanh…

Thực tế ở Đức Hương cho chúng tôi thấy cán bộ và nhân dân ở đây đã thực sự thấm nhuần xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động toàn diện trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội; chủ thể xây dựng nông thôn mới là hộ nông dân.

Đường là đường chung. Nhà hiến đất bị thiệt. Nhưng Đảng nhìn thấy điều ấy. Có một cuộc vận động hiến đất khác, mỗi khẩu hiến 4m2 để làm đất ở cho những hộ mất nhà, đất canh tác cho những hộ mất vườn, mất ruộng nhiều. Không tuyệt đối nhưng cũng ổn. Ai nấy đều vui vì công bằng được chú ý.

Một lần nữa, chân lý “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong” được hiện thực hóa một cách sinh động.

Tầm vóc Ngàn Trươi

Ngàn Trươi – Vụ Quang từng nổi tiếng , thể hiện tầm vóc của mình trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp 10 năm của cụ Phan Đình Phùng . Tên hành chính, được khắc vào con dấu bây giờ là Vũ Quang, chắc cho dễ đọc, chứ ngày xưa các cụ đặt tên vùng đất này là Vụ Quang, tức “quang mây mù”. Vùng đất này luôn bị mây mù bao phủ, chỉ lúc nào quang tạnh mây mù thì mới nhìn thấy!

Mô phỏng công trình đầu mối hồ chứa nước Ngàn Trươi
Mô phỏng công trình đầu mối hồ chứa nước Ngàn Trươi

Bây giờ, nổi tiếng với công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang có dung tích hồ chứa 775 triệu mét khối, vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng; đứng thứ ba cả nước , chỉ sau Hồ Dầu Tiếng, Bình Dương 1,58 tỉ m3, 270km2 diện tích nước (nhất Đông Nam Á) và Hồ Cửa Đạt (Đặt) - Thanh Hóa 1,45 tỉ m3.

Hôm chúng tôi đến, gặp đoàn Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn. Đi ràn rạt, sâu sát tới từng nhà tái định cư, từng cột mốc kênh mương, từng năng lực của đơn vị thi công. Tôi quen biết anh Sơn từ hồi còn là Chủ tịch Thạch Hà, sau anh Chất, cùng với Bí thư Huyện ủy Trần Thanh Bình làm giao thông nông thôn, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng biển ngang… làm cho Thạch Hà, quê hương Anh hùng Lý Tự Trọng chuyển mình hẳn. Là kỹ sư nông nghiệp trẻ, bên cạnh nhiệt huyết, Phó Chủ tịch Sơn còn là người có kiến thức rộng, nhạy bén thực tế, nhuần nhụy trong cách làm việc với con người và rất quyết đoán trong công việc.

Đi theo anh và đoàn công tác, tôi thấy sống dậy một bộ máy thời chiến: Việc cần làm, đến ngày này phải xong, không bao giờ có từ “không”. Mắc mớ ở đâu, yêu cầu gì có tập thể, có các ban ngành cùng giải quyết. Đủ điều kiện mà không làm được hay không biết cách khắc phục khó khăn, thì nghỉ ngay, điều người khác làm. Không có chuyện đổ lỗi ban này, ban khác; do thời tiết hay ngân hàng…

Hồ chứa nước Ngàn Trươi – Cẩm Trang ở độ cao 53,9 m, với thế năng ấy, với sức chứa ấy, đủ sức tưới cho phần lớn diện tích ruộng lúa cho Hà Tĩnh, phục vụ cho đại công trình mỏ sắt Thạch Khê. Rồi đây, Hà Tĩnh sẽ lại thay đổi hình ảnh của mình bằng một tỉnh sớm đi vào CNH - HĐH.

Và như thế năng của hồ nước kia, Hà Tĩnh đang có một dàn cán bộ có thế năng về kiến thức, về tình cảm và sức khỏe để làm gương cho nhân dân, lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Cách mạng là rõ ràng: Cái gì cũng khó khăn, nhưng vượt qua khó khăn sẽ làm nên cái mới. Cái gì không vì dân, dân không theo sẽ thất bại. Cái gì vì dân, được dân tin, dân theo sẽ thành công.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast