Đảng bộ Đức Thọ coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ, nhiều năm qua, đặc biệt từ sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27 (nhiệm kì 2005-2010) đến nay, Đức Thọ đã coi việc chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp uỷ Đảng.

Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Văn Quý, cho biết: Đảng bộ Đức Thọ xác định sự nghiệp đổi mới của Đảng hiện nay diễn ra trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh đang đòi hỏi đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn khác với những giai đoạn cách mạng trước. Đây là việc chuyển tiếp khách quan, nhiều khó khăn nhưng lại là khâu “then chốt”. Nhận thức được tầm quan trọng đó, nhiều năm qua, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27 (nhiệm kì 2005-2010) đến nay, Đức Thọ đã coi việc chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp uỷ Đảng.

Đội ngũ cán bộ ở Đức Thọ đã có sự chuyển biến về chất lượng, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp đổi mới ở địa phương
Đội ngũ cán bộ ở Đức Thọ đã có sự chuyển biến về chất lượng, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp đổi mới ở địa phương

Từ những yêu cầu và quy định chung của Trung ương và của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh về tiêu chuẩn cán bộ, Huyện uỷ Đức Thọ đã vận dụng và chỉ đạo xây dựng, cụ thể hoá một bước những nội dung về phẩm chất chính trị, kiến thức và năng lực của cán bộ lãnh đạo và quản lí sát với tình hình địa phương, lấy đó làm căn cứ để đánh giá, lựa chọn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Huyện uỷ chỉ đạo linh hoạt, vận dụng nhiều hình thức: vừa cử đi học ở Trung ương, ở tỉnh, vừa mở lớp tại huyện, kết hợp giữa học tập trung với vừa làm vừa học tại chức, giữa học tập dài ngày với tập huấn ngắn ngày.

Những năm gần đây, ngoài việc cử hàng trăm cán bộ đi học tập trung ở các trường của Trung ương và của tỉnh, Huyện uỷ Đức Thọ còn liên kết với các trường Đại học Huế, Đại học Hà Tĩnh mở 3 lớp đại học vừa học vừa làm, đào tạo rất cơ bản cho đội ngũ cán bộ đương chức và dự nguồn của huyện và cơ sở về các chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành Nông học, ngành Quản trị kinh doanh cho 211 người; phối hợp với trường chính trị Trần Phú và Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở 9 lớp trung, sơ cấp chính trị cho 1.178 cán bộ, đảng viên.

Công tác bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên được quan tâm chú trọng thực hiện, giao cho các ngành chuyên môn phụ trách, bồi dưỡng kiến thức về quản lí Nhà nước, kiến thức về quốc phòng an ninh, bồi dưỡng về kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ chuyên ngành ở các lĩnh vực đang công tác. Kết quả trong 5 năm (2006-2010) toàn huyện đã có 10.074 lượt cán bộ huyện và cơ sở được bồi dưỡng các chuyên ngành.

Ông Trần Bá Tú - Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Đức Thọ cho biết: nhờ tích cực đào tạo, bồi dưỡng qua nhiều nguồn, bằng nhiều hình thức, năng lực và kiến thức của đội ngũ cán bộ ở Đức Thọ đã có sự chuyển biến về chất lượng, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp đổi mới ở địa phương. Ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá 28 (nhiệm kì 2010-2015) có 97,7% số đồng chí có trình độ học vấn lí luận chính trị cao, trung cấp; 82,2% có trình độ đại học và cao đẳng chuyên môn nghiệp vụ. Riêng 13 đồng chí trong Ban thường vụ Huyện uỷ đều đã có trình độ lí luận chính trị cao cấp, cử nhân; 12 đồng chí có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Hầu hết cán bộ, chuyên viên các ban Đảng và các ban ngành, đoàn thể cấp huyện có trình độ đại học, cao đẳng về chuyên môn nghiệp vụ, cao cấp và trung cấp lí luận chính trị. Đội ngũ cán bộ xã, thị trấn trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng chiếm 27,4%, trung cấp chiếm 46,3%; cao, trung cấp lí luận chính trị chiếm 42%.

Tham quan học tập thực tế những điển hình tiên tiến được Đảng bộ Đức Thọ coi là bồi dưỡng cán bộ thiết thực. Trong nhiều năm qua, huyện và các xã, thị trấn, các ngành đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở các điển hình trong và ngoài tỉnh. Việc đó giúp cán bộ mở rộng tầm nhìn, tầm suy nghĩ, rút được nhiều kinh nghiệm hay, tránh được những thiếu sót không đáng có, đồng thời cũng tăng thêm tình yêu quê hương đất nước, động viên tinh thần phấn đấu công tác trong mỗi cán bộ. Học tập để nâng cao kiến thức và năng lực công tác là nghĩa vụ, cũng là quyền lợi thiết thân của mỗi cán bộ.

Để cán bộ giảm bớt khó khăn, thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, Huyện uỷ Đức Thọ đã vận dụng cụ thể, trích một phần ngân sách hổ trợ thêm cho cán bộ đi học. Do đó vừa động viên, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm học tập của mỗi cán bộ, đảng viên. Ở những lớp học tại chức dài hạn, cán bộ vừa công tác, vừa học tập nhưng anh, chị em vẫn học tập nghiêm túc.

Nhờ kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như vậy, mấy năm qua, đội ngũ cán bộ Đức Thọ đã thực sự đóng vai trò nòng cốt thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, tạo được sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố; chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, bộ mặt quê hương có nhiều khởi sắc.

Tuy vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ ở Đảng bộ Đức Thọ còn có khó khăn, hạn chế: một số tổ chức cơ sở Đảng chưa gắn quy hoạch cán bộ với đào tạo, bồi dưỡng. Hiện vẫn còn một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới, không ít cán bộ có tư tưởng ngại học tập vươn lên… Đây là những hạn chế của công tác cán bộ Đức Thọ cần được quan tâm tháo gỡ để vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước đi lên, xứng đáng với quê hương của đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast